Chiều nay phán quyết vụ án
Chiều nay 19/3, HĐXX vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), sẽ ra quyết định về vụ án này vào lúc 15 giờ.
HĐXX cho rằng vẫn còn các vấn đề chưa được làm rõ như trong sao kê do Vietinbank cung cấp cho tòa chênh lệch 300 triệu đồng. Đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh nói Huỳnh Thị Huyền Như thỏa thuận với Đoàn Đăng Luật, nhưng khi đối chất tại tòa thể hiện không ai gặp ai. Các bị cáo khẳng định việc cho vay diễn ra năm 2010, khi chưa có thông tư 02 năm 2011 và quy định 1627 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay điều 94 Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD). Ngược lại Viện KSND cho rằng vi phạm các thông tư, điều luật, quy định trên.
“Trong phần luận tội và tranh luận, đại diện Viện KSND cũng cho rằng không đưa 2 bản án sơ thẩm (2014), phúc thẩm (2015) xử Huỳnh Thị Huyền Như vào hồ sơ vụ án này là thiếu sót. Bản án xử Huyền Như đã có hiệu lực nên không xem xét trong vụ án này, dẫn đến xung đột giữa 2 quan điểm. Vì vậy đánh giá sẽ được HĐXX xem xét khi nghị án. HĐXX không phán quyết điều gì”, thẩm phán Vũ Thanh Lâm, chủ tọa phiên tòa nói và cho đại diện Navibank cũng như các bị cáo nói lời sau cùng.
Câc bị cáo tại phiên tòa. |
Ông Thái Lê Tân, đại diện theo ủy quyền của Navibank đưa ra 2 vấn đề: Việc đại diện Viện KSND đề nghị truy thu 24,3 tỷ đồng của Navibank; xem xét hậu quả số tiền 200 tỷ đồng. Theo đại diện này, trong phiên tranh luận, vị chủ tọa đã giải thích: HĐXX chỉ xem xét việc truy tố theo cáo trạng của Viện KSND về hành vi “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế” của các bị cáo, không xem xét hậu quả xảy ra vì bản án xử Huyền Như đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, theo Navibank thì trong cáo trạng số 80 ghi nhận rất cụ thể hành vi nhận số tiền chênh lệch ngoài lãi suất số tiền 24,3 tỷ đồng do bị cáo Đoàn Đăng Luật và Huỳnh Vĩnh Phát nhận và đã chuyển lại cho 14 cá nhân đứng tên nộp lại cho Navibank mỗi khi đến hạn tất toán hợp đồng vay tiền với Navibank (xác định tại trang 16 cáo trạng). Tuy nhiên, tại phần quy kết của cáo trạng lại không có nội dung đề nghị “sung công quỹ Nhà nước số tiền 24,3 tỷ đồng”.
Navibank đề nghị giải thích nhiều vấn đề
“Thế nhưng trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND lại bổ sung “phần sung công số tiền này” là có vi phạm quy định tại điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về “giới hạn việc xét xử” và có làm đúng như lời HĐXX? Việc bổ sung nêu trên của đại diện Viện KSND có căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành tại điều khoản nào không? Navibank đề nghị Viện KSND giải thích rõ nội dung này. Có nhiều chứng cứ thể hiện Vietinbank có chủ trương chi lãi ngoài thông qua các sao kê tài khoản (TK) của các nhân viên Navibank mở tại Vietinbank. Tại sao không buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm theo thông tư 02, trong khi buộc Navibank phải trả lại 24,3 tỷ đồng là không hợp về lý và tình. Trường hợp, Viện KSND vẫn bảo lưu quan điểm, Navibank yêu cầu tiến hành xác minh số tiền 24,3 tỷ đồng mà cho rằng bị án Huyền Như chiếm đoạt của tổ chức, cá nhân cụ thể nào và cho trích xuất bị án Huyền Như đối chất để trả lại cho đúng đối tượng, chứ không thể nói cho nộp sung công quỹ Nhà nước là xong”, đại diện Navibank, phát biểu.
Đối với việc xem xét hậu quả số tiền 200 tỷ đồng cũng được đại diện Navibank, nói: “Tại sao Navibank yêu cầu Vietinbank trả 200 tỷ đồng? Vì đây là phiên tòa xét xử độc lập đối với tội “Cố ý làm trái về quản lý kinh tế Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo cáo trạng 80. Vậy, tội cố ý làm trái phải có hậu quả xảy ra cho Navibank. Tuy nhiên, xuyên suốt phiên tòa này Navibank nhiều lần khẳng định Navibank không mất 200 tỷ đồng tại Vietinbank và có đủ cơ sở pháp lý chứng minh như: Hợp đồng tiền gửi là thật, có phát sinh hiệu lực kể từ ngày ký do đại diện có thẩm quyền của Vietinbank ký tên, đóng dấu. Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh (VTB HCM), cũng như tiền đã chuyển vào TK của các nhân viên Navibank mở tại VTB HCM và được xác nhận qua sao kê chi tiết TK của các nhân viên này”.
Các bị cáo khẳng định sẽ tiếp tục kêu oan
Đối với các bị cáo, khi được nói lời sau cùng, tất cả khẳng định mình bị oan và sẽ tiếp tục kêu oan. Bị cáo Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank), nói: “Từ khi bị khởi tố đến nay đã 2 năm. Chúng tôi khiếu nại nhưng không được trả lời. Chúng tôi mong muốn tại phiên tòa này có cơ hội trình bày thẳng thắn để làm rõ chúng tôi có làm trái, có gây hậu quả không? HĐXX đã cho chúng tôi trình bày những mâu thuẫn, những phi lý và luật sư của chúng tôi cũng đưa ra những mâu thuẫn này với mong muốn HĐXX đưa ra phán quyết chính xác. Nhưng tất cả công sức của HĐXX cũng như các luật sư chúng tôi dày công tìm kiếm chỉ nhận kết quả... là sự im lặng của đại diện Viện KSND! Các giao dịch đều ngay tình, hợp pháp, tiền đã vào TK thì làm sao đổ cho chúng tôi? Nếu vụ án chưa được làm sáng tỏ thì đó là sự bất công. Mong HĐXX có phán xét chính xác và công bằng”.
Bị cáo Cao Kim Sơn Cương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank), nói: “Trong vụ án này chúng tôi không biết sai ở đâu? Chúng tôi khẳng định Huyền Như không lừa chúng tôi. Chúng tôi không được đối đáp việc mất tiền thế nào, ở đâu, ra sao nhưng không được trả lời. Chúng tôi gần như mặc định bị kết án vì bị dùng bản án người khác xử chúng tôi. Luận tội của đại diện Viện KSND làm chúng tôi suy giảm niềm tin. Dù hơn 100 năm tù đối với 10 người chúng tôi cũng vượt qua nhưng chỉ mong HĐXX công tâm ra phán quyết”.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Giang Nam (nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank), cho rằng: “Đại diện Viện KSND từ chối mọi chứng cứ, mọi tranh luận của các luật sư và của chúng tôi, nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị “cách ly chúng tôi ra khỏi xã hội trong thời gian dài” là phi lý. Thậm chí bị cáo Phạm Thị Thu Hiền không hiểu mình vi phạm gì, đại diện Viện KSND cũng đồng quan điểm là bị cáo Hiền không ở trong Hội đồng Alco, làm đúng nhiệm vụ nhưng vẫn bị đề nghị 8-9 năm tù! Tôi tin tưởng HĐXX sẽ xem xét mọi vấn đề, mọi ngóc ngách để đưa ra phán quyết công bằng, hợp lý với 10 người chúng tôi”.