Án sơ thẩm buộc nhiều người trả tiền cho CBBank là vô lý?
Ngày 23/10, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xử phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Hứa Thị Phấn cùng 10 đồng phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank, nay là Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – CBBank).
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 23/10/2018 - Ảnh: Tân Tiến. |
Tại tòa, các đại diện của Công ty CP Đầu tư Phương Trang (nhóm Phương Trang) đưa ra các căn cứ để cho rằng chỉ nợ bị cáo Hứa Thị Phấn 3.900 tỷ đồng. Nhóm Phương Trang cho rằng trước khi xảy ra vụ án tại TrustBank đã có 2 ngày đối chiếu công nợ và có lập 2 biên bản với sự chứng kiến của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại diện Cơ quan điều tra (CQĐT).
Tuy nhiên khi chủ tọa hỏi số nợ của nhóm Phương Trang đưa ra vào thời điểm lập biên bản có kết luận hay không, có được phía Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) chấp nhận không, hay chỉ là ý kiến các bên? Các đại diện nhóm Phương Trang không trả lời thẳng vào câu hỏi mà cho rằng cuối các biên bản ngày 18/12/2014 và 19/12/2014 có ghi một số nội dung: thời gian biên bản kết thúc, nội dung đối chiếu, được đọc lại cho các bên cùng nghe, công nhận và ký tên…
Chủ tọa cũng hỏi biên bản làm việc giữa bà Hứa Thị Phấn với CQĐT diễn ra ở đâu, kết thúc khi nào thì các đại diện nhóm Phương Trang trả lời không nhớ.
Tại tòa, các tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi được chủ tọa hỏi lý do kháng cáo bản án sơ thẩm số 185/2018/HS-ST ngày 31/5 của TAND TP Hồ Chí Minh? Tất cả đều khẳng định bản án sơ thẩm buộc họ trả tiền cho CBBank là vô lý. Vì trong quá trình vay mượn, họ không có nghĩa vụ phải tìm hiểu nguồn tiền do nhóm Phú Mỹ (Công ty Phú Mỹ do Hứa Thị Phấn làm chủ - PV) trả lấy từ đâu, và không thể xem số tiền mà nhóm Phú Mỹ trả trong quá trình giao dịch là vật chứng vụ án vì giao dịch với nhóm Phú Mỹ vào thời điểm đó là hợp pháp.
Phó Thủ tướng chỉ đạo TAND Tối cao kiểm tra án sơ thẩm
Chủ tọa cũng gọi hỏi ông Trương Công Bình, ông Trương Đoàn Quốc Dũng là 2 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về lý do kháng cáo bản án sơ thẩm? Luật sư Lưu Trường Hận (bảo vệ quyền lợi cho ông Bình, ông Dũng) khẳng định: “Việc tòa sơ thẩm tuyên tiếp tục duy trì lệnh kê biên đối với 4 bất động sản tại TP Đà Nẵng là tài sản của ông Bình, ông Dũng là trái pháp luật. Vì HĐXX sơ thẩm không có thẩm quyền tự mình ra quyết định kê biên và cũng không có thẩm quyền ra quyết định kê biên tài sản của ông Bình, ông Dũng theo yêu cầu của nhóm Phương Trang. Phải chăng quyết định của HĐXX sơ thẩm kê biên trái pháp luật dựa trên lệnh kê biên trái pháp luật của Cơ quan CSĐT (C46) Bộ Công an? Nếu vậy có nghĩa lấy cái sai sau chồng lên cái sai trước. Ông Bình, ông Dũng không phải là can, bị cáo và cũng không phải là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong vụ án Hứa Thị Phấn và những đối tượng có liên quan trong quá trình quản lý, điều hành VNCB. Tại khoản 1 điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, quy định: Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Phó Thủ tướng chỉ đạo TAND Tối cao kiểm tra án sơ thẩm. |
Trước khẳng định của luật sư Hận, chủ tọa phiên tòa hỏi căn cứ pháp lý nào để nhóm Phương Trang tranh chấp 4 tài sản nêu trên với ông Bình, ông Dũng? Đại diện nhóm Phương Trang, trả lời: “4 tài sản của ông Bình, ông Dũng dùng để thế chấp vay tại TrustBank, nhưng thực tế ngân hàng không giải ngân đồng nào. Hiện nay hợp đồng thế chấp 4 tài sản vẫn còn ở CBBank. Chúng tôi xác định mình là chủ sở hữu 4 tài sản trên. Đối với miếng đất bán cho ông Bình đến nay chưa trả tiền nên vẫn của chúng tôi. Còn 3 tài sản của ông Dũng là do ông Dũng đứng tên giùm Phương Trang”.
Liên quan đến bản án sơ thẩm tuyên tiếp tục kê biên 4 tài sản của ông Bình và ông Dũng. Ngày 15/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tới TAND Tối cao với nội dung yêu cầu TAND Tối cao chỉ đạo kiểm tra, xem xét bản án sơ thẩm số 185/2018/HSST ngày 31/5 của TAND TP Hồ Chí Minh và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực.
Ở tù thì tiền đâu bồi thường? Tại tòa đại diện AgriBank cho rằng bản án sơ thẩm yêu cầu giữa ngân hàng và bị cáo Bùi Thị Kim Loan giải quyết phần dân sự thông qua vụ một kiện khác là không khả thi. Bởi lẽ bị cáo Loan đang chấp hành án, không có tiền thì làm sao trả. Các tài sản của nhóm Phú Mỹ cũng đã bị kê biên thì làm sao có tiền để trả AgriBank? Còn đại diện CBBank cho rằng việc thu hồi vật chứng (tài sản, tiền) là việc của cơ quan tố tụng nên không có ý kiến về kháng cáo của những tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bị tòa sơ thẩm tuyên phải trả tiền cho CBBank. Những tổ chức, cá nhân bị tòa sơ thẩm tuyên phải trả cho CBBank lên tới nhiều ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho Hứa Thị Phấn, gồm: Công ty TNHH Thăng Hoa (15 tỷ đồng), AgriBank chi nhánh Sài Gòn (23,9 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, 78 tỷ đồng), Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (200 tỷ đồng), bà Lý Kim Chi (32,5 tỷ đồng) cùng nhiều cá nhân, pháp nhân liên quan tới khoản tiền trên 1.669 tỷ đồng. |