ĐBSCL được xem là vựa lúa của cả nước, hàng năm đóng góp đến 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Cây lúa trở thành nguồn thu nhập chính nuôi sống nhiều thế hệ nông dân và nghề trồng lúa nước gắn liền với đời sống người dân nơi đây.
Tuy nhiên do tác động của Biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam nói chung và ĐBSCL đang phải đối mặt với những thử thách rất lớn. Đợt hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016 đã gây thiệt hại trên 200.000 ha diện tích cây trồng, trong đó cây lúa chịu tác động nặng nề nhất. Để giúp người nông dân trồng lúa khu vực ĐBSCL tìm giải pháp kỹ thuật trước mắt và lâu dài nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất và tiếp tục nâng cao thu nhập trong canh tác lúa. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty CP phân bón Bình Điền, trung tâm KN 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL thực hiện chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” từ vụ lúa Hè Thu năm 2016. Với mục tiêu cung cấp cho nông dân các giải pháp kỹ thuật mới và phù hợp để áp dụng vào sản xuất, tiết giảm tối đa các chi phí đầu tư không cần thiết, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, thu nhập cho bà con nông dân.
Kết quả vụ Hè Thu năm 2016, lợi nhuận ở 13/13 mô hình đều tăng cao hơn so với đối chứng sản xuất theo thói quen của bà con nông dân. Bình quân toàn vùng, lợi nhuận đạt 16.724.816 đồng so với đối chứng 13.224.779 đồng, lợi nhuận đã tăng khoảng 26% tương đương 3,5 triệu/ha, cá biệt một số mô hình như ở Bến Tre, Bạc Liêu hay Cần Thơ lợi nhuận trong và ngoài mô hình khoảng 5 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn do biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu gây ra. Thực tế năm 2016, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho đời sống và sản xuất của bà con nông dân, 11/13 tỉnh thành công bố thiên tai, hàng trăm ngàn hecta cây trồng bị ảnh hưởng, diện tích lúa bị tác động lớn nhất khi có trên 200.000 ha chịu tác động trực tiếp. Chính vì vậy mô hình này cần phải được phổ biến rộng rãi trên toàn vùng.
GS.TS Mai Văn Quyền, Trưởng ban cố vấn Chương trình canh tác lúa thông minh ứng phó với BĐKH, cho biết: “Canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH là chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, nhằm giúp nông dân tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào đồng ruộng, từ đó nâng cao thu nhập và hiệu quả sản xuất. Ngoài yếu tố lợi nhuận, nông dân tham gia mô hình dần trở thành ‘chuyên gia nhà nông’ có đủ kiến thức, kinh nghiệm thực tế để thích ứng với các điều kiện bất lợi trong sản xuất và truyền đạt kinh nghiệm cho bà con nông dân khác trong địa phương. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật, mỗi vụ toàn vùng ĐBSCL sẽ tiết kiệm trên 100.000 tấn lúa giống, hơn 115.000 tấn urê và thuốc BVTV và giảm được công chăm bón... Những con số này quy ra tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng”.
Thực tế cho thấy, qua 5 vụ sản xuất, gói kỹ thuật canh tác lúa thông minh của Bình Điền đã đủ sức thuyết phục nông dân toàn vùng. Mỗi vụ làm mô hình ở một xã, một huyện khác nhau, rải đều khắp các vùng trọng điểm trồng lúa. Nông dân trong các mô hình đã áp dụng rất tốt các biện pháp canh tác theo khuyến cáo chương trình, tiết giảm tối đa các khoản chi phí đầu tư không cần thiết. Bình quân chi phí đầu tư trong mô hình giảm khoảng 7,1%, tương đương 1,25 triệu đồng so với đối chứng, giá thành sản xuất chỉ 2.680 đồng/kg so với 3.114 đồng/kg ở ruộng đối chứng. Trong mô hình cũng giảm đáng kể chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật (18,1%) và số lần phun thuốc, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhà nông và hạn chế tác hại đến môi trường.
Bình quân mô hình chỉ sử dụng 79,7kg giống/ha so với 144,6 kg/ha so với đối chứng, tuy nhiên hiệu quả thì đã rõ, năng suất vẫn tăng khi áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác. Kết quả trong 2 vụ vừa qua là rất đáng ghi nhận, khi bình quân vụ đông xuân 2016-2017 năng suất trong mô hình cao hơn khoảng 500 kg/ha, chi phí đầu tư giảm trên 1,5 triệu đồng và lợi nhuận tăng 4,7 triệu/ha.
Theo ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, với chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”, Bình Điền mong muốn cung cấp cho nông dân một gói kỹ thuật sản xuất, chứ không chỉ là những sản phẩm phân bón Đầu Trâu chất lượng cao. Bộ sản phẩm phân bón Đầu Trâu thích ứng với BĐKH cho lúa bảo đảm giải độc mặn, phèn, giảm lượng bón nhờ những hoạt chất làm giảm thất thoát đạm, tăng hiệu quả sử dụng lân, là những tiến bộ khoa học về phân bón của thế giới mà Bình Điền đang độc quyền nhập khẩu, sản xuất.
Ông Trần Văn Dũng - Trưởng bộ phận văn phòng thường trực tại Nam bộ - Trung tâm khuyến nông quốc gia nhận định, chương trình đã góp phần giúp nông dân các giải pháp canh tác phù hợp với biến đổi khí hậu, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích. Các biện pháp kỹ thuật đã được nông dân trong mô hình áp dụng tốt bao gồm: xuống giống 80 kg/ha, bón phân cân đối, hợp lý, không phun thuốc 40 ngày sau sạ, sử dụng giống xác nhận, sử dụng các thiết bị đo độ mặn, kiểm tra pH đầu vụ, chuẩn bị đất kỹ trước khi xuống giống, quản lý dinh dưỡng và nước tưới, quản lý chồi hữu hiệu…
Sau các phần thi đầy sôi nổi, gây cấn với sự tranh tài quyết liệt của các thí sinh, ban tổ chức đã chọn ra 3 đội đạt giải III, 2 đội đạt giải II và 1 đội đạt giải I. Đội nhà nông tỉnh Đồng Tháp đã xuất sắc giành giải cao nhất.