Thứ 6, 22/11/2024, 19:27 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Làng nghề khô cá biển ở Gành Hào vào vụ Tết

Làng nghề khô cá biển ở Gành Hào vào vụ Tết
(Tieudung.vn) - Những ngày này, tàu ghe cập bến ăn hàng tấp nập. Hàng trăm lao động từ trẻ em đến người già tại thị trấn Gành Hào lại tất bật từ 2-3 giờ sáng sản xuất khô cá biển kịp phục vụ Tết.

Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu là vùng làng nghề chuyên sản xuất khô nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn lan rộng sang các tỉnh lân cận khác như Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ… Các loại đặc sản khô như cá lù đù, khô cá rúng, cá lóc biển, khô cá khoai, cá đuối, cá kèo, cá ngác, cá bông lau, cá sặc bổi, cá dứa, cá thiều, cá cờ, cá hố, cá lưỡi trâu... Ngoài các loại khô cá, người dân nơi đây còn làm các loại tôm khô, mực khô.

Mô tả ảnh
Phơi khô cá kèo phục vụ Tết tại một hộ dân ở Gành Hào. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Chị Trần Xuân Mai (ngụ ấp 3, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) một trong những cơ sở sản xuất khô lớn nhất Gành Hào cho biết: “Gành Hào từ lâu được xem là làng nghề nổi tiếng làm khô của Bạc Liêu với đủ các loại khô. Ban đầu việc làm khô chủ yếu phục vụ bữa ăn hằng ngày cho gia đình, làm quà biếu cho họ hàng, bè bạn ở xa. Sau mọi người ăn thấy ngon, ưa miệng nên đặt làm với số lượng nhiều, từ đó đến nay, làm khô đã trở thành nghề nuôi sống nhiều gia đình và nhờ đó mọi người có điều kiện lo cho con cái ăn học, ngày càng khá giả”.

Chị Nguyễn Thị Loan (ngụ ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) chuyên làm khô cá Kèo cho biết, cứ bắt đầu bước vào mùa khô là gia đình chị làm khô, nhưng làm với số lượng nhiều nhất là vào khoảng cuối tháng 9 đầu đến tháng 10 âm lịch, khối lượng công việc nhiều gấp 2 – 3 lần so với ngày bình thường. Ngày bình thường gia đình chị nhập từ 500 – 600kg cá tươi nhưng vụ Tết số lượng cá nhập lớn hơn, dao động khoảng 1.000 – 1.500kg/ngày. Xong một mùa khô, gia đình chị xuất bán khoảng 20.000kg khô thành phẩm ra .

Hầu hết các loại cá tươi nguyên liệu được các hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất thu mua từ các ghe hàng trên địa bàn Gành Hào. Một số mặt hàng thiếu phải nhập ở tỉnh lân cận như Cà Mau hoặc xa hơn là TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Các sản phẩm khô cá biển ở Gành Hào đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Ðể có sản phẩm được người vừa ý, khô có mùi vị thơm ngon, sạch, đạt yêu cầu vệ sinh , thì người làm phải có từ khâu chọn cá, mổ cá, ướp cá cho đến đem phơi. Bí quyết làm khô ngon là muối qua đêm thật mặn, sau đó rửa thật sạch, nếu rửa không sạch, muối nổi trắng trên con khô, còn nếu lượng muối không đủ, cá sẽ không ngon, thịt bở.

Để làm ra những mẻ khô thơm ngon, đảm bảo chất lượng không phải là việc dễ dàng. Mỗi gia đình làm nghề đều có bí quyết riêng ở từng công đoạn, sao cho giữ được hương vị và độ tươi ngon vốn có của nó, như vậy mới có thể giữ được uy tín và cạnh tranh trên thị trường.

Theo đánh giá chung của các hộ sản xuất, kinh doanh thì thị trường khô cá năm 2017 giá cả kém hơn so với năm 2016. Chị Nguyễn Thị Loan cho biết, nếu năm 2016 giá khô cá kèo thành phẩm từ 280.000 – 290.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 230.000/kg bán theo số lượng lớn. Nếu bán lẻ thì giá cũng chỉ dao động từ 240.000 – 250.000 đồng/kg. Cá kèo tươi nhập hàng năm ngoái từ 85.000 – 90.000 đồng/kg, năm nay là 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mùa khô năm nay xuất hàng ra thị trường nhiều hơn so với mọi năm và lợi nhuận đạt 15.000 – 20.000 đồng/kg khô cá thành phẩm.

Thị trường giá cả khô cá thiều cũng tương tự khô cá kèo, ở mức 110.000 đồng/kg thấp hơn từ 10.000 – 20.000 đồng so với năm 2016. Nguyên nhân chính do năm nay mưa nhiều, kéo dài qua Tết Dương lịch 2017, mặt hàng khô cá thành phẩm phơi bị ảnh hưởng đến chất lượng và mùa sản xuất khô cá đúng dịp mùa cá, số lượng cá nhiều nên giá thành hạ. Một số mặt hàng khô khác tại các chợ trong tỉnh Bạc Liêu như khô cá lóc 120.000 – 160.000 đồng/kg, khô cá đuối tẩm 130.000 đồng/kg, khô cá sặc bổi 200.000 – 220.000 đồng/kg, khô mực 330.000 – 820.000 đồng/kg, tôm khô 360.000 – 1.100.000 đồng/kg…

Chị Trần Xuân Mai, chủ vựa khô tại chợ Gành Hào cho biết, trừ các mặt hàng khm và khô mực tăng giá, còn các loại khô khác đều rớt giá hoặc đứng giá vào dịp tết năm nay. bình quân mỗi ngày giáp Tết, sạp khô của chị bán từ 1.000 – 2.000 kg khô các loại. Từ nay đến Tết, cơ sở chị sẽ xuất từ 20.000 – 30.000 kg khô các loại ra thị trường. Một số mặt hàng khô khác tại chợ Gành Hào như khô cá lóc 120.000 – 160.000 đồng/kg, khô cá đuổi tẩm 130.000 đồng/kg, khô cá sặc bổi 200.000 – 220.000 đồng/kg, khô mực 330.000 – 820.000 đồng/kg, tôm khô 360.000 – 1.100.000 đồng/kg…

Mặc dù trên thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm khô đến từ những nơi khác nhau, thế nhưng sản phẩm cá khô Gành Hào tỉnh Bạc Liêu vẫn luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Mặt hàng khô Gành Hào đã theo các tuyến xe có mặt hầu khắp các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Tây Nguyên…

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào Đặng Văn Hải cho biết, mùa Tết năm nay, làng khô Gành Hào, mỗi cơ sở làm khô dự kiến bán ra thị trường từ 1.000 – 3.000 kg/ngày, so với năm ngoái thì năm nay sản lượng khô cá bán ra thị trường giảm nhiều. Nguyên nhân chính do năm nay biển rất động, lượng cá tươi đánh bắt không nhiều, mưa nhiều kéo dài qua tết Dương lịch 2017, mặt hàng khô cá thành phẩm phơi bị ảnh hưởng đến chất lượng.

Tags:
3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.52942 sec| 793.195 kb