Gây ô nhiễm với dân, làm khó chính quyền
Bãi rác Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) do VWS xây dựng đi vào hoạt động từ năm 2007, với công suất tiếp nhận và “xử lý” 5.000 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động VWS không đầu tư công nghệ Mỹ để xử lý rác thải giống như cam kết ban đầu, mà chủ yếu xử lý “thủ công”, chôn lấp rác thải là chính.
Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ở bãi rác Đa Phước - ảnh Zing.vn |
Sau một thời gian, việc chôn lấp rác quá nhiều đã gây tác động xấu cho môi trường xung quanh, khiến cuộc sống hàng nghìn người dân tại xã Đa Phước bị đảo lộn, nguy hại đến sức khỏe. Không những thế, mùi hôi thối của rác thải tiếp tục lan tỏa đến nhiều khu vực cách hơn chục km, như: Khu Phú Mỹ Hưng (quận 7), huyện Nhà Bè…
Sự việc được phản ánh đến chính quyền thành phố, sau một thời gian thanh tra, cơ quan chức năng đã kết luận: bãi rác Đa Phước là “thủ phạm” gây ra mùi hôi thối cho khu vực Phú Mỹ Hưng. Vì thế, thành phố buộc VWS phải điều chỉnh quy trình vận hành kỹ thuật, thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung được phê duyệt, đánh giá tác động môi trường (liên quan đến công tác xử lý/lưu chứa nước rỉ rác, xử lý mùi) để đảm bảo chất lượng môi trường và quy định của pháp luật. VWS phải thực hiện nghiêm 8 nhóm biện pháp khắc phục mà thành phố đề ra về tiếp nhận chất thải, cô lập diện tích mở bãi, các biện pháp che phủ, giảm thời gian tiếp nhận, nhập thêm trang thiết bị, xây dựng kế hoạc tiếp nhận rác…
Phản ứng lại yêu cầu, ngày 5/10, Phó Tổng Giám đốc VWS - Huỳnh Thị Lan Phương đã có văn bản gửi thành phố. Theo đó, Công ty này đề nghị tạm ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với lý do “để đảm bảo an toàn cho quy trình vận hành”. VWS còn “tư vấn” thành phố chuyển rác thải qua xử lý ở Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp của thành phố tại huyện Củ Chi – Nơi được đầu tư cả nghìn tỷ đồng, rồi bỏ hoang từ năm 2014, cùng với khoảng 300 lao động mất việc làm.
VWS đã "làm khó" thành phố khi thừa hiểu, chỉ 5 ngày (kề từ ngày mình ban hành văn bản gửi TP.HCM về việc đề nghị trả lại 2.000 tấn rác/ngày đến thời đểm VWS chính thức không nhận rác vào ngày 10/10) thì TP.HCM sẽ không thể trở tay kịp với số rác này! Bởi, để bãi rác Phước Hiệp đi vào hoạt động thì TP. Hồ Chí Minh phải mất một thời gian cho đầu tư lại công nghệ, máy móc, phương tiện kỹ thuật,,,và 300 lao động đã vì mình mà thất nghiệp từ năm 2014 để xử lý được 2.000 tấn rác/ngày.
“Vua rác” David Dương “săn tiền” của thành phố thế nào?
Không biết bằng cách nào mà David Dương có thể dùng chiêu “tay không bắt giặc”, lập đề án xây dựng VWS mà chẳng tốn nhiều tiền. Ông Việt Kiều Mỹ này có “tài” đến mức khiến TP. Hồ Chí Minh phải bỏ tiền chi cho việc đền bù, giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng khu xử lý rác. David Dương còn vay được một khoản tiền lớn (9 triệu USD), số tiền này được xem là “tạm ứng” trước, để giúp VWS đi vào hoạt động.
Công nghệ xử lý rác "kiểu Mỹ" ở Đa Phước là chôn lấp như thế này đây! |
Ngay khi vận hành, VWS đã không thực hiện đúng cam kết ban đầu. Cụ thể, VWS không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3.000 tấn/ngày như quy định của Giấy phép đầu tư số 2535/GP ngày 28/12/2005.
Thay vào đó, VWS dùng “chiêu” vận hành một bãi chôn lấp rác với công suất 2.500-3.000 tấn/ngày, không hề có công nghệ xử lý rác theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ như những lời cam kết trước đó.
Điều khiến dư luận bất ngờ là, ngày 13/1/2014 UBND TP. Hồ Chí Minh đã “hợp thức hóa” những sai phạm trong xử lý rác của VWS bằng việc điều chỉnh Giấy phép đầu tư số 2535/GCNĐC1/41/1 cho đúng với thực tế chôn lấp rác của VWS. Và hệ quả là mùi hôi thối của bãi rác Đa Phước, khiến người dân xã ở xã này tự nhận là dân của “xã vô phước”!
Sai phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng, tàn phá môi trường sống của người dân nhưng VWS vẫn vô cảm, không tự khắc phục.Trước sự việc này, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã nhập cuộc và “bóc gỡ” nhiều khuất tất liên quan.
Theo kết luận của thanh tra TP. Hồ Chí Minh, xét về công nghệ chôn lấp rác thì bãi rác Đa Phước (của VWS) và bãi rác Phước Hiệp (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị) đều tương đương nhau. Nhưng đơn giá xử lý rác mà thành phố phải trả cho VWS khi đưa rác về Đa Phước năm 2014 là 20,166USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá 17,14USD/tấn khi xử lý rác tại bãi rác Phước Hiệp.
Văn Thân
Khai tử bãi rác Phước Hiệp để dồn rác cho Đa Phước, TP. Hồ Chí Minh mất oan hơn 3 triệu USD mỗi năm! Bãi chôn lấp số 3 - Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TPHCM), do Cty TNHH MTV Môi trường đô thị làm chủ đầu tư. Bãi rác này có công suất tiếp nhận khoảng 2.000 tấn/ngày, số vốn đầu tư trên 970 tỉ đồng. Việc hoạt động chôn lấp rác ở Phước Hiệp đang suôn sẻ, thì bất ngờ, ngày 24/2/2014, ông Nguyễn Hữu Tín (khi ấy đang là PCT UBND TP.HCM) đã chỉ đạo chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt xử lý từ khu Phước Hiệp về Đa Phước. Tiếp đó, ngày 17/10/2014, ông Tín ký ban hành tiếp văn bản số 5363/UBND-ĐTMT, gửi Thường trực Thành ủy. Tại văn bản này, viện lý do bãi chôn lấp số 3 có “công nghệ chôn lấp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”, nên phải có kế hoạch “đóng cửa bãi chôn lấp số 3 và chuyển lượng rác phát sinh (2.000 tấn/ngày - PV) về xử lý tại bãi rác Đa Phước”… Điều đáng nói là quyết định của ông Nguyễn Hữu Tín đã vấp phải sự phản đối của Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Mạnh Hà (nay là Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính Phủ). Ông Hà cho rằng: VWS không xây nhà máy xử lý mà chỉ chôn lấp rác nhưng vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác cao hơn 3 USD/tấn so với các doanh nghiệp khác cũng thực hiện chôn lấp. Như vậy, việc xử lý rác ở VWS thì TP. Hồ Chí Minh thiệt hại khoảng 3 triệu USD/năm. Việc tăng công suất cho bãi rác Đa Phước của VWS cũng dẫn đến việc “chi phối” thị trường, để áp đặt giá, vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh. Như vậy, việc ông Nguyễn Hữu Tín “ưu ái”, dồn rác về cho Đa Phước xử lý để thành phố phải tăng chi thêm hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ tiền đóng thuế của dân cho VWS là cần phải xem xét trách nhiệm. Hà Nam |