Luật sư đại diện Công ty Phương Trang nói sai?
Ngày 15/5, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) được tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo, các đại diện của các tổ chức và các cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án.
|
Các bị cáo Trustbank tại tòa. |
Tại tòa, luật sư Phan Trung Hiếu đại diện theo ủy quyền của nhóm Công ty Phương Trang đã nói rất nhiều về các khu đất, các tài sản của Công ty PhươngTrang bị kê biên là do bị cáo Hứa Thị Phấn lừa đảo. Khi nói đến 4 lô đất tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng của 2 ông Trương Đoàn Quốc Dũng và Trương Công Bình (bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an kê biên do liên quan đến 2 khoản vay 90 tỷ đồng và 17 tỷ đồng), luật sư Hiếu cho rằng 3 lô đất ông Dũng mua của người khác không có hợp đồng mua bán; lô đất A5 tại Khu phức hợp ĐT-TM-DV cao tầng và căn hộ đầu tuyến Sơn Trà mà ông Bình mua của Công ty Cổ phần Bất động sản Phương Trang (Công ty CP BĐS Phương Trang) đến nay… chưa trả tiền; ông Dũng là nhân viên của Công ty CP BĐS Phương Trang, do gây mất đoàn kết nên bị đuổi việc.
Trước những thông tin của luật sư đại diện nhóm Công ty Phương Trang đưa ra. Luật sư Lưu Trường Hận (đại diện theo ủy quyền của ông Dũng và ông Bình) đã giận dữ khẳng định những chứng cứ của luật sư Phan Trung Hiếu là gian dối. Để chứng minh việc đại diện nhóm Công ty Phương Trang đưa chứng cứ sai sự thật, luật sư Hận trưng ra các bản hợp đồng mua bán giữa ông Dũng với vợ chồng ông Nguyễn Đình Chiến có hợp đồng công chứng ngày 1/8/2011 tại Văn phòng Công chứng Bảo Nguyệt (TP Đà Nẵng). Đối với lô đất A5 mà ông Bình mua của Công ty CP BĐS Phương Trang, luật sư Hận trưng ra hợp đồng chuyển nhượng, phiếu xác nhận của Công ty CP BĐS Phương Trang đã thu 21.393.600.000 đồng của ông Bình (ngày 1.7.2011) và hóa đơn giá trị gia tăng do chính công ty này phát hành (ngày 13/8/2011).
Trưng chứng cứ không đúng nhằm hủy vụ mua bán
Liên quan đến vụ việc nêu trên, trước tòa ông Trương Đoàn Quốc Dũng khẳng định ông là cổ đông Công ty CP BĐS Phương Trang, không phải nhân viên của công ty này nên không thể xúc phạm ông trước tòa. “Nếu tôi là nhân viên thì công ty này có ký hợp đồng lao động với tôi không, đề nghị trình trước tòa kể cả các loại sổ BHXH và chứng từ đóng BHYT hàng năm cho tôi. Tôi là chủ chứ không phải là nhân viên, do không hợp nên tôi bán hết cổ phần của mình”, ông Dũng bức xúc nói.
|
Công ty CP BĐS Phương Trang đã thu trên 21 tỷ đồng của ông Trương Công Bình, nhưng tại tòa vẫn cho rằng ông Bình chưa trả tiền nên bị tố ngược. |
Về nguyên nhân sâu xa của việc đại diện nhóm Công ty Phương Trang cho rằng ông Bình chưa trả tiền mua đất, luật sư Hận khẳng định: “Lô đất trên đã hoàn tất các thủ tục. Do hiện nay giá đất lên gấp 5-6 lần khi mua nên Công ty CP BĐS Phương Trang lật kèo”.
Liên quan đến ý định “lật kèo”, vào ngày 24/6/2016 Công ty BĐS này gửi đơn tố cáo ông Bình đến Công an TP Đà Nẵng với lý do: Ông Bình chưa trả tiền mua đất, giấy chứng nhận QSDĐ đang được dùng làm tài sản đảm bảo tại Trustbank, nhưng ông Bình lại làm đơn cớ mất giấy chứng nhận để được cấp mới và đây là hành vi khai báo gian dối, lừa đảo các cơ quan chính quyền nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên đến ngày 30/9/2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng có công văn trả lời: “Việc Công ty Phương Trang tố cáo ông Trương Công Bình chưa thanh toán toàn bộ giá trị lô đất (A5) đã chuyển nhương là không có cơ sở. Việc tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa ông Bình và công ty do tòa án giải quyết”.
Tổ chức, cá nhân đề nghị giải tỏa kê biên, CBbank nói không!
Khi được chủ tọa hỏi có đưa ra yêu cầu gì đối với tài sản bị kê biên? Đại diện các tổ chức, các cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như nhóm Công ty Phương Trang, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Trung tâm Sài Gòn (trước là chi nhánh Mạc Thị Bưởi, có 24 tài sản bị kê biên), ông Trương Đoàn Quốc Dũng, ông Trương Công Bình (4 BĐS)…, đều đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên các tài sản vì họ không phải bị can hay bị cáo của vụ án mà là những nạn nhân của bị cáo Hứa Thị Phấn. Tuy nhiên đại diện Ngân hàng TM TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CBbank) khi được chủ tọa hỏi có ý kiến gì không, thì người này cho rằng không giải tỏa kê biên vì việc vay tiền của Trustbank (nay là CBbank) đều có chứng từ thu chi đã thể hiện rõ.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục xét hỏi những cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án về các BĐS, tài sản đã bị kê biên.
Cả Công ty CP Taxi Phương Trang và đối tác đều bị lừa Ngày 20/9/2011, ông Dũng ký hợp đồng thế chấp 3 QSDĐ, tài sản gắn liền với đất tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng để thế chấp cho Công ty CP Taxi Phương Trang vay số tiền 90 tỷ đồng tại Trustbank chi nhánh Sài Gòn theo hợp đồng tín dụng số 040.104.11/HĐTD-NH ngày 05/9/2011, thời hạn vay một năm. Tại kết luận điều tra của Bộ Công an và cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định: “Ngày 5/9/2011, Công ty CP Taxi Phương Trang phát sinh khoản vay 90 tỷ đồng tại Trustbank chi nhánh Sài Gòn theo HĐTD và khế ước nhận nợ số 040.104.11/HĐTD-NH. Cùng ngày, Trustbank chi nhánh Sài Gòn giải ngân 90 tỷ đồng vào tài khoản (TK) của Công ty CP Taxi Phương Trang mở tại Trustbank và Công ty CP Taxi Phương Trang chuyển khoản 90 tỷ đồng vào TK của Công ty TV-TK-XD An Hòa. Theo chứng từ Đỗ Quốc Huy nhận 90 tỷ đồng tiền mặt bằng chứng từ séc số 649, bảng kê chi 90 tỷ đồng do thủ quỹ Hà Thu Thảo lập và ký. Tuy nhiên, Trustbank không đủ tiền mặt, tồn quỹ tiền mặt đầu ngày chỉ có trên 40 tỷ đồng, tồn quỹ cuối ngày trên 27 tỷ đồng. Thực tế không có việc giải ngân bằng tiền mặt như trên, mà các chứng từ giải ngân 90 tỷ đồng trên để hợp lý hóa việc hạch toán cấn trừ 89.741.860.000 đồng. Khi làm việc với Cơ quan điều tra, bà Hứa Thị Phấn đã nhận sử dụng 4.985.415.219.690 đồng, trong đó có 89.741.860.000 đồng theo hợp đồng tín dụng số 040.104.11/HĐTD-NH ngày 5/9/2011. |