Các bị cáo khẳng định làm đúng quy định pháp luật
Ngày 13/8, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại NaviBank ra xét xử phúc thẩm. Trong phần xét hỏi, HĐXX đặt lại các vấn đề về cấp tín dụng giống như tại phiên toà sơ thẩm (diễn ra từ 28/2 đến 19/3), trong đó HĐXX xoáy vào lời khai ban đầu của các bị cáo khai là có chủ trương cấp tín dụng.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 13/8. |
Tuy nhiên các bị cáo Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc NaviBank), Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam (cả 2 cùng là nguyên Phó Tổng Giám đốc NaviBank) đểu khẳng định không có chủ trương và đó chỉ là lời khai ban đầu, khai theo ý của điều tra viên đã được chuẩn bị trên máy vi tính và điều này đã được khai tại phiên tòa sơ thẩm. Theo bị cáo Nguyễn Giang Nam, trong vụ án này có 3 giai đoạn: Mới bắt đầu khởi tố vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, lúc đó NaviBank muốn đòi lại tiền nên khi điều tra viên yêu cầu khai là phải có tổ chức, nên các lãnh đạo NaviBank khai có họp Hội đồng Alco nhưng thực chất Hội đồng Alco không có. Đến giai đoạn 2, khi có bản án phúc thẩm vụ Huyền Như, điều tra viên tiếp tục yêu cầu các lãnh đạo NaviBank khai giống như lời khai ban đầu để có lý do đóng hồ sơ, nếu không khớp thì không đóng được. Với lý do khá hợp lý nên các lãnh đạo NaviBank khai giống như trước nên tất cả các lời khai các các cán bộ NaviBank đều giống nhau. Đến giai đoạn 3 là vào ngày 22/7/2017, cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án tại NaviBank, một ngày sau (23/7/2016) tất cả các 10 anh chị em tại NaviBank đều nhận được quyết định khởi tố vụ án và bị triệu tập làm việc trong 3 ngày lien tục. Khi làm việc với điều tra viên thì máy tính mở sẵn, có lời khai ban đầu, ai đồng ý thì chỉ in lời khai ra ký, còn ai không đồng ý khai giống như nội dung đã khai trước đó thì bị kèm theo lời dọa sẽ thay đổi biện pháp ngăn chặn (tức là tạm giam).
Trong phần trả lời của mình, bị cáo Cao Kim Sơn Cương tiếp tục tục khẳng định việc NaviBank cấp tín dụng là đúng quy định pháp luật theo khoản 3 điều 28 của thông tư số 21.
Án sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng?
Trong đơn kháng cáo cho rằng, bản án hình sự sơ thẩm số 69/2018/HSST ngày 19/3/2018 của TAND TP Hồ Chí Minh có nhiều vi phạm tố tụng khi giải quyết vụ án; có dấu hiệu oan sai. Bị cáo Lê Quang Trí cho rằng bản án chưa xem xét đánh giá đầy đủ các chứng cứ và các tình tiết trong vụ án một cách khách quan, công bằng, gây thiệt hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội quy định tại điều 165 Bô luật Hình sự năm 1999. Cũng theo bị cáo Trí, cơ quan tiến hành tố tụng không đưa ra được những chứng cứ, chứng minh tội phạm đối với vụ án, quá trình tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng việc áp dụng quy định pháp luật đối với quá trình giải quyết vụ án. Trong vụ án Huyền Như (giai đoạn 1), bị cáo không tham gia phiên tòa nhưng cơ quan tố tụng lại dùng kết quả bản án Huyền Như (số 02/2015/HSPT ngày 7/1/2015 của phiên tòa phúc thẩm để quy kết tội “Cố ý làm trái quy định…” là không đúng.
“Tôi cũng như 9 bị cáo trong vụ án này đều mong phiên phúc thẩm TAND Cấp cao và Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cứu xét, giải oan. Bởi lẽ quan điểm của Viện KSND thể hiện qua cáo trạng số 80 ngày 17/11/2017 hoàn toàn mâu thuẫn, trái ngược với các KLĐT số 59 ngày 1/8/2016 và KLĐT số 68 ngày 12/9/2017 mà Viện KSND dùng làm căn cứ buộc tội ở đối tượng phạm tội, hành vi phạm tội, thời gian, địa điểm phạm tội,… và trái ngược với cả cáo trạng số 01 ngày 2/12/2016 của chính Viện KSND trước khi vụ án này được tách ra khỏi vụ án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2. Trước những chứng cứ mà chúng tôi đưa ra chứng minh lời khai của bị án Huỳnh Thị Huyền Như là không phù hợp, HĐXX phiên sơ thẩm đã kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của các giao dịch viên, kiểm soát viên của VietinBank thực hiện các lệnh chi giả mạo. Kết quả của việc điều tra này có thể làm sáng tỏ ai là người thực sự gây ra hậu quả nghiêm trọng làm mất 200 tỷ đồng (hoặc là 197,5 tỷ đồng) của NaviBank, nhưng HĐXX vẫn tuyên án là chưa xem xét, đánh giá toàn diện các tình tiết của vụ án một cách khách quan, công bằng theo đúng quy định của pháp luật. Việc quy kết tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là oan cho chúng tôi”, bị cáo Lê Quang Trí, nói.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng Pháp chế NaviBank), có đơn xin vắng mặt vì phải vào bệnh viện cấp cứu và được HĐXX chấp thuận.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục.
Án sơ thẩm tuyên từ 7-13 năm Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt mức án đối với các bị cáo: Lê Quang Trí (13 năm), Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Hùng Sơn và Nguyễn Giang Nam (mỗi bị cáo cùng 12 năm), Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát (cả 2 cùng bị 11 năm), Trần Thanh Bình (10 năm), Đinh Thị Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Oanh và Phạm thị Thu Hiền (mỗi bị cáo bị tuyên 7 năm tù). |