Không nói chuyện được với ĐTV sao nói được với luật sư?
Ngày 21/5, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) tiếp tục với phần xét hỏi của luật sư các bên.
|
Các bị cáo tại tòa. |
Phiên tòa tiếp tục bị muộn giờ. Chủ tọa cho biết nguyên nhân do buổi sáng, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bảo vệ bị cáo Hứa Thị Phấn) tiếp tục cung cấp tài liệu, chứng cứ nên HĐXX phải lập các thủ tục tiếp nhận. Đối với 48 trang tài liệu được trích xuất từ đoạn ghi âm dài trên 2 tiếng đồng hồ mà luật sư Thơ cung cấp cho HĐXX vào chiều tối 18/5, Chủ tọa phiên tòa nói: “Qua nghiên cứu các tài liệu do luật sư Thơ cung cấp, Viện KSND TP Hồ Chí Minh nhận thấy về mặt pháp lý của tài liệu: Trong phần trả lời HĐXX vào chiều 16/5, luật sư Thơ xác định đã nhận một hộp tài liệu từ Hứa Thị Phấn, sau đó mới phát hiện trong thùng có USB (ghi âm) trên. Như vậy, chưa đủ cơ sở xác định có hay không luật sư nhận tài liệu từ Hứa Thị Phấn vì chỉ có lời trình bày của luật sư.
Cũng trong phần trả lời HĐXX, luật sư Thơ xác định ngày 9/9/2017 được Hứa Thị Phấn mời làm luật sư bào chữa, sau đó được Hứa Thị Phấn cung cấp hộp tài liệu. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này (kể từ ngày 22/3/2017 là ngày Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can Hứa Thị Phấn - PV), các điều tra viên (ĐTV) cơ quan CSĐT đã nhiều lần đến làm việc với Hứa Thị Phấn nhưng không làm việc được vì Hứa Thì Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Như vậy việc luật sư Thơ cho rằng đã trao đổi với Hứa Thị Phấn về USB được cho là đoạn ghi âm theo luật sư trình bày là không có căn cứ.
Nếu thấy cần, HĐXX sẽ làm rõ tài liệu ngay tại tòa
Việc cung cấp các tài liệu, đồ vật của luật sư Thơ tại tòa đều không có yêu cầu của bị cáo Hứa Thị Phấn mặc dù quy định tại điều 88 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về việc cung cấp tài liệu, đồ vất có liên quan vụ án. Tuy nhiên, việc cung cấp tài liệu được xác định có liên quan đến Hứa Thị Phấn phải có yêu cầu của bị cáo Phấn để bảo vệ quyền lợi của bị cáo vì luật sư Thơ không phải là đại diện toàn bộ ý chí của bị cáo tại phiên tòa. Do đó không có căn cứ để xem xét tài liệu, đồ vật nêu trên trong vụ án này.
Cũng theo Chủ tọa Phạm Lương Toản, về yêu cầu của HĐXX, do bị cáo Phấn hiện nay không có khả năng tiếp xúc nên tổ chức cho người liên quan nghe đoạn ghi âm là không hợp lý vì không có đủ các bên liên quan. Theo văn bản 48 trang mà luật sư Thơ nghe ghi âm và tự chép ra và xác định tên của các bên liên quan và được luật sư ký tên từng trang và trên 19 tấm hình nộp cho HĐXX tại tòa. Viện KSND TP Hồ Chí Minh nhận thấy theo quy định của pháp luật thì luật sư phải chịu trách nhiệm về nguồn, tính chính xác về tài liệu của mình cung cấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân trong các tài liệu này. Trong trường hợp HĐXX thấy cần thiết thì có thể tiến hành làm rõ tại phiên tòa.
Ông Luận, Quan và nhóm Phương Trang còn nợ bị cáo Phấn
Trong phần xét hỏi, các luật sư của bị cáo Phấn và các bị cáo khác cũng hỏi các đại diện theo ủy quyền nhóm Phương Trang. Tuy nhiên những đại diện của nhóm này tiếp tục “điệp khúc” như những ngày trước là… “chúng tôi không trả lời” và bản kết luận điều tra (KLĐT) cũng như cáo trạng đã kết luận. Luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ bị cáo Phấn) gọi bị cáo Loan để hỏi có tham dự buổi làm việc ngày 26/5/2015 giữa đại diện Cơ quan CSĐT Bộ Công an với bà Phấn (biên bản làm việc trước ngày Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố Hứa Thị Phấn - PV)? Bị cáo Loan cho biết có dự, nhưng nội dung không nhớ hết. Vì vậy luật sư Tám đã dẫn dắt biên bản làm việc.
Theo đó, nội dung biên bản xoáy quanh các vấn đề: Mối quan hệ của bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ với ông Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang), Phạm Đăng Quan (Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Trang), cùng các công ty và cá nhân thuộc nhóm Phương Trang từ trước tới nay; Việc vay mượn tiền giữa 2 nhóm từ trước tới nay và dư nợ hiện tại giữa 2 nhóm.
Tại biên bản, thể hiện: Khoảng cuối năm 2009, thông qua giới thiệu của ông Trịnh Thanh Cao (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh) bà Phấn quen ông Luận, ông Quan. Hai nhóm Phú Mỹ và Phương Trang dự kiến hợp tác kinh doanh qua lại và tiến hành đầu tư nhiều lớp dự án tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. “Tại biên bản làm việc ngày 21/4/2015, giữa tôi (Phấn) và nhóm Phú Mỹ với ông Luận, Quan và các công ty, cá nhân thuộc nhóm Phương Trang bắt đầu chính thức quan hệ từ năm 2010, trên cơ sở vay mượn qua lại giữa 2 nhóm và chuyển nhượng Dự án Bình Điền”, bà Phấn trình bày.
Đối với nội dung vay mượn tiền giữa 2 nhóm và dư nợ, biên bản thể hiện: “Đầu năm 2010 nhóm PhươngTrang gặp khó khăn về tài chính nên có xin vay tại Trustbank. Sau đó ông Luận, Quan và nhóm Phương Trang trực tiếp quan hệ với Trustbank để vay vốn và trở thành khách hàng thường xuyên. Thời gian đầu để có tài sản thế chấp tại Trustbank, tôi (Phấn) và nhóm Phú Mỹ đã cho ông Luận, Quan và nhóm Phương Trang vay nhiều lần, từ vài tỷ đồng đến cả ngàn tỷ đồng.
Việc vay mượn diễn ra nhiều lần, phụ thuộc vào các khoản vay của ông Luận, Quan và nhóm Phương Trang đã vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn và của các đối tác khác nhưng không trả được nên dùng tiền vay của tôi và nhóm Phú Mỹ để tất toán rồi rút tài sản thế chấp để thế chấp vào Trustbank vay tiền, lấy tiền vay của Trustbank trả tôi (Phấn) và nhóm Phú Mỹ. Đến thời điểm hiện tại (26/5/2015), ông Nguyễn Hữu Luận, Phạm Đăng Quan và nhóm Phương Trang còn nợ tôi (Phấn) 748,2 tỷ đồng và 400.000 USD”.
Cho vay nhiều nhưng không có chứng từ chứng minh! Cũng trong biên bản do luật sư Tám trình trước tòa, có nội dung: “Ngoài số tiền tôi (Phấn) cho nhóm Phương Trang vay có giấy tờ chứng minh như trên. Trước đó tôi có cho nhóm Phương Trang vay rất nhiều khoản tiền với số lượng từ vài tỷ đến cả ngàn tỷ đồng nhưng do thời gian đã lâu tôi không nhớ và không lưu giữ giấy tờ vay mượn nên không thể chứng minh số tiền cho nhóm Phương Trang vay từ trước tới nay. Tuy nhiên tôi biết khi đó ông Luận, Quan và nhóm Phương Trang đã dùng khoản tiền vay của tôi và nhóm Phú Mỹ để tất toán các khoản vay và giải chấp tài sản tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn và Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh quận 2 (TP Hồ Chí Minh). |