Hôm nay 17/8, phiên tòa xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) do Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và 35 đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng bước vào phần tranh luận.
Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đã đề nghị HĐXX thận trọng xem xét lại bản chất, làm rõ nguyên nhân bối cảnh xảy ra vụ án, quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung các vấn đề chưa được đánh giá khách quan, toàn diện.
Bà Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn) tại tòa |
Ông Danh có bị nhóm bà Phấn lừa?
Luật sư Hoài cho rằng, tại phiên toà sáng 3/8 và kết quả thẩm vấn của luật sư sáng 5/8, bà Hứa Thị Phấn (bà Sáu Phấn) khẳng định trước khi chuyển nhượng ngân hàng cho ông Phạm Công Danh, bà đã chuyển nhượng cho ông Hà Văn Thắm. Vụ chuyển nhượng cho ông Thắm không được thanh toán một đồng nào, với lý do “cốt sao các thành viên HĐQT được bình yên”.
Vậy mà khi Hà Văn Thắm thông báo đã chuyển nhượng lại cho ông Danh, nhóm bà Phấn đã ký thoả thuận chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ với nhóm ông Phạm Công Danh vào ngày 6/6/2012 với tổng giá trị ông Phạm Công Danh phải thanh toán lên tới 4.600 tỷ đồng.
Cũng theo luật sư, có thể nhận thấy, việc ông Danh đổ tiền vào cứu ngân hàng Đại Tín (tiền thân VNCB), cuối cùng đã sa lầy ở ngân hàng này. Còn theo lời khai của Phạm Công Danh, trên một góc độ nào đó, ông Danh cảm nhận chính mình bị lừa dối khi mua lại cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn và đã trả được gần 3.700 tỷ đồng mới biết tài sản không bán được.
Thực tế ông Danh còn đưa cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng, lại không thể thành lập ngân hàng mới, mà chỉ có thể tái cơ cấu ngân hàng nên bỏ tiền đầu tư vào đây rất nhiều. “Đây là nguyên nhân lớn nhất mà tôi không thể rút chân ra khỏi ngân hàng Đại Tín", ông Phạm Công Danh đã nói như vậy trước toà.
Luật sư cho rằng, Danh nhận chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín đang ở trong tình trạng nguy kịch, là không phải để mua ngân hàng này mà là để mua các bất động sản của nhóm khoảng 30 doanh nghiệp trong này (bà Phấn nói rằng bà đại diện cho nhóm 30 công ty).
Ông Danh định giá các bất động sản đó có giá trị và khi thị trường bất động sản tốt lên, sẽ bán được, trong đó có 2 bất động sản ở quận 2 và huyện Nhà Bè sẽ có tiền để tái cơ cấu ngân hàng.
Một lần nữa ông Danh trình bày: "Đây là sai lầm của tôi. Tài sản kia tôi không bán được vì 30 doanh nghiệp kia không ủy quyền cho bà Phấn và cũng không chịu ủy quyền cho tôi, nên khi tôi trả nợ khoảng 3.700 tỷ đồng rồi thì tôi không chuyển nữa". Tại phiên toà ông Danh phải thốt lên :"Tôi bị lừa…”.
Đồng thời luật sư cũng kiến nghị xem xét các khoản tiền chưa được cân đối với những khoản bị quy buộc là thiệt hại, xem xét cho chủ trương và tạo điều kiện cho Tập đoàn Thiên Thanh và gia đình đàm phán, thoả thuận chuyển nhượng dự án sân vận động Chi Lăng để có điều kiện khắc phục triệt để về những khoản bị coi là thiệt hại trong vụ án.
Cần làm rõ tiền ông Danh chuyển cho bà Bích
Ngoài ra, luật sư Hoài cho rằng, hồ sơ vụ án cũng như quá trình xét hỏi tại tòa cho thấy có bằng chứng chứng minh quan hệ vay mượn giữa Phạm Công Danh và bà Trần Ngọc Bích dù bà Bích và các cộng sự phủ nhận việc này.
Cho rằng quan hệ vay mượn này thể hiện ở việc bị cáo Danh và tập đoàn Thiên Thanh đã nhiều lần trả tiền cho nhóm bà Bích, mà theo thống kê của các nhân viên của Thiên Thanh thì tổng số tiền phải trả lên tới 2.700 tỷ đồng.
"Bà Trần Ngọc Bích nói rằng số tiền này do bà Trang trả nợ, vậy có gì chứng minh đây là tiền bà Trang trả nợ không? Có chứng từ gì chứng minh việc vay mượn hay không?", luật sư đặt vấn đề.
Sau khi vụ án xảy ra, tập đoàn Thiên Thanh đã nộp cho cơ quan điều tra nhiều hồ sơ chứng từ ghi nhận việc này, từ những chứng từ này, cáo trạng cũng kết luận đã có 750 tỷ đồng được chuyển cho bà Bích nhưng không rõ là tiền gì.
Bà Trần Ngọc Bích - Giám đốc Tân Hiệp Phát |
Tại phần luận tội các bị cáo, đại diện VKS đã không làm rõ về số tiền này. Do vậy, luật sư đề nghị VKS cần phải làm rõ về số tiền này.
Ngoài ra, liên quan đến tiền gửi của nhóm bà Bích vào VNCB thông qua hợp đồng tiền gửi để ràng buộc yêu cầu VNCB sử dụng nguồn tiền 5.190 tỷ đồng trong tài khoản của Trần Ngọc Bích, tại phiên toà, các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh và các luật sư bảo vệ cho nhóm Trần Ngọc Bích đã thẩm tra chéo các chứng cứ nhằm chứng minh 3 hợp đồng tiền gửi nói trên là có thật hay không và có giá trị pháp lý để ràng buộc VNCB không?
"Điều đáng chú ý là các hợp đồng tiền gửi nói trên đều không hạch toán trên hệ thống sổ sách của VNCB và thực tế không có tiền gửi. Các khoản tiền mà ông Danh chưa trả cho bà Bích và bà Bích chưa ký chứng từ thực chất nhằm ràng buộc giữa ngân hàng đối với việc vay mượn cá nhân giữa ông Danh và bà Bích", luật sư Hoài nói.
Liên quan đến khoản tiền 5.490 tỷ đồng, bà Trần Ngọc Bích phủ nhận cho ông Phạm Công Danh vay. Sau đó bà Bích đã khởi kiện VNCB ra TAND quận 3, trong khi VNCB vẫn đang nắm giữ 124 sổ tiết kiệm, nên không có căn cứ cho rằng VNCB bị thiệt hại 5.490 tỷ đồng.
Theo luật sư, diễn biến phiên toà cho thấy có rất nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến việc đánh giá bản chất sự thật khách quan, quan điểm và đường lối xử lý, xem xét các khoản tiền nhằm làm rõ hậu quả thiệt hại trong vụ án. Đặc biệt việc đưa khoản tiền 5.490 tỷ đồng vào hậu quả hành vi cố ý làm trái chưa được xem xét, làm rõ.
Đó là những chứng cứ có ý nghĩa quan trọng dùng để chứng minh hành vi phạm tội của ông Danh, cũng như nhằm giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.
Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử thận trọng xem xét lại bản chất, làm rõ nguyên nhân bối cảnh xảy ra vụ án, quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung các vấn đề chưa được đánh giá khách quan, toàn diện nêu trên.