Ngày 27/5, trong phần tranh luận của mình, đại diện theo ủy quyền, luật sư của các tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank), tiếp tục kiến nghị HĐXX tuyên hủy phong tỏa nhiều tài sản của họ đã bị kê biên.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 27/5 - Ảnh: Tân Tiến. |
Agribank đề nghị hủy kê biên 18 tài sản
Luật sư đại diện cho quyền lợi Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn – CN Trung tâm Sài Gòn (Agribank Trung tâm Sài Gòn), trình bày: “Đến thời điểm hiện tại, CN Trung Tâm Sài Gòn có 18 tài sản bị kê biên liên quan dư nợ từ 24 hợp đồng tín dụng (HĐTD) trên 225 tỷ đồng. Vì vậy đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên đối với 18 tài sản nêu trên để ngân hàng có căn cứ xử lý những tài sản này thu hồi nợ và xử lý những HĐTD. Thứ hai, theo kết luận điều tra (KLĐT), bị cáo Loan chuyển 5 khoản tiền vào tài khoản (TK) mở tại Agribank CN nêu trên để thực hiện 5 giao dịch. KLĐT cho rằng các khoản tiền trên là… lập khống, chuyển vào TK CN Agribank nêu trên nhằm tất toán cho các khoản nợ. Trên thực tế Agribank không thể xác định được nguồn gốc số tiền trên có từ đâu. Nếu HĐXX xét thấy số tiền mà Loan chuyển vào TK để thực hiện các giao dịch được hình thành từ nguồn gốc bất hợp pháp và phải thu hồi, thì chúng tôi không có ý kiến. Nhưng đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của những cá nhân trong nhóm Phú Mỹ, Công ty TNHH Thăng Hoa (tỉnh Quảng Nam) để trả lại những khoản bị thu hồi trong vụ án này cho chúng tôi. Bởi lẽ những khoản tiền này là ngân hàng đã tất toán vào khoản thu nợ cho những công ty và những cá nhân nêu trên”, đại diện Agribank CN nêu trên, nói.
Kê biên… trái pháp luật!
Luật sư Lưu Trường Hận (bảo vệ quyền lợi cho ông Trương Công Bình và ông Trương Đoàn Quốc Dũng), cũng đề nghị HĐXX tuyên hủy kê biên 4 bất động sản (BĐS) của 2 người này tại TP Đà Nẵng vì việc kê biên là vi phạm pháp luật; đồng thời tuyên trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Luật sư Hận, lập luận: “Ông Bình và ông Dũng có hợp tác kinh doanh với nhóm Phương Trang, và có thế chấp 04 BĐS ở TP Đà Nẵng để thế chấp cho 2 khoản vay 17 tỷ đồng và 90 tỷ đồng. Khi Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án Hứa Thị Phấn cũng kê biên 4 BĐS của ông Bình, ông Dũng. Việc kê biên các tài sản của ông Bình, Dũng là trái pháp luật về tố tụng hình sự (TTHS) đối với tài sản thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Bình, ông Dũng. Lệnh kê biên tài sản được Cơ quan CSĐT căn cứ hành vi sai phạm của bà Phấn và những đối tượng liên quan trong quá trình quản lý, điều hành Trustbank. Ông Bình, ông Dũng không phải bị can hay bị cáo, không phải là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong vụ án “Cố ý làm trái…” và “Lạm dụng tín nhiệm…” nêu trên. Tại khoản 1 điều 146 Bộ luật TTHS năm 2003, quy định: Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, luật sư Hận, nói.
Cũng theo luật sư Hận, tại khoản 3 điều 146 quy định: “Khi kê biên tài sản, phải có mặt đương sự hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến. Nhưng trong biên bản kê biên tài sản ngày 20/1/2017 được lập khi không có mặt ông Bình, ông Dũng, không có đại diện chính quyền địa phương chứng kiến là vi phạm pháp luật”.
Tiền đã “tiêu” 7 năm, sao thu được?
Đối với Tổng Công ty CPXD Điện Việt Nam liên quan số tiền đầu tư 310 tỷ đồng dự án khu phức hợp ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) vào năm 2007 với nhóm Phú Mỹ (đại diện bị cáo Ngô Kim Huệ). Sau đó nhóm Phú Mỹ không thực hiện được nên bồi thường 90 tỷ đồng theo hợp đồng. Đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh cũng có đề nghị HĐXX thu hồi trên 200/400 tỷ đồng vì nằm trong dòng tiền được quy kết trong vụ án và là vật chứng vụ án.
Tại tòa, ông Trần Quang Cần (Kế toán trưởng, đại diện theo ủy quyền Tổng Công ty CPXD Điện Việt Nam), trình bày: “Ngày 12/12/2007, Tổng Công ty chúng tôi có ký hợp đồng hợp tác đầu tư với bà Ngô Kim Huệ tại khu phức hợp có diện tích 80.352 m2 ở huyện Bình Chánh. Đến 31/12/2007, chúng tôi đã chuyển tổng cộng 310 tỷ đồng để góp vốn với phương thức chúng tôi 90% (321,75 tỷ), bà Huệ 10%. Diện tích nói trên được định giá 357,5 tỷ đồng, chúng tôi đã chuyển cho bà Huệ 310 tỷ, còn lại 11,75 tỷ đồng, hợp đồng quy định sau khi hoàn tất các thủ tục sang tên cho chúng tôi để xây khu phức hợp sẽ thanh toán phần còn lại. Tuy nhiên đến năm 2011, bà Huệ vẫn chưa làm xong các thủ tục chuyển QSDĐ, nên lãnh đạo chúng tôi đã vào làm việc rất nhiều lần. Hơn 2 năm chúng tôi chờ QSDĐ để triển khai dự án nhưng không được, đã gây thiệt hại rất nhiều về kinh tế, uy tín và làm vỡ kế hoạch đầu tư của chúng tôi. Vì vậy lãnh đạo yêu cầu hủy hợp đồng, phía bà Huệ phải bồi thường. Sau đó chúng tôi thống nhất bà Huệ trả lại cho Tổng Công ty CPXD Điện Việt Nam 310 tỷ đồng, cộng 90 tỷ lãi phát sinh khi vay ngân hàng. Về dòng tiền, 210 tỷ đồng là phát hành trái phiếu của Tồng Công ty CPXD Điện VN, 100 tỷ còn lại chúng tôi vay của BIDV ở TP Đà Nẵng. Khi thu hồi nguồn tiền từ bà Huệ, chúng tôi cũng đã trả ngân hàng vào năm 2011 và đáo hạn trái phiếu. Còn dòng tiền bà Huệ chuyển trả, chúng tôi không biết lấy từ đâu. Việc đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh yêu cầu thu hồi hàng trăm tỷ đồng khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Giờ chúng tôi không còn tiền để trả lại theo đề nghị của đại diện Viện KSND. Vì đây là hoạt động kinh doanh rất bình thường trong các doanh nghiệp”.