|
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank tại tòa. |
Sáng 13/3, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) tiếp tục diễn ra với phần tự bào chữa của các bị cáo và các luật sư bào chữa bảo vệ thân chủ.
10 bị cáo khẳng định bị oan
Tất cả 10 bị cáo khi tự bào chữa cho mình đều khẳng định bị hàm oan. Trong phần tự bào chữa của mình, bị cáo Đoàn Đăng Luật (nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn), cho rằng không vi phạm pháp luật như cáo buộc của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) và cáo trạng của Viện KSND Tối cao. Để chứng minh, bị cáo Luật phân tích 5 hành vi mà kết luận điều tra số 68 ngày 12/9/2017 của Cơ quan CSĐT quy tội bị cáo.
“Thứ nhất, bị cáo không gặp, không trao đổi hay thỏa thuận với Huỳnh Thị Huyền Như về việc gửi tiền của các nhân viên Navibank vào Vietinbank. Bị cáo cũng không trình bày hay đề xuất nghiệp vụ nào để Hội đồng (HĐ) Alco thảo luận ra chủ trương gửi tiền. Vì HĐ Alco không thể ra chủ trương cũng như không có chức năng cho vay. Thứ hai, bị cáo cũng không thông báo bất kỳ chủ trương nào cũng như không đề nghị nhân viên Navibank gửi tiền mà chỉ truyền đạt tất cả nội dung của các buổi họp và đây là nghiệp vụ bình thường của Navibank. Thứ ba, bị cáo không trực tiếp thỏa thuận giao dịch với Võ Anh Tuấn và Huỳnh Thị Huyền Như về số tiền, lãi suất, kỳ hạn mà tiếp nhận thông tin từ đại diện Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, sau đó thông tin lại cho Phòng tín dụng Navibank để phòng này trình cấp có thẩm quyền xem xét. Chức năng, quyền hạn của phòng và của bị cáo không có quyền chỉ đạo phòng ban nghiệp vụ nào khác, và càng không thể chỉ đạo cấp có thẩm quyền hay HĐ nào được. Việc cơ quan tố tụng “phong” cho bị cáo quyền hạn quá cao là không đúng với quy định của Navibank. Thứ tư, bị cáo không trực tiếp nhận hơn 9,4 tỷ đồng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ một số cá nhân giúp việc cho Huyền Như, vì bị cáo không biết Như là ai mà chỉ liên lạc với Võ Anh Tuấn khi Vietinbank chi nhánh Nhà Bè chậm trả lãi. Cuối cùng, bị cáo khẳng định không hề nhận tội. Nếu có cũng không phải ý chí của bị cáo. Do bị áp lực nặng nề tại cơ quan CSĐT, nên bị cáo có đơn viết tay (bút lục 101) xin được dừng buổi làm việc để dời sang ngày sau”, bị cáo Luật bào chữa cho mình.
Có nhầm lẫn trong truy tố?
Bị cáo Luật cho rằng cáo trạng số 80 của Viện KSND quy kết bị cáo cùng các bị cáo khác vi phạm thông tư 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); quyết định cho vay số 34/2010/QĐ-TGĐ ngày 29/4/2010; khoản 3 và 4 điều 7 quy chế cho vay của các Tổ chức tín dụng (TCTD) và ban hành kèm quyết định 1627/QĐ-NHNN ngày 31/12/20001 là không đúng.
“Bởi lẽ thông tư 02, bị cáo không phải là tổ chức huy động, không phải là người gửi tiền, không phải là người chào lãi suất vượt trần, không phải là người quyết định chấp nhận lãi suất. Đơn thuần chỉ tiếp nhận thông tin, truyền đạt lại thông tin cho phòng nghiệp vụ trình cấp có thẩm quyền và trả lời việc chấp nhận của cấp có thẩm quyền cho đại diện Vietinbank. Đối với Quyết định 34, khoản 3 và 4 điều 7 của quyết định 1627, thì cơ quan tố tụng đã nhầm lẫn nghiêm trọng, vì bị cáo không phải đơn vị cho vay, không phải cấp có thẩm quyền duyệt cho vay, không phải thành viên của Hội đồng tín dụng (HĐTD) thì làm sao có thể vi phạm được các quyết định nêu trên”, bị cáo Luật kết thúc phần tự bào chữa cho mình.
Đã rời khỏi vị trí vẫn có lệnh chi!
Còn bị cáo Nguyễn Hồng Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank), cũng nêu ra nhiều vấn đề chưa được làm rõ, không có trong bút lục…, để từ đó mong HĐXX xem xét, giải oan cho tất cả các bị cáo. Đó là các sao kê tài khoản (TK) của 4 nhân viên Navibank được HĐXX cho sao chụp, tuy không có nhiều thời gian xem xét kỹ nhưng bị cáo vẫn thấy nhiều “điểm mờ”.
Bị cáo Sơn chứng minh nhiều giao dịch trên sao kê TK hiện chưa có các bút lục liên quan trong hồ sơ vụ án để đối chiếu như sao kê TK của Nguyễn Cao Thùy Anh tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Cụ thể ngày 26/7/2011 nhân viên này mới chuyển 27,3 tỷ đồng từ TK tại Navibank vào Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh theo hợp đồng tiền gửi đã ký (khoản tiền trong tổng số 200 tỷ còn lại chưa tất toán). Thế nhưng trước đó 5 ngày (22/7/2011), trong TK của Thùy Anh đã có 16,3 tỷ đồng không biết từ đâu chuyển vào rồi chuyển đi trong cùng ngày 22/7/2011, lệnh chuyển tiền đến TK Thùy Anh không có bút lục trong hồ sơ. Tiếp đến, trên sao kê TK có những bút toán chi tiền trên TK bị âm (TK không có tiền vẫn thực hiện được lệnh chi). Cụ thể TK của Lê Thị Thu Hương tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, ngày 11/8/2011 lệnh chi tiền có số chứng từ 001 thực hiện vào lúc 15 giờ 30 phút khi trên TK này không đủ tiền, đến chứng từ số 003 thực hiện lúc 17 giờ 24 phút mới có lệnh chuyển tiền vào TK. Lúc này TK mới đủ tiền thực hiện lệnh chi 001, điều này không thể thực hiện được trên hệ thống quản lý tin học của ngân hàng. Thứ ba, vào ngày 16/9/2011 trên TK của Lương Thị Thủy Tiên cũng tại chi nhánh trên có lệnh chuyển đi 21,3 tỷ đồng. Thời điểm này (16/9/2011), Huyền Như đã bị điều động ra khỏi vị trí quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ nhưng vẫn có lệnh chi với chữ ký giả của chủ TK. Và lệnh chi được giao dịch viên (GDV), kiểm soát viên (KSV) duyệt lệnh chuyển tiền ra khỏi TK”.
“Các sao kê TK chi tiết này là các chứng từ ngân hàng và là chứng cứ cung cấp cho các cơ quan tố tụng nên phải có chữ ký của người lập biểu, GDV, KSV theo đúng quy định của ngân hàng và của pháp luật. Toàn bộ các sao kê này đều không có chữ ký của nơi phát hành. Từ những sự kiện, thông tin thể hiện trên sao kê TK khách hàng của Vietinbank, bị cáo mong HĐXX xem xét và đề nghị Vietinbnk cung cấp bảng sao kê TK được in ra từ hệ thống quản lý theo đúng trình tự, thủ tục trích xuất văn bản chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật và có chữ ký của nơi phát hành văn bản này và các chứng từ hạch toán kèm theo sao kê này nhưng chưa có trong hồ sơ vụ án.
Chiều nay, các luật sư tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo.