Nhóm Phương Trang dựa vào án sơ thẩm
Ngày 29/10, phiên tòa phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Hứa Thị Phấn cùng 10 đồng phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank, nay là Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – CBBank) diễn ra với phần tranh tụng, đối đáp.
Tại tòa hầu hết các tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, như: Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam, Công ty TNHH Thăng Hoa, Ngân hàng TMCP An Bình… đều không chấp nhận trả lại tiền cho CBBank như bản án sơ thẩm 185/2018/HS-ST ngày 31/5/2018 đã tuyên.
Đối với 4 bất động sản (BĐS) của ông Trương Công Bình và Trương Đoàn Quốc Dũng bị tòa sơ thẩm tuyên tiếp tục kê biên. Trong phần tranh luận của mình, đại diện Công ty CP Đầu tư Phương Trang (nhóm Phương Trang) cho rằng quan hệ tranh chấp giữa ông Bình, ông Dũng với nhóm Phương Trang là tranh chấp dân sự, không liên quan đến vụ án, không thuộc thẩm quyền của phiên tòa này nên sẽ kiện sau.
Tuy nhiên luật sư Lưu Trường Hận (bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Trương Công Bình và ông Trương Đoàn Quốc Dũng), khằng định tại phiên tòa phúc thẩm đại diện nhóm Phương Trang khai ông Bình mua lô A5 (diện tích 891,4 m2, tại Khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ cao tầng và căn hộ đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, TP Đà Nẵng) chưa thanh toán tiền và ông Dũng đứng tên dùm 3 bất động sản (BĐS) cho nhóm Phương Trang là lời khai dối trá, vu khống, không có căn cứ pháp luật.
Lời khai của nhóm Phương Trang tại tòa gian dối
Để chứng minh việc ông Bình đã trả tiền đầy đủ cho Công ty CP BĐS Phương Trang (nhóm Phương Trang), luật sư Hận trưng ra hàng loạt chứng cứ: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 17/3/2011, có công chứng số 1344 tại Văn phòng Công chứng Bảo Nguyệt; Phiếu xác nhận thu tiền do ông Nguyễn Bá Triều (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Phương Trang) ký xác nhận, đóng dấu ngày 1/4/2011 với số tiền trên 21,3 tỷ đồng. Sau đó vào ngày 13/8/2011, Công ty CP BĐS Phương Trang lập và xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho ông Bình. Đến ngày 15/8/2011, công ty này lập tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) về việc kê khai thuế TNDN từ chuyển nhượng BĐS đối với quyền sử dụng đất (QSDĐ) lô đất A5. Tiếp đó vào ngày 13/10/2011, Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng lập phiếu chuyển địa chính số 3846/PC-VP do Giám đốc Nguyễn Văn A ký đã chứng minh thủ tục ghi nhận (biến động) QSDĐ hợp pháp vào hồ sơ địa chính đã được hoàn tất theo quy định Luật Đất đai 2003.
Phiếu xác nhận của Công ty CP BĐS Phương Trang thu trên 21,3 tỷ đồng và hóa đơn giá trị gia tăng do Cục thuế TP Đà Nẵng cấp cho ông Trương Công Bình. Nhưng trước tòa, nhóm Phương Trang khai rằng ông Bình… chưa nộp tiền! |
"Cũng cần nhắc thêm, vào tháng 6/2016 công ty này từng vu cáo ông Bình chưa thanh toán tiền mua lô đất A5 đến Công an TP Đà Nẵng. Đến ngày 30/9/2016, Công an TP Nẵng có văn bản trả lời đơn tố cáo, như sau: Việc Công ty CP BĐS Phương Trang tố cáo ông Trương Công Bình chưa thanh toán toàn bộ giá trị lô đất đã chuyển nhượng (lô A5) là không có cơ sở. Chưa kể, khi làm việc với Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN Việt Nam và Cơ quan CSĐT (C46) Bộ Công an, nhóm Phương Trang thừa nhận đã thực hiện xong việc bán lô đất A5 cho ông Trương Công Bình. Tất cả những văn bản, giấy tờ này, thân chủ tôi đều có và tại CBBank cũng có lưu giữ", luật sư Hận khẳng định.
Không có việc đứng tên tài sản dùm nhóm Phương Trang
Đối với trường hợp của ông Trương Đoàn Quốc Dũng có 3 BĐS bị nhóm Phương Trang khai trước tòa phúc thẩm là ông Dũng… đứng tên dùm, cũng được luật sư Lưu Trường Hận đưa ra các hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng, và những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (CNQSDĐ, QSHNƠ & TSGLVĐ). Theo đó vào ngày 1/8/2011, ông Dũng nhận chuyển nhượng các tài sản là QSDĐ: lô CC1, lô A30 và lô A31 từ bên thứ ba (ông Chiến và bà Nga) theo các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số 6564, 6561 và 6563 đều được công chứng tại Văn phòng Công chứng Bảo Nguyệt. Đến ngày 1/9/2011, ông Dũng hoàn tất thủ tục đăng bộ sang tên các QSDĐ lô CC1, lô A30 và A31 lần lượt theo các giấy chứng nhận số: BA 645849 (CC1), BA 645841 (A30) và BA 645841 (A31). Nội dung này đã được bản án sơ thẩm số 185 nêu rõ các hồ sơ gốc bản chính hiện đang được quản lý bởi CBBank và bản sao cũng được lưu trong hồ sơ vụ án.
“Ba quyền QSDĐ nêu trên đã được Nhà nước cấp giấy CNQSDĐ, QSHNƠ & TSGLVĐ cho ông Dũng đúng quy định của Luật Đất đai 2003, là chứng thư pháp lý chứng minh ông Dũng là chủ sử dụng/sở hữu hợp pháp và được pháp luật bảo hộ theo luật. Đại diện nhóm Phương Trang đã cố tình khai báo gian dối với động cơ mang tính cá nhân, đây là hành vi bất hợp pháp để cản trở ông Bình, ông Dũng thực hiện quyền của người sở hữu/sử dụng đất hợp pháp được pháp luật công nhận và bảo hộ. Vì vậy nhóm Phương Trang phải bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi bất hợp pháp nêu trên”, luật sư Hận lập luận.
Tại phần đối đáp, đại diện Viện KSND tiếp tục cho rằng 4 BĐS của ông Bình và ông Dũng là vật chứng vụ án nên xử lý tranh chấp theo khoản 4 điều 106 Bộ luật TTHS năm 2015 là có cơ sở. Tuy nhiên luật sư Lưu Trường Hận khẳng định theo điều 89 Bộ luật TTHS năm 2015, thì 4 BĐS nêu trên không phải vật chứng vụ án. Vì vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Bốn BĐS nêu trên được ông Bình, ông Dũng tạo lập bằng nguồn tiền hợp pháp, được pháp luật công nhận chứ không phải nguồn tiền do phạm tội mà có, cũng không liên quan đến nguồn tiền do các bị cáo chiếm đoạt của nhóm bị cáo Hứa Thị Phấn. |