Mỗi ngày hàng chục tấn rác thải sinh hoạt tại huyện Bù Đăng, sau thu gom không hề qua xử lý, cứ thế tuồn xuống vách núi để tự phân hủy - Ảnh: Lâm Thiện
Theo đó, tại thôn 1, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng đang tồn tại một bãi xử lý rác thải sinh hoạt trong tình trạng đáng báo động cao về môi trường.
Được biết, đây là bãi rác do huyện Bù Đăng đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ năm 2019, mỗi ngày dung nạp hàng chục tấn rác, nhưng việc quản lý bãi, xử lý rác tại đây lại hoàn toàn bị bỏ ngỏ.
Rác tràn ngập, xâm lấn một khu vực rộng lớn, lên cả mặt đường dân sinh, tất cả không được xử lý - Ảnh: Lâm Thiện
Ngày 26/10, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận, vị trí bãi rác ở khu vực đồi núi, cách quốc lộ 14 (đoạn qua khu phố Đức Lập, thị trấn Đức Phong) khoảng 4km, kế đường Nguyễn Thị Minh Khai. Quy mô bãi rác hàng chục nghìn mét vuông, gồm mặt bằng tập kết rác trên cao và phần còn lại là khe núi sâu, phía dưới chứa rác sau khi tập kết.
Tại đây không hề thấy nhà xưởng, hoặc bất kỳ lò và máy móc nào dùng để đốt, xử lý rác. Hàng chục tấn rác mỗi ngày sau thu gom từ các địa phương trong huyện được chuyên chở về, sau đó xe ủi cứ thế đẩy tất cả xuống khe núi. Để rác nằm lộ thiên, tự phân hủy theo thời gian…
Rác thải từ ngành công nghiệp điều tràn ngập, xâm lấn ra cả mặt đường, công tác quản lý bãi rác hoàn toàn bị bỏ ngỏ - Ảnh: Lâm Thiện
Anh Nguyễn Phương, lao động tại bãi rác cho biết: "Bãi rác huyện làm từ năm 2019, mỗi ngày có hàng chục xe máy cày, xe tải chở đầy rác thu gom từ các xã về đổ vào bãi, nhiều chứ không phải chục tấn đâu. Thời gian đầu, rác về đến đâu thì đốt đến đó nên bãi rác còn sạch. Sau này không đốt được nữa vì bị dân khiếu kiện...nên họ đã cho máy ủi hết rác xuống khe núi phía trong. Mấy năm nay, lượng rác về đến đâu được ủi xuống khe núi đến đó, nhưng hiện không có người làm nên đổ đại ra đường”.
Lao động tại bãi rác cho biết, bãi rác thường bị doanh nghiệp chở rác công nghiệp tới đổ trộm - Ảnh: Lâm Thiện
Cũng theo anh Phương, bãi rác sau gần 4 năm hoạt động, mỗi ngày hàng chục tấn rác được thu gom về rồi được ủi xuống vách núi. Hiện vách núi đã chứa lượng rác “khổng lồ” chưa kịp phân hủy hoặc không thể phân hủy.
Chưa hết, rác tiếp tục “xâm lấn”, tràn lên cả mặt đường, ngoài rác thải sinh hoạt còn có rác từ ngành công nghiệp điều. Nước từ rác ứa ra, ruồi nhặng, không khí bốc mùi hôi thối, ngột ngạt lan tỏa khắp vùng.
Khe núi chứa rác nằm trên cao hơn khu vực đồng bằng đông dân cư cách đó không xa. Nước ô nhiễm nhiều chất độc hại từ rác, đặc biệt là vào mùa mưa có nguy cơ ngấm vào lòng đất, hòa vào suối, âm thầm lan tỏa, chảy ra hồ chứa nước Cầu 38.
Xe đổ rác gần vách núi, sau đó nếu có lao động thì xe ủi sẽ tuồn rác xuống vách núi - Ảnh: Lâm Thiện
Sáng 28/10, phóng viên đã trao đổi với ông Vũ Văn Mười – Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng xung quanh vấn đề bãi rác. Ông Mười cho biết mới về huyện công tác chưa lâu, có đi xuống các địa phương nắm tình hình nhưng chưa đi hết. Quan điểm của ông về môi trường, đặc biệt là nước thải, rác thải phải luôn được chú trọng, dù địa phương còn một số khó khăn.
Rác nằm sâu dưới vách núi - Ảnh: Lâm Thiện
“Rác thải, nước thải, …phải được đặc biệt quan tâm, đây là bài toán làm nhức đầu nhưng huyện chưa có nhà máy xử lý rác, mà huyện không đầu tư được, không giống như công trình khác. Đầu tư liên quan đến công nghệ lại không doanh nghiệp nào lên đây đầu tư, trong khi đó ngân sách của huyện cũng eo hẹp, tập trung tài chính để xử lý rác thì không đạt như TP Đồng Xoài. Không có quy định nào cho phép chôn lấp rác chưa qua xử lý, tôi sẽ đi kiểm tra!” - Chủ tịch huyện Bù Đăng nói.
Sau 4 năm bãi rác đi vào hoạt động, lượng rác “khổng lồ” đã chứa tại vách núi và đang không ngừng tăng lên từng ngày…khiến môi trường nơi đây đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng huyện Bù Đăng và tỉnh Bình Phước cần kịp thời có phương án chấm dứt kiểu “xử lý” rác rất thiếu thân thiện với môi trường như đang diễn ra, cũng như sớm có giải pháp khắc phục…để tránh nhận “trái đắng” về môi trường và sức khỏe cộng đồng.