Bị cáo Phạm Công Danh |
Liên quan đến vấn đề này, HĐXX đã triệu tập hơn 20 ngân hàng, trong đó có VNCB và các cơ quan thẩm định giá.
Đầu tiên, bà Phương Quỳnh - đại diện Sở Tài chính TP.HCM trả lời liên quan đến việc thẩm định giá tài sản tại TP.HCM. Ở đây, Phạm Công Danh bị kê biên 14 bất động sản. Các tài sản này đều có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phạm Công Danh bị kê biên một bất động sản. Theo bà Phạm Thị Quỳnh Hương - đại diện thẩm định giá tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo thẩm định giá tại hai thời điểm thì bất động sản này trị giá khoảng 34 tỷ đồng.
Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Tân Phú cũng liên quan. Tại tòa khi được hỏi, đại diện của chi nhánh này cho rằng Tập đoàn Thiên Thanh vay của chi nhánh 170 tỷ đồng hiện còn dư nợ gốc. Và tài sản mà Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp là hai bất động sản, một ở Bình Dương và một ở huyện Củ Chi.
Theo ý kiến của đại diện Agribank, Tập đoàn Thiên Thanh nợ lãi và gốc từ rất lâu và không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tổng số tiền cả gốc và lãi quá hạn là khoảng 254 tỷ đồng.
Do đó, vị đại diện Agribank đề nghị giải tỏa kê biên để thực hiện thi hành án nhằm trả lại tiền cho Agribank. Số thừa sẽ được Agribank giao lại để thực hiện khắc phục hậu quả vụ án này.
Trong các tài sản của Phạm Công Danh còn có 3 bất động sản đã được thế chấp cho Tổng Công ty bảo hiểm dầu khí (PVI). Theo đó, ông Phạm Văn Thạnh - đại diện ủy quyền của PVI, cho biết Tập đoàn Thiên Thanh hợp tác đầu tư với PVI, và đã thế chấp 3 bất động sản cho PVI để hợp tác đầu tư giá trị hơn 450 tỷ đồng.
Do quá trình hợp tác không hiệu quả nên Tập đoàn Thiên Thanh chuyển nhượng toàn bộ tài sản thế chấp cho PVI. Đây là tài sản trong quá trình điều tra được cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kê biên.
Tiếp đó, chủ tọa đề nghị bà Trần Ngọc Bích trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề kê biên tài sản. Trình bày, bà Bích cho biết, Công ty Thiên Thanh - Long Hải đã làm thủ tục sang tên, công chứng mảnh đất thuộc sở hữu của công ty này cho bà.
Trước đó, khoảng tháng 10/2013, Phạm Thị Trang (Trang "Phố núi") ký hợp đồng vay 500 tỷ và lấy tài sản của Công ty Thiên Thanh - Long Hải đứng ra làm tài sản đảm bảo khoản vay.
Sau khi tất toán xong khoản vay 500 tỷ, Trang lại dùng bất động sản này để đảm bảo khoản vay khác và chưa tất toán hết nên thế chấp. Bà Bích đề nghị giải tỏa kê biên đối với bất động sản này.
Liên quan đến 124 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích có tổng trị giá gần 5.900 tỷ đồng, đại diện VNCB cho biết nhóm Trần Ngọc Bích đã có yêu cầu trả lại sổ tiết kiệm và VNCB sẽ căn cứ vào quyết định của HĐXX mà thực hiện.
Còn liên quan đến VNCB, đại diện của Ngân hàng VNCB là bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cũng yêu cầu giải tỏa kê biên tài sản mà 12 công ty của Phạm Công Danh đã thế chấp tại VNCB để vay tiền. Tài sản này chính là lô đất ở 209 Trường Chinh và 13 lô đất sân vận động Chi Lăng. Theo định giá của Công ty thẩm định giá Miền Nam thì các tài sản này trị giá là hơn 2.600 tỷ đồng.
Liên quan tài sản này, tại tòa, Danh xin được định giá lại và cho biết đã từng có đối tác trả giá 250 triệu USD. Còn khoản nợ của Tập đoàn Thiên Thanh tại VNCB, đại diện ngân hàng cho biết tổng số nợ lên đến 6.667 tỷ đồng và yêu cầu trả lại VNCB.
Quá trình thẩm vấn, chủ tọa còn đặt câu hỏi với Phạm Công Danh, liên quan đến tài sản bị thu giữ tại thời điểm bị bắt giữ gồm: Nhẫn, đồng hồ, hơn 210 triệu đồng và hơn 620.000 USD là tài sản của ai? Ông Danh cho rằng đó là tài sản chung của hai vợ chồng.
Trước đó, phiên tòa ngày hôm qua, HĐXX đã thẩm vấn bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông cũ của Ngân hàng Đại Tín) liên quan đến số tiền Phạm Công Danh đưa cho bà Phấn theo hợp đồng ký kết chuyển nhượng NH Đại Tín - sau này là VNCB. Cơ quan tố tụng cũng làm rõ thêm hai bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè mà Phạm Công Danh cho rằng đấy là nguyên nhân khiến bị cáo vướng vòng lao lý.