|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Không thiệt hại có nghĩa không phạm tội
Luật sư Trần Thị Ánh (bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Thu Hiền), cho rằng qua nghiên cứu hồ sơ và thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy cáo trạng truy tố bị cáo Hiền với tội danh “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không phù hợp. Bởi lẽ: Xét về hành vi, bị cáo Hiền không cố ý làm trái. Khi ký biên bản họp Hội đồng tín dụng (HĐTD), bị cáo đã xem xét tính pháp lý của Hợp đồng tiền gởi (HĐTG). Bị cáo không phải là thành viên Hội đồng (HĐ) Alco, không họp bất kỳ cuộc họp nào của HĐ này, không ký bất kỳ chứng từ nào liên quan đến việc giải ngân.
Xét về thiệt hại, các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào 2 bản án xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm để làm căn cứ xác định thiệt hại là không phù hợp. Bởi án sơ thẩm 46 và án phúc thẩm số 02, xác định Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng. Như vậy luật sư cho rằng Navibank là bị hại, và nếu đã là bị hại thì không thể có hành vi “Cố ý…”.
Cũng theo luật sư này, số tiền 200 tỷ mà bản án 02 tuyên buộc Huyền Như bồi thường cho Navibank, đến nay án đã có hiệu lực pháp luật hơn 3 năm. Nhưng Navibank không yêu cầu thi hành án, bởi lẽ tại phần thẩm vấn đại diện Navibank nhiều lần khẳng định đã gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm với lập trường đòi Vietinbank bồi thường. Bởi những người làm tại Navibank có nghiệp vụ, có kiến thức kinh nghiệm làm việc tại ngân hàng, họ có đủ cơ sở để cho rằng số tiền 200 tỷ không mất. Nếu mất thì Vietinbank phải chịu trách nhiệm phải bồi thường cho 4 nhân viên Navibank, sau đó những người này hoàn trả cho Navibank.
“Tại tòa này, HĐXX đã nhiều lần nhắc nhở các luật sư không được bàn về bản án 02. Nếu không căn cứ vào bản án thì căn cứ vào lời khai của Navibank là không thiệt hại. Đã không thiệt hại thì không cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Ánh nhận định.
Sao kê và công văn của Vietinbank mâu thuẫn?
Còn luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (bào chữa cho bị cáo Cao Kim Sơn Cương, Trần Thanh Bình) nêu các bút lục (BL) để từ đó quy trách nhiệm cho Vietinbank đối với số tiền 200 tỷ đồng.
“Tại các BL 14 và 31 là các biên bản khai, Huyền Như khai làm giấy giả để qua mặt bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh (VTB HCM), như vậy Như đã lừa Ban giám đốc VTB HCM chứ không phải lừa các cá nhân gởi tiền. Vì thế VTB HCM phải là người có trách nhiệm đối với tiền gửi của khách hàng.
Chưa kể trong quá trình xét hỏi tại tòa này, HĐXX cho rằng các BL do VTB cung cấp là sao kê. Nhưng thực tế các BL 2296 và 2996 chỉ là các bảng diễn giải do các nhân viên tự lập trên excel, không phải là chứng cứ để xem xét. Sau đó HĐXX yêu cầu cung cấp sao kê, và căn cứ theo 4 hồ sơ sao kê cung cấp thì các dòng tiền hoàn toàn mâu thuẫn với số liệu diễn giải của VTB. Trong khi tại tòa này đại diện VTB cho rằng công văn không số ngày 20/6/2012 là dữ liệu chính xác”, luật sư Thái Hùng, nói.
Từ diễn giải mâu thuẫn giữa số liệu sao kê với công văn không số, luật sư Hùng nêu hàng loạt câu hỏi: Các sao kê có hợp pháp không? Có được thu thập đúng trình tự? Tại sao các sao kê không thể hiện ngày giờ in? Tại sao không có chữ ký của các giao dịch viên, kiểm soát viên? Ai là người cung cấp sao kê này cho Cơ quan Cảnh sát điều tra? Đây là bảng sao kê được in từ hệ thống ngân hàng hay được trích xuất sau đó chỉnh sửa lại nội dung? Trong sao kê không có giao dịch 00001 nhưng lại có giao dịch 00002. Như vậy phải chăng VTB đã chỉnh sửa, xóa bớt dữ liệu?
Các bị cáo kêu oan vì chứng cứ chưa đầy đủ
Luật sư Thái Thị Diễm Trúc (bảo vệ bị cáo Hiền), nêu quan điểm đồng ý với tất cả quan điểm của các luật sư đã bào chữa trước. Luật sư Trúc trình bày với hàng loạt câu hỏi: “Các bị cáo trong vụ án liên tục kêu oan do các chứng cứ chưa được thu thập đầy đủ theo đúng trình tự tố tụng hình sự (TTHS). Đặc biệt là chứng cứ điện tử, trong hồ sơ có rất nhiều chứng cứ là các bản sao kê được bổ sung vào sáng 12/3/2018 chưa được thẩm tra rõ ràng theo trình tự TTHS. Cạnh đó bản án phúc thẩm số 02 và các bản sao kê TK của 4 nhân viên Navibank mà HĐXX cho dừng tòa để bổ sung các văn bản này nhưng tôi không nhận thấy sự nhận định của đại diện Viện KSND trong phần luận tội về các chứng cứ này là có sử dụng hay bác bỏ? Xem hay không xem nó là chứng cứ để buộc tội các bị cáo? Nếu không xem xét đến các tài liệu này thì đại diện Viện KSND xem xét chứng cứ nào? Tại tòa, đại diện Viện KSND lập luận: Các lời khai của bị cáo không phải là nguyên nhân làm phát sinh mất 200 tỷ đồng. Lời khai của các bị cáo không phù hợp với các chứng cứ trong giai đoạn điều tra, không phù hợp 2 bản án Huyền Như. Tuy nhiên, lập luận này chưa đủ căn cứ, vì qua phần xét hỏi công khai tại tòa đã chứng minh số tiền 200 tỷ đồng thực tế là không hề bị mất đi, nó vẫn còn tại Viettinbank”.
Cũng theo luật sư Trúc, nếu nói rằng lời khai của các bị cáo không phù hợp với chứng cứ trong giai đoạn điều tra. Nhưng đến nay đại diện Viện KSND vẫn chưa cho biết lời khai của bị cáo nào không phù hợp? Sự không phù hợp thể hiện ở BL nào trong hồ sơ vụ án? Tôi mong đại diện Viện KSND trả lời chính thức lời khai của bị cáo nào mâu thuẫn với chứng cứ trong giai đoạn điều tra? Bị cáo Hiền khai có mâu thuẫn không, nếu có là nội dung gì, thể hiện ở BL nào?