Bị cáo Phạm Công Danh |
Xác định tài sản chung – riêng của vợ chồng Danh
Theo đó, HĐXX đã yêu cầu bị cáo Phạm Công Danh để thẩm vấn nhằm làm rõ phần vốn góp của hai vợ chồng bị cáo này trong số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng của Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh.
Về việc xử lý tài sản, luật sư hỏi bà Quách Kim Chi (vợ bị cáo Danh) cho rằng, bà mong muốn, đối với các hợp đồng tín dụng, xử lý theo đúng các điều khoản trong hợp đồng.
Trả lời trước HĐXX bà Chi cho biết thêm, đối với Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh là công ty gồm hai thành viên do bà và ông Danh cùng đứng tên. Với 20% vốn tương đương 200 tỷ đồng là của bà Chi. Số còn lại là của bị cáo Danh. Trước khi trở thành Tập đoàn Thiên Thanh thì vợ chồng bà thành lập công ty này từ năm 2000, với vốn điều lệ khoảng 500 tỷ đồng.
Vì là công ty gia đình nên tỉ lệ góp vốn của hai vợ chồng không có giấy tờ cụ thể. Từ lúc bà Chi lấy ông Danh, bắt đầu mở cửa hàng vật liệu xây dựng cho tới khi thành lập Tập đoàn Thiên Thanh thì tất cả tài sản đều là tài sản chung. Việc điều hành là do chồng bà – bị cáo Phạm Công Danh đảm nhận.
Còn khi được hỏi đến khoản vốn điều lệ 1.000 tỷ gồm những tài sản nào, thì bà Chi cho rằng, bà không biết cụ thể bao gồm những tài sản nào?
Cũng liên quan đến xử lý tài sản, luật sư hỏi bị cáo Danh: "Ông có thể dùng tài sản là khách sạn Sơn Trà để khắc phục hậu quả không? Và nếu khách sạn này vẫn không đủ để trả nợ thì có dùng tài sản của tập đoàn Thiên Thanh để góp phần khắc phục?".
Ông Danh đáp: “Như tôi đã nói, mong muốn của tôi là khắc phục hậu quả. Tài sản của tập đoàn Thiên Thanh thì bản thân tôi hiện tại vẫn chưa nhận thức rõ được quan hệ dân sự giữa tôi và vợ. Tài sản là của chung vợ chồng tôi nên tôi không rõ trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản này, vì còn quyền của vợ tôi. Mong muốn khắc phục là mong muốn của riêng tôi”, Danh nói.
Tại phiên tòa khi nghe vợ nói về số tài sản chung, tài sản riêng ở tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo Danh một lần nữa xin phép tòa cho làm việc riêng với luật sư để xác định lại phần tài sản của mình để khắc phục hậu quả.
Cân đối khoản nợ BIDV với tài sản đảm bảo
Đối với khoản vay 4.700 tỷ đồng của 12 công ty con do Phạm Công Danh lập cùng khoản trả cho BIDV 2.600 tỷ đồng. Và tài sản đảm bảo sân Vận động Chi Lăng. Trả lời luật sư, bị cáo Phan Thành Mai (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng - VNCB) nói, ông nhớ khu đất sân Vận động Chi Lăng có thể bán được ngay nhưng giá bán sẽ thấp hơn giá thị trường rất nhiều.
Theo giá đất mà BIDV định giá, khoảng 90 - 100 triệu đồng/m2 thì đủ để cân đối cho các khoản vay. Các phương pháp định giá thì Hội đồng xem xét. Vì theo bị cáo Mai, giá trị của lô đất đó cao hơn 2.600 tỷ đồng.
Bị cáo Phan Tuấn Anh - nguyên Trưởng phòng Quản lý tín dụng VNCB, cũng trả lời luật sư về việc liên quan đến khoản nợ BIDV và tài sản sân vận động Chi Lăng.
Bị cáo Tuấn Anh cho rằng, việc VNCB tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng trong đó khoản tiền 4.700 tỷ là vay từ BIDV và đã trả 2.600 tỷ đồng, còn nợ 2.100 tỷ. Tất cả những hồ sơ này đã đưa ra cơ quan điều tra.
Trong định giá của công ty thẩm định giá Miền Nam định giá khu đất sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) là 2.600 tỷ đồng cho khoản vay 4.700 tỷ đồng của BIDV, nếu tính khoản nợ còn lại 2.100 tỷ đồng thì sẽ đủ để trả nợ.
Bên cạnh đó cáo Tuấn Anh cho rằng mình bị oan. Vì "theo quyết định VNCB, khoản vay 1.000 tỷ, bị cáo phải đi thẩm định thực tế hồ sơ vay nhưng Hội đồng tín dụng đã quyết định cho vay thì bị cáo mới cho vay".
Theo cáo trạng, VNCB đã thuê Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam tiến hành thẩm định giá đối với tài sản thế chấp gồm 13 lô đất tại sân Vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP.Đà Nẵng. Các lô đất thế chấp nêu trên có tổng giá trị là 2.604 đồng. Sau khi trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi số tiền 2.095 tỷ đồng.
Còn đối với khoản vay tại BIDV, sau này Phạm Công Danh đã dùng số tiền 5.190 tỷ đồng rút từ tài khoản nhóm cho vay Trần Ngọc Bích (không có chữ ký chủ tài khoản) và phần tiền vay ra từ VNCB để trả nợ cho BIDV.
Cũng tại phiên tòa, HĐXX một lần nữa yêu cầu sự có mặt của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với vụ án để trong quá trình xét hỏi của các luật sư không bị gián đoạn.
HĐXX đề nghị triệu tập ông Lê Minh Tuấn, đại diện công ty IDICO và phía đại diện DATC vào ngày hôm nay (10/8) phải có mặt để các luật sư xét truy hỏi các vấn đề liên quan.