Sai phạm chồng chất
Hơn chục năm qua, người dân nghèo sống trong những căn nhà lụp xụp ở khu vùng ven Bình Chánh, Nhà Bè đến những đại gia ở biệt thự trăm tỷ tại Phú Mỹ Hưng (quận 7) đều có chung một nỗi khổ mang tên “rác”. Họ phải sống chung với mùi hôi thối bắt nguồn từ bãi rác Đa Phước và chưa biết tương lai sự việc này sẽ được TP Hồ Chí Minh giải quyết triệt để như thế nào?
Vì không thể chịu đựng sự “bức tử” bầu không khí của bãi rác Đa Phước, thời điểm năm 2016 người dân khu Nam TP Hồ Chí Minh đã từng làm đơn cầu cứu và tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương.
Mặc dù bãi rác Đa Phước của ông chủ David Dương gây ô nhiễm trầm trọng nhưng UBND TP Hồ Chí Minh phải "nhờ gió" mới phát hiện thủ phạm, người dân thì nhiều năm qua vẫn chịu đựng ô nhiễm. |
Cuối tháng 9/2016, chính quyền TP Hồ Chí Minh xác định mùi hôi mà người dân khu Nam Sài Gòn phản ánh đúng là bắt nguồn từ khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của Đa Phước, đồng thời cam kết sẽ cùng doanh nghiệp khắc phục.
Đến ngày 14/12/2016, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc giải quyết phản ánh, tố cáo của công dân đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).
Theo đó, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước và UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra, làm rõ những sai phạm liên quan đến việc đầu tư, xây dựng và xử lý rác tại bãi rác Đa Phước.
Sau khi tiến hành thanh tra, ngày 27/2/2017, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kết quả số 246/BC- TTCP về việc kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại thời điểm thanh tra, Công ty VWS đã có nhiều vi phạm. Cụ thể, vi phạm thứ nhất, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định. VWS không xây lắp, cải tạo các Module xử lý nước rỉ rác với tổng ông suất là 6.080 m3/ngày đêm theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt.
Công ty VWS chỉ có các Module xử lý nước thải với công suất thiết kế là 4.280 m3/ngày đêm của Dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 3.000 tấn/ngày; không xây lắp bổ sung công trình xử lý nước thải cho Dự án nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 10.000 tấn/ngày, dẫn đến hiện nay đang lưu giữ trái quy định 700.000 m3 nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Với hành vi này, VWS bị phạt tiền 300 triệu đồng; đồng thời phải khẩn trương hoàn thành và vận hành thường xuyên các công trình xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh của dự án phải được xử lý đúng quy chuẩn kỹ thuật. VWS cũng phải thường xuyên vận hành Trạm quan trắc nước thải tự động liên tục, đảm bảo truyền dữ liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường TP để được giám sát.
Vi phạm thứ hai là không thực hiện một trong các nội dung báo cáo ĐTM và yêu cầu trong quyết định phê duyệt ĐTM (không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa nước rỉ rác tập trung theo cam kết mà lưu giữ nước rỉ rác tại ô chôn lấp số 2). Vì vậy VWS bị xử phạt hành chính với số tiền 110 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu chấm dứt việc lưu giữ nước thải trái quy định và khẩn trương xử lý toàn bộ khối lượng nước rỉ rác đang lưu chứa tại ô chôn lấp số 2. Hai vi phạm này bị xử phạt lần lượt là 418 và 750 triệu đồng. Nước thải của công ty đều được xả ra kênh Rạch Ngã Cạy.
Đồng thời báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm nêu trên về Sở Tài nguyên và Môi trường TP và Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 31/8/2017 để kiểm tra, xác nhận theo quy định.
Tổng số tiền xử phạt lên tới hơn 1,585 tỉ đồng cho tất cả các vi phạm, công ty VWS cũng được yêu cầu báo cáo kế hoạch khắc phục các hậu quả về Sở Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục trước ngày 30/6/2017 để giám sát việc thực hiện; hoàn thành việc khắc phục các hậu quả trước tháng 8/2017. Nếu không chấp hành quyết định xử phạt, VWS sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Với vẻ ngoài khá yên tĩnh nhưng bên trong bãi rác Đa Phước luôn gợn những cơn sóng ngầm. |
Còn rác là còn hôi!
Nếu gọi bãi rác Đa Phước là một hiện tượng xấu, thì tại sao hiện tượng này vẫn tồn tại suốt thời gian qua mà vẫn không được giải quyết triệt để?
Đành rằng đã chỉ ra những sai phạm và xử phạt hành chính VWS, chỉ ra sự “bất thường” trong việc ký hợp đồng giữa VWS và UBND TP Hồ Chí Minh nhưng theo dư luận, việc xử phạt như vậy chỉ là hình thức, không giải quyết được căn nguyên của vấn đề gây ô nhiễm tồn tại nhiều năm qua. Cụ thể, những tháng đầu năm 2019, khi mùa mưa mới bắt đầu, người dân khu vực phía Nam TP tiếp tục gồng mình khi phải sống chung với mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước lan toả sang.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, cần phải tạm ngưng việc thu gom rác tại bãi rác Đa Phước để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan trong việc chấp thuận đầu tư, giám sát quá trình xây dựng, vận hành của bãi rác Đa Phước.
Không thể cứ mãi rút kinh nghiệm mà cần phải có sự nhìn nhận vào thực tế để có những biện pháp phù hợp chấn chỉnh vấn đề mà người dân đặt ra. Phải nhìn nhận chính xác rằng TP Hồ Chí Minh chi trả tiền cho bãi rác Đa Phước để xử lý rác chứ không phải để chôn rác. Ngay lúc này, người dân vẫn đang kêu trời vì sự ô nhiễm mà bãi rác này gây nên, và điều đó sẽ như thế nào khi VWS đang từng bước mở rộng khu vực chôn rác trên? Sẽ như thế nào nếu năm 2020 dự án xử lý rác ở Long An đi vào hoạt động và VWS độc quyền xử lý toàn bộ rác của TP Hồ Chí Minh?
Nhận định về tình hình hiện tại, một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng ngay từ khâu quy hoạch bãi rác Đa Phước đã sai: “Bãi rác được đặt ngay đầu hướng gió nên mùi hôi ảnh hưởng đến khu dân cư mới phía Đông Nam của TP là đều đương nhiên, không tránh khỏi được. Đây là câu chuyện quy hoạch lâu dài của thành phố nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu lại”, vị này nói.
Cũng theo chuyên gia này, để giảm mùi hôi nồng nặc, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ các nhà đầu tư, phải có những cơ chế, chế tài hoạt động xử lý rác. Không cần mở ra nhiều bãi rác nhưng phải đầu tư công nghệ xử lý rác hiệu quả để giảm thiểu tác động đến môi trường, trong đó bao gồm cả vấn đề kiểm soát ô nhiễm mùi hôi một cách chặt chẽ trong quá trình vận chuyển và xử lý rác.
Giờ đây, ngoài việc mong mỏi thoát khỏi cảnh mùi hôi thối do bãi rác Đa Phước gây ra, người dân cũng yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh những sai phạm trong quá trình đàm phám, thỏa thuận ký hợp đồng giữa UBND TP Hồ Chí Minh và Công ty VWS.
Chị C, một hộ kinh doanh tại quận 7 bày tỏ quan điểm: “Không gì khác chính sự yếu kém, “khuất tất” trong việc ký kết thỏa thuận, hợp đồng liên quan đến bãi rác Đa Phước của chính quyền TP đã gây nên hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường. Mà đối tượng chịu hậu quả trực tiếp không ai khác chính là người dân chúng tôi. Sau hơn chục năm ròng rã chúng tôi vẫn đang mỏi mòn trông chờ, không biết đến bao giờ mới chính thức chấm dứt cảnh... sống chung với mùi hôi thối”, chị C bức xúc.
Vậy những bất cập trong hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn giữa TP Hồ Chí Minh và Công ty CWS thực chất là gì? Tại sao chỉ một cái hợp đồng nhưng hệ lụy mà nó mang lại đến hiện tại vẫn chưa thể giải quyết? Những bất ổn về bãi rác Đa Phước sẽ tiếp tục được Tieudung.vn thông tin đến bạn đọc trong những bài phóng sự tới.
Đón đọc: Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 6: Nhiều điểm bất hợp lý trong việc ký kết hợp đồng xử lý rác