Chọn VWS, TP lãng phí nhiều triệu USD
Từ khi còn nằm trên giấy, giá xử lý rác tại bãi rác Đa Phước đã là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Cụ thể, theo văn bản của UBND TP Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng vào năm 2005, hồ sơ dự án Đa Phước trình đơn giá 16,4 USD/tấn (gần 260.000 đồng/tấn theo tỷ giá USD thời điểm đó). Đơn giá này được tính toán bằng cách lấy tổng mức đầu tư 426.513.385 USD chia cho 24 triệu tấn rác ra con số 17,77 USD.
Tổng chi phí này trừ đi chi phí thu được từ việc tái chế và bán phế liệu 19.380.000 USD, đồng thời trừ đi 13.533.385 USD là tiền mà 9 triệu USD TP ứng trước giúp tiết kiệm cho nhà đầu tư.
Ngân sách TP Hồ Chí Minh chi trả cho Công ty VWS về việc xử lý rác (từ năm 2007 – 2016) – Nguồn: ZING |
Do đó tổng chi phí còn lại là 393.600.000 USD cho 24 triệu tấn rác xử lý trong 22 năm nên đơn giá 1 tấn là 16,4 USD. Mức giá này sẽ tăng mỗi năm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, nhưng không quá 3%. Tính đến thời điểm năm 2016, TP phải trả hơn 21 USD cho mỗi tấn rác.
“Theo UBND TP Hồ Chí Minh, đây là cách tính có thể chấp nhận được”, văn bản này nêu rõ.
Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra toàn diện Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải (MBS) thuộc Sở Tài nguyên và môi trường đầu năm 2016, Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Cùng công nghệ chôn lấp nhưng giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty VWS ở Đa Phước cao hơn Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị là 67.384 đồng/tấn (khoảng 3 USD)”.
Tại thời điểm thanh tra, giá xử lý rác ở Đa Phước là 20,166 USD/tấn, trong khi đó, giá của Công ty Môi trường Đô thị là 360.000 đồng (chưa đến 17 USD). Nếu nhân với tổng khối lượng tiếp nhận ở bãi rác Đa Phước đến 31/12/2015 là 9,12 triệu tấn thì số tiền ngân sách phải trả cho VWS cao hơn nếu hợp đồng tại công ty Môi trường Đô thị khoảng 27 triệu USD.
Cũng theo Thanh tra TP Hồ Chí Minh, với đơn giá này, chỉ tính riêng việc chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp (đã được UBND TP quyết định đóng cửa) về Đa Phước từ đầu năm 2015, mỗi năm ngân sách TP phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia về môi trường nhận định, cùng hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng Đa Phước có cơ sở xây dựng giá và điều chỉnh tăng giá không giống với những đơn vị khác. Cơ sở xác định giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi ký hợp đồng với VWS căn cứ vào "tổng chi phí đầu tư thực tế" của công ty này nhưng cho đến nay "không thể biết được chi phí đầu tư của VWS" thực chất là bao nhiêu.
Tính đến năm 2016, TP Hồ Chí Minh thanh toán cho VWS cao hơn khoảng 3 USD/tấn so với doanh nghiệp khác, điều này đồng nghĩa là TP phải trả nhiều hơn cho VWS khoảng 3 triệu USD/năm.
Chính việc dồn rác cho bãi rác Đa Phước với giá thành phải trả cao ngất ngưởng TP đã gây lãng phí ngân sách cả nghìn tỷ đồng.
Chôn rác, “hốt tiền”!
Là chủ đầu tư bãi rác Đa Phước, Công ty VWS đối diện với nhiều tai tiếng liên quan đến việc ô nhiễm môi trường tại Khu Nam TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trái ngược với những tai tiếng về khâu vận hành, bãi rác Đa Phước vẫn mang về cho VWS hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm. Trong ba năm từ 2014 – 2016, doanh thu của VWS tăng từ 491 lên 822 tỷ đồng với lợi nhuận tăng hơn gấp đôi lên 281 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận từ rác của VWS tăng gần gấp đôi sau 3 năm với tổng tài sản đến cuối năm 2016 gần 2.500 tỷ đồng. |
Tính từ năm 2006 đến năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, kết quả kinh doanh của Công ty VWS có tổng doanh thu là 5.334 tỷ đồng.
Trong đó, tổng chi phí là 4.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.097 tỷ đồng. Nếu trừ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp 61 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vẫn còn hơn 1.000 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán.
Như vậy nếu chỉ tính trong vòng 11 năm đi vào hoạt động (từ 2006 đến tháng 9/2017), trung bình mỗi năm VWS lãi gần 100 tỷ đồng.
Tỉ suất lợi nhuận trên tổng chi phí vận hành là 25,8% cũng được xác định là cao hơn rất nhiều so với tỉ suất lợi nhuận 3% được Công ty California Waste Soluttins, Inc (CWS) - công ty mẹ VWS căn cứ xây dựng đơn giá.
Hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, nguồn thu chính của VWS đến từ việc xử lý rác cho TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, với nguồn chi trả chủ yếu là ngân sách của các TP.
Doanh thu của đơn vị này sẽ phụ thuộc vào lượng rác thải tiếp nhận và đơn giá xử lý tính trên mỗi tấn rác. Là đơn vị quản lý khu chôn lấp rác lớn nhất TP, VWS cũng có ưu thế đáng kể trong việc đàm phán đơn giá xử lý. Mỗi ngày, bãi rác Đa Phước do VWS quản lý tiếp nhận khoảng 5.800 tấn rác, chiếm 66% tổng lượng rác tại TP Hồ Chí Minh.
Mặc dù giới thiệu là công ty nước ngoài với các công nghệ xử lý rác tiên tiến, nhưng phần lớn lượng rác tại Đa Phước được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Đây là hình thức "thô sơ" nhất trong các biện pháp xử lý và cũng là cách thức có chi phí thấp nhất. Điều này cũng lý giải tại sao biên lợi nhuận trước thuế trên doanh thu của VWS đạt tới 34% trong năm 2016, con số đáng mơ ước của không ít công ty xử lý rác thải.
Với quy mô dự án được mở rộng và lượng rác tiếp nhận ngày càng tăng, không khó giải thích tốc độ tăng trưởng chóng mặt của VWS trong những năm gần đây, bất chấp những tai tiếng về hoạt động.
Điều khó hiểu và phản khoa học nhất là việc chọn công nghệ chôn lấp rác lạc hậu vào đúng vùng trũng của TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiêu kênh rạch dẫn lưu khắp thành phố và ra sông Sài Gòn, Đồng Nai là nguồn cung cấp nước sạch cho TP, tất nhiên điều này sẽ kéo theo là vấn nạn ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh, kinh doanh và nhiều hệ luỵ khác nữa…
Tại sao Công ty VWS hoàn toàn không cần phải chế biến tấn phân compost nào? Trái lại, còn thong dong mang rác đi chôn lấp và nhận tiền? Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm chồng chất sai phạm tại dự án rác Đa Phước. Tieudung.vn sẽ tiếp tục đưa đến bạn đọc thêm những thông tin chi tiết hơn về bất ổn ở bãi rác Đa Phước trong bài viết tới.
Đón đọc: Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 5: Hàng loạt sai phạm chưa được xử lý tận gốc?
Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 3: Cái giá 'đắng chát' phía sau 9 triệu USD tiền ứng trước cho VWS là gì?
(Tieudung.vn) - Số tiền 9 triệu USD được UBND TP Hồ Chí Minh ứng trước cho chủ đầu tư Khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước (bãi rác Đa Phước) ngay từ khi triển khai đã đứng trước nhiều câu hỏi về mục đích thật sự của nó và cái giá đáng sợ hơn phía sau số tiền trên còn là gì? |
Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 2: Hai lần Bộ KH&ĐT cảnh báo, TPHCM vẫn quyết chọn nhà đầu tư kém năng lực?
(Tieudung.vn) - Bất chấp việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chỉ rõ năng lực tài chính yếu kém của Công ty VWS, cùng với chi phí xử lý rác quá cao so với các dự án tương tự đã cấp phép, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn lựa chọn VWS là nhà đầu tư bãi rác Đa Phước, chính động thái khó hiểu này đã để lại nhiều hoài nghi trong dư luận! |
Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 1: Dai dẳng mùi hôi thối, 'mổ xẻ' công nghệ xử lý rác hiện đại
(Tieudung.vn) - Mùa mưa chỉ mới bắt đầu, người dân sống ở Khu Nam TP Hồ Chí Minh đã liên tục bị tra tấn khủng khiếp bởi mùi hôi thúi từ bãi rác Đa Phước. Sự việc này diễn ra hàng chục năm nay và chưa biết đến khi nào mới có hồi kết. |