Ông nhận xét gì về vụ án Phạm Công Danh so với các vụ án “bầu” Kiên và Huyền Như?
Cả 3 vụ án giống nhau ở điểm đều là án nghiêm trọng, rút ruột ngân hàng và lừa đảo khách hàng của ngân hàng nhiều nghìn tỷ đồng. Có thể gọi chung là ăn cắp nghìn tỷ đồng từ ngân hàng. Cơ chế rút ruột ngân hàng của Phạm Công Danh và bầu Kiên khá giống nhau về bản chất. Còn Huyền Như thì lợi dụng tuyệt đối mối quan hệ và kẽ hở của cơ chế nghiệp vụ ngân hàng để lửa đảo khách hàng là chủ yếu.
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa |
Tuy nhiên khác hai vụ án kia, điểm khác rất lạ lùng ở vụ án Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) là Phạm Công Danh đã rút 9.000 tỷ đồng trong bối cảnh ngân hàng này đang bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt! Bởi vì, tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh bắt đầu tiếp quản ngân hàng này từ tháng 2/2013, trong khi từ 14/2/2012 hoạt động của nó đã đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của NHNN.
Ông có thể lý giải tại sao hoạt động của VNCB đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của NHNN mà Phạm Công Danh vẫn rút ruột được hàng nghìn tỷ đồng một cách dễ dàng như vậy?
Chuyện thì dài lắm như thông tin diễn tiến của vụ án đang xử cũng như các thông tin được tiết lộ bởi cơ quan điều tra trước đó, kể cả thông tin báo chí rất nhiều. Phạm Công Danh đã thông qua doanh nghiệp để huy động tiền bỏ vào ngân hàng mình sở hữu sau đó doanh nghiệp này lập nhiều công ty con để vay lại ngân hàng bù đắp vào số tiền huy động ban đầu. Tiền rút ra nhiều hơn tiền bỏ vào ngân hàng nên dẫn đến ngân hàng âm vốn điều lệ.
Cái lạ lùng là “bài” rút tiền của Phạm Công Danh không có gì đặc biệt, nhưng đã rút được khoản tiền rất lớn. Điều đáng chú ý ở đây là nếu Tổ giám sát của NHNN đóng đúng vai, làm đúng trách nhiệm và đúng quy định thì Phạm Công Danh khó mà rút được lượng tiền lớn như vậy. Theo quy định của NHNN, khi các ngân hàng thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt khi giải ngân từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải thông qua ý kiến của Tổ giám sát của NHNN. Không biết có sự “nháy” với nhau gì không nhưng tội “Vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nên để cho các vị trong tổ giám sát này nhận. Theo dõi vụ án chưa thấy yếu tố khách quan nào cả.
Ngày 10/7/2012 thanh tra NHNN công bố, tại thời điểm thanh tra, Ngân hàng Đại Tín (sau này đổi thành VNCB) có vốn điều lệ âm 2.854 tỷ đồng và lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng. Ông có thắc mắc tại sao NHNN không tính đến giải pháp mạnh để ngăn chặn các giao dịch nguy cơ tiếp tục gây rủi ro không?
Không chỉ dừng tại đó, như thông tin đã đưa, theo báo cáo tài chính (BCTC) cuối năm 2012 của VNCB thì vốn điều lệ của ngân hàng này âm 5.711 tỷ đồng và lỗ lũy kế 8.293 tỷ đồng. Tiếp đến BCTC kiểm toán cuối năm 2013 vốn điều lệ âm 8.293 tỷ đồng và lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng. Báo cáo trước ngày Phạm Công Danh bị bắt 3 ngày vốn điều lệ bị âm tới 18.400 tỷ đồng. Xét về bản chất thì từ thời điểm thanh tra NHNN công bố VNCB không còn là ngân hàng nữa vì có gì để mà hoạt động?
Tại sao ngày 10/7/2012 thanh tra NHNN đã công bố VNCB lỗ và âm vốn quá nặng như đã nói trên mà Phạm Công Danh vẫn chạy vốn để góp vào sở hữu bằng được? Tại sao lại mua một xác ma không hồn? Tại sao thông qua tổ giám sát của mình, NHNN vẫn không tỏ thái độ ngăn chặn? Hàng loạt câu hỏi tại sao mà chỉ có những người trong cuộc mới trả lời được. Chỉ riêng chi tiết điều kiện người điều hành ngân hàng phải có bằng đại học chuyên ngành kinh tế, thì VNCB đã không đáp ứng được. Theo như công bố tại tòa ngày 29/7/2016 thì Phạm Công Danh chỉ có bằng giả! Tại sao tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ, NHNN không làm động tác kiểm tra thật sự? Phải chăng thiếu trách nhiệm hay là cái gì?
Giá như ngay tại tại thời điểm đầu tiên phát hiện ra VNCB bị lỗ đến âm vốn, NHNN cho phá sản ngay hoặc mua lại 0 đồng thì sẽ phù hợp hơn. Dĩ nhiên, ngành ngân hàng của Việt Nam chưa có tiền lệ phá sản và cơ chế mua ngân hàng với giá 0 đồng lúc đó có thể NHNN chưa nghĩ tới.
Nguồn cơn của việc rút ruột nghìn tỷ từ ngân hàng?
Xuất phát điểm đương nhiên là từ lòng tham. Phạm Công Danh nếu dừng lại tại công ty Thiên Thanh với phát triển “bình bình” thôi cũng là giai tầng đại gia. Nhưng anh ta muốn trở thành đại gia nắm ngân hàng trong tay. Tay không bắt giặc (tiền thì thiếu, chuyên môn quản lý là không) nên Phạm Công Danh không thể không nghĩ đến ý đồ làm trái. Việc xin lập một ngân hàng mới là không thể nên thông qua môi giới Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh đã mua ngân hàng Đại Tín. Chi phí mua trót lọt ngân hàng Đại Tín thông qua “cò” Thắm đến cỡ 4.100 tỷ đồng (gồm 3.600 tỷ đồng trả cho nhóm cổ đông cũ và 500 tỷ đồng lót tay Hà Văn Thắm gọi là chi phí “cò”). Lấy đâu ra khoản tiền ấy trong khi vốn điều lệ của công ty Thiên Thanh do Phạm Công Danh sở hữu chỉ đăng ký 1.000 tỷ đồng? Con đường tất yếu là huy động nóng ngắn hạn với lãi suất cao bằng mọi mánh khóe. Động tác nộp tiền vào ngân hàng mua cổ phần lúc đó đã bao gồm toan tính phải rút tiền ra nhanh.
Vậy qua nhiều vụ án nghìn tỷ của các ngân hàng, theo ông, cần cảnh báo gì cho lĩnh vực này?
Không phải ngành ngân hàng mới có các vụ án nghìn tỷ mà nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Chẳng hạn vụ Nguyễn Xuân Thanh, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí thua lỗ 3.200 tỷ đồng. Chỉ khác là, ngân hàng là loại hình doanh nghiệp nhạy cảm, nghiệp vụ rối rắm, tuy cơ chế không phải lỏng lẻo nhưng đây là mảnh đất màu mỡ để phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Trong các loại rủi ro ngày nay, rủi ro đạo đức cần được coi là rủi ro của mọi loại rủi ro. Lòng tham đã quy tập thành lợi ích nhóm, gặp điều kiện gần tiền bạ nó sẽ phát tác rất nhanh! Cán bộ ngân hàng cấp lãnh đạo, cấp trên sa lưới pháp luật do cố ý làm trái khá nhiều nhưng do mối liên kết của guồng máy và thiếu bản lĩnh nên một số cán bộ cấp dưới dễ trở thành đồng lõa. Đây là suy nghĩ mà tôi thường tâm sự với học trò cũng như người quen đang làm việc tại các ngân hàng và kể cả trong các lĩnh vực, ngành nghề khác.