Nhập nhằng tiền ứng trước, tiền trả trước!
Để thực hiện dự án bãi rác Đa Phước, Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam (Công ty VWS) được UBND TP ứng trước 9 triệu USD, chủ đầu tư đề nghị TP chia làm 3 đợt trong đó, đợt 1: ngày 10/6/2006 là 40% tương đương với số tiền 3,6 triệu USD; đợt 2: ngày 10/8/2006 là 30% tương đương với 2,7 triệu USD; đợt 3: ngày 10/11/2006 là 30% tương đương với 2,7 triệu USD.
Trong báo cáo số 4122/UBND-DA về việc nghiên cứu tính khả thi của dự án bãi rác Đa Phước do UBND TP Hồ Chí Minh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 12/7/2015 nêu rõ, TP đồng ý ứng trước phí xử lý rác 9 triệu USD để chủ đầu tư xây cầu, các công trình hạ tầng của dự án. Số tiền này được giải ngân theo một lịch trình và theo những điều kiện do hai bên thoả thuận và cam kết.
![]() |
Tại báo cáo số 4122/UBND-DA, TP Hồ Chí Minh đồng ý ứng trước 9.000.000 USD cho VWS. |
Tuy nhiên trong hợp đồng được ký kết giữa Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh và Công ty VWS, vào ngày 28/2/2006 khoản tiền 9 triệu USD nói trên lại được gọi là khoản tiền "trả trước" thay vì “ứng trước” đúng như trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trước đó.
Theo nhiều chuyên gia tài chính nhận định, việc dùng không khớp từ ngữ này là không phù hợp với luật Kế toán và trái với luật Ngân sách. Khoản tiền trả trước và ứng trước 9 triệu USD là hai khái niệm khác nhau.
Bởi lẽ, ứng trước thì phải trả lại, còn trả trước được xem là khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng dự án (không phải trả lại). Như vậy, có thể kết luận rằng “trả trước” và “ứng trước” khác nhau hoàn toàn về nghĩa.
Khoản tiền 9 triệu USD này ngay từ ban đầu đã được đặt dấu hỏi về tính mục đích, tại sao trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án nói một đằng, nhưng đến khi ký kết hợp đồng lại làm một nẻo? Đây là sự sai xót vô tình hay còn ý đồ gì khác (?!)
Chủ đầu tư vòng vo
Liên quan đến việc sử dụng nguồn tiền 9 triệu USD nói trên, Công ty VWS đã thông tin một cách không nhất quán, trong mỗi lần giải trình lại đưa ra một cách giải thích khác nhau và mục đích sử dụng khác nhau.
|
Ngày 22/3/2005, trong văn bản giải trình gửi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, VWS cho rằng việc chủ đầu tư đề nghị TP ứng trước chi phí xử lý rác 9 triệu USD trong 6 tháng đầu và đã có đề nghị UBND TP và Sở Tài nguyên và Môi trường chấp nhận.
Số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư cho toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của khu xử lý rác Đa Phước như san lấp nền, xây dựng nhà xưởng, văn phòng, đường nội bộ, vành đai đê bao… Số tiền ứng trước này là điều kiện tiên quyết để chủ đầu tư có thể nhận được sự chấp thuận của ngân hàng Eastwest (Mỹ) dành khoản vốn tín dụng cho toàn bộ đầu tư cần thiết cho dự án.
Đồng thời VWS nhấn mạnh số tiền ứng trước này hoàn toàn không có rủi ro gì đối với TP Hồ Chí Minh vì giai đoạn 1 cần chi phí lên đến 30 triệu USD. Như vậy ngoài 9 triệu USD tạm ứng chủ đầu tư phải chi thêm 21 triệu USD để mua máy móc thiết bị kỹ thuật.
Đây là số tiền cao hơn rất nhiều so với khoản tạm ứng nên giả định có rủi ro thì thiệt hại cho phía chủ đầu tư sẽ rất lớn và dù có rủi ro thì TP Hồ Chí Minh cũng phải cần có bãi chôn lấp hợp vệ sinh, giải trình của VWS nêu.
Trong cuộc họp ngày 9/5/2005 tại Sở KH&ĐT bàn về việc triển khai dự án tiếp tục có ý kiến thắc mắc nên ngày 16/5/2005, VWS làm văn bản tiếp tục giải trình về cơ sở tính toán giá xử lý rác và số tiền 9 triệu USD TP ứng trước.
Theo đó, VWS cho rằng tổng vốn dự kiến đầu tư cho giai đoạn I là 32 triệu USD. Ngoài việc chứng minh cho ngân hàng tài trợ thấy sự quyết tâm thực hiện dự án, bản thân số tiền 9 triệu USD cũng đóng góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bền vững, phục vụ tốt cho các hoạt động của khu xử lý rác.
Số tiền ứng trước này được nhà đầu tư tính trả lại cho TP Hồ Chí Minh thông qua việc giảm giá thành xử lý rác từ 17,7 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/tấn.
Ở lần giải trình thứ ba về tiến độ thi công của công trình và tổng chi phí đầu tư của dự án trong giai đoạn I, nhà đầu tư VWS lại đưa ra lời giải thích khác về mục đích sử dụng khoản tiền ứng trước này.
Cụ thể VWS cho rằng do thời gian cấp bách nên nguồn tài chính quốc tế chưa được huy động kịp thời. Đồng thời, do sự cần thiết xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước rò rỉ, việc xây dựng cầu trong giai đoạn đầu nên chúng tôi cần sự ứng trước của TP về chi phí xử lý chất thải rắn trong 6 tháng đầu, tương đương 9 triệu USD.
Dù mục đích thực sự của việc ứng trước 9 triệu USD vẫn chưa được giải thích rõ ràng và nhất quán nhưng báo cáo kiểm toán đã khẳng định khoản chi này là sai quy định. Cụ thể, năm 2009 Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc TP Hồ Chí Minh sử dụng 9 triệu USD từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tạm ứng cho VWS đầu tư xây dựng dự án bãi xử lý chất thải Đa Phước là sai quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
Theo Kiểm toán Nhà nước, VWS là công ty 100% vốn nước ngoài, phải có vốn đầu tư, sử dụng kinh phí ngân sách là không đúng.
![]() |
Sau hơn chục năm hoạt động, bãi rác Đa Phước ngày càng phình to, trở thành một “núi” rác khổng lồ, trùm kín bạc đen - Ảnh: TTXVN |
Sau 9 triệu USD là cái giá đầy “chua chát”
Dư luận cho rằng, sau 9 triệu USD mà UBND TP Hồ Chí Minh ứng cho Công ty VWS đã có một cái giá rất khác phía sau đó. Đó là sự “trả giá” khi Ngân sách Nhà nước bị thất thoát, còn người dân suốt hàng chục năm qua vẫn đang “gồng mình” chịu đựng mùi hôi thối do bãi rác Đa Phước gây ra.
Được biết, năm 2007 giá xử lý mỗi tấn rác thải chỉ khoảng 5 USD, nhưng riêng bãi rác Đa Phước lại được TP Hồ Chí Minh nâng giá lên đến 16,4 USD/tấn. Rốt cuộc thì sao?, “công nghệ xử lý rác từ Mỹ” của Công ty VWS chẳng những không phát huy được hiệu quả mà còn khiến việc ô nhiễm cho thành phố này ngày càng trầm trọng hơn.
Ý nghĩa và hành động của ba chữ “xử lý rác” khác hoàn toàn với hai chữ “chôn rác”. Vậy mà, ngay từ lúc bắt đầu, bãi rác Đa Phước của VWS hầu như chỉ làm một công việc là “chôn rác” trên đất của TP cấp. Sự khác biệt duy nhất giữa bãi rác này so với những bãi rác khác ở TP Hồ Chí Minh và trong cả nước có chăng chỉ là khoản chi trả cho việc VWS chôn rác giá cao hơn nhiều lần so với những nơi chôn rác khác mà thôi (!)
Ngoài ra việc dồn rác về Đa Phước (nâng khối lượng từ 3.000 lên 5.000 tấn rác/ngày) được thực hiện theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín trước đây, đã đẩy gần 300 lao động vào cảnh mất việc, lãng phí gần 1.000 tỷ đồng. Theo đó, tháng 2/2014, ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP chuẩn bị kỹ đề án chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố về bãi rác Đa Phước, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp.
Ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, bãi rác Đa Phước đã nhiều lần bị dư luận lên tiếng phê phán, chỉ trích, thậm chí tố cáo. Song sau tất cả, ngân sách nhà nước vẫn bị thất thoát, ô nhiễm vẫn đổ lên đầu dân, nhưng lợi nhuận Công ty VWS vẫn “bỏ túi” đều đặn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, kết quả kinh doanh của VWS từ năm 2006-2016 và 9 tháng đầu năm 2017 với tổng doanh thu 5.334 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.097 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 61 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí tổng vận hành là 25,8% - cao hơn nhiều so với tỷ suất lợi nhuận đề xuất là 3% chi phí vận hành do VWS đưa ra trước đây.
Cũng chỉ là hoạt động chôn rác, hình thức "thô sơ" nhất trong các biện pháp xử lý và cũng là cách thức có chi phí thấp nhất. Vậy từ đâu Công ty VWS có được nguồn thu khổng lồ như thế? Tieudung.vn sẽ tiếp tục đưa đến bạn đọc những thông tin cụ thể hơn về nguồn thu của VWS trong những bài viết về bất ổn ở bãi rác Đa Phước sắp tới.
Đón đọc: Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 4: Chỉ chôn lấp, Công ty VWS “đút túi” gần 100 tỷ/năm.
Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 1: Dai dẳng mùi hôi thối, 'mổ xẻ' công nghệ xử lý rác hiện đại
(Tieudung.vn) - Mùa mưa chỉ mới bắt đầu, người dân sống ở Khu Nam TP Hồ Chí Minh đã liên tục bị tra tấn khủng khiếp bởi mùi hôi thúi từ bãi rác Đa Phước. Sự việc này diễn ra hàng chục năm nay và chưa biết đến khi nào mới có hồi kết. |