Trong quá trình rút ruột VNCB, Phạm Công Danh đã sử dụng 12 công ty ma để thực hiện nhiều giao dịch vay tiền hòng phục vụ cho âm mưu của mình. Tuy nhiên đều cần làm rõ là làm cách nào mà toàn bộ số hồ sơ vay tiền của các công ty ma của Danh đều được duyệt.
Giống như những lần thẩm vấn trước, bị cáo Hoàng Đình Quyết vẫn khẳng định mình chỉ đạo các nhân viên làm đúng theo trình tự. Còn những vấn đề khác là do bị cáo Danh chỉ đạo và Quyết chỉ làm theo.
Bị cáo Hoàng Đình Quyết (bên phải) và Phạm Công Danh tại tòa |
Được HĐXX gọi lên thẩm vấn, bị cáo Bùi Thanh Nguyên (cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Lam Giang) là người nhận và giải quyết hồ sơ cho Công ty IDICO vay, gây thiệt hại cho VNCB 220 tỉ đồng. Tại tòa, Nguyên cho biết thật ra mình không đi gặp gỡ thực tế khách hàng mà bị cáo đã thu thập thông tin đầy đủ trên mạng Internet. Qua đó, bị cáo thấy IDICO có hoạt động kinh doanh thật và có thông tin khá nhiều. Đồng thời bị cáo cũng không đi xác nhận tài sản đảm bảo thực tế.
Cũng cùng sai phạm tương tự, bị cáo Nguyễn Tiến Hùng (nguyên cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Sài Gòn) là người tiếp nhận 6 hồ sơ của 6 công ty vay 2.470 tỉ đồng. Tuy nhiên trong quá trình thẩm định, Hùng cũng không thẩm định thực tế tài sản đảm bảo, không kiểm tra thực tế tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vay vốn.
Chính điều này đã giúp cho Phạm Công Danh vay trái pháp luật được 2.470 tỉ đồng, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.300 tỉ đồng. Bị cáo Hùng cho rằng mình chỉ làm theo lãnh đạo nên không đến trực tiếp thẩm định, chỉ làm theo hồ sơ của khách hàng bởi những khoản vay này đã có chủ trương cho vay.
Nguyên Trưởng phòng Kế toán VNCB - Lâm Thiên Thu khi trả lời câu hỏi thẩm vấn của HĐXX còn cho rằng mình không sai vì làm theo chỉ đạo. Với vai trò là thành viên của hội đồng tín dụng, bị cáo đánh giá hồ sơ hợp lý, phương án vay vốn ổn, tài sản đảm bảo tốt, khách hàng làm ăn có lãi nên bị cáo thông qua. Việc quyết định cho vay không thuộc thẩm quyền của bị cáo mà do Hội đồng tín dụng dựa trên ý kiến các thành viên.
Cũng không đi thực tế mà chỉ nghe sếp nên không tiến hành thẩm định còn có bị cáo Lý Minh (nguyên trưởng phòng phụ trách kinh doanh VNCB chi nhánh Sài Gòn). Bị cáo này cho biết, do sếp của bị cáo là Mai Hữu Khương nói rằng đã xem sơ qua nên không thẩm định kỹ mặc dù theo quy định thì với hồ sơ vay trên 500 triệu đồng thì trưởng phòng kinh doanh phải trực tiếp thẩm định khách hàng cùng nhân viên tín dụng.
Nghiêm trọng hơn, bị cáo Huỳnh Nguyên Sang (nguyên phó phòng phụ trách kinh doanh VNCB Lam Giang) khai trước tòa rằng không gặp khách hàng, cũng không biết tài sản đảm bảo cho các khoản vay đã bị “cầm cố” để thế chấp cho vay tại Ngân hàng BIDV mà chỉ biết hồ sơ đảm bảo là “mối quan hệ” và được sếp của mình lúc đó là Hoàng Đình Quyết chỉ đạo nên đã không ngần ngại ký duyệt hồ sơ.
Nguyên cán bộ tín dụng tại VNCB – bị cáo Doãn Quốc Long khai nhận trước tòa mình nhận hồ sơ vay của Công ty Đại Hoàng Phương từ bị cáo Hoàng Đình Quyết. Bị cáo nghe Quyết nói đây là hồ sơ nằm trong cơ cấu ngân hàng, đã kiểm duyệt. Bị cáo này cho rằng mình làm đúng theo quy trình dù không xác minh, thẩm định trực tiếp.
Tuy nhiên theo báo cáo, Công ty Đại Hoàng Phương vay số tiền đến 280 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quá trình hoàn thành hồ sơ thẩm định, Công ty Đại Hoàng Phương không hề có báo cáo tài chính, có rủi ro về tài sản và tài chính nhưng Long vẫn ký báo cáo đề xuất tín dụng đồng ý cho đơn vị trên vay tiền.
Qua buổi thẩm vấn các cán bộ VNCB có thể thấy trong quá trình làm việc họ đã quá “tin tưởng” vào cấp trên để thực hiện các hồ sơ cho vay. Chính vì vậy khi khai trước tòa, các cán bộ này đều cho rằng mình luôn làm đúng quy trình còn việc cho những công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh vay vốn là chủ trương của ngân hàng.