Ngày 11/8, UBND TP HCM có văn bản thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Thành uỷ về kế hoạch xử lý chất thải rắn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, UBND TP giao Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) và các sở ngành liên quan làm việc với Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS) về hoạt động của Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước.
Các nội dung bao gồm: “Xem xét lại giá xử lý chất thải rắn 16,4 USD/tấn đã bao hàm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ (thực tế hiện nay, chỉ chôn lấp)”. Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu Sở TN&MT đàm phán về giá phù hợp với tình hình thực tế khi giao rác thêm 2.000 tấn/ngày...
Thực tế, giá xử lý rác tại Đa Phước là chủ đề gây nhiều tranh cãi ngay từ khi dự án này còn nằm trên giấy.
Công nhân đang xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của VWS. Ảnh: Tiến Tuấn. |
TP HCM và VWS: Giá 16,4 USD/tấn
Theo văn bản của UBND TP HCM gửi Thủ tướng vào năm 2005, hồ sơ dự án Đa Phước trình đơn giá 16,4 USD/tấn (gần 260.000 đồng/tấn theo tỷ giá USD thời điểm đó).
Đơn giá này được tính toán bằng cách lấy tổng mức đầu tư 426.513.385 USD chia cho 24 triệu tấn rác ra con số 17,77 USD.
Tổng chi phí này trừ đi chi phí thu được từ việc tái chế và bán phế liệu 19.380.000 USD, đồng thời trừ đi 13.533.385 là tiền mà 9 triệu USD TP HCM ứng trước giúp tiết kiệm cho nhà đầu tư.
Do đó tổng chi phí còn lại là 393.600.000 USD cho 24 triệu tấn rác xử lý trong 22 năm nên đơn giá 1 tấn là 16,4 USD.
Mức giá này sẽ tăng mỗi năm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, nhưng không quá 3%. Tính đến thời điểm năm 2016, TP HCM phải trả hơn 21 USD cho mỗi tấn rác.
“Theo UBND TP, đây là cách tính có thể chấp nhận được”, văn bản này nêu rõ.
Sở Tài chính TP HCM: 10,025 USD/tấn
Tại văn bản góp ý về dự án Đa Phước năm 2005 gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính TP HCM đã tính toán lại chi phí xử lý rác (bao gồm cả chi phí đóng bãi) là 10,025 USD/tấn. Đơn giá này, theo Sở Tài chính, được xây dựng trên cơ sở quy trình, định mức áp dụng cho các bãi chôn lấp do chủ đầu tư Việt Nam thực hiện.
Sở Tài chính cũng cho rằng “việc lấy tổng mức đầu tư của dự án làm cơ sở tính chi phí xử lý/tấn rác là hoàn toàn mang tính chủ quan của nhà đầu tư”. Sở cũng đề nghị thành viên tổ tư vấn có liên quan (Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng...) có ý kiến thẩm định về chi phí đầu tư xây dựng của dự án.
Đồ họa: Nguyên Anh. |
Bên cạnh đó Sở Tài chính cũng lưu ý thêm: “Theo giải trình của chủ đầu tư, số tiền 9 triệu USD là khoản trả trước của ngân sách TP được trừ dần vào khối lượng rác được xử lý trong dự án dưới hình thức giảm chi phí xử lý/1 tấn rác. Theo Sở Tài chính TP, điều này không chấp nhận được”.
Tại thời điểm đó, TP HCM có ba khu vực xử lý rác chôn lấp hợp vệ sinh như Đa Phước, nhưng vẫn đang áp dụng đơn giá theo bộ định mức mà Bộ Xây dựng ban hành. Đơn giá xử lý rác tại bãi chôn lấp Gò Cát năm 2003 được tính theo định mức của Bộ Xây Dựng là 8,33 USD/tấn. Nếu tính thêm chi phí đóng bãi là 9,33 USD/tấn.
Bộ Kế hoạch & đầu tư: phí xử lý rác quá cao
Ngày 12/7/2005, Bộ Kế hoạch đầu tư đã có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại TP HCM.
|
Trong đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định rằng: “Phí xử lý rác dự kiến là quá cao so với dự án 100% vốn nước ngoài của Tập đoàn Lemna (Mỹ) mới được cấp phép tháng 5/2005. (Dự kiến 60% rác sẽ được chế biến thành phân hữu cơ, 20% thành nhựa nguyên liệu, phần còn lại sẽ chôn lấp hợp vệ sinh, xuất khẩu 50% sản phẩm của nhà máy). Phí xử lý rác chỉ có 5 USD/tấn”.Tiếp đó, ngày 24/10/2005, Bộ Kế hoạch đầu tư tiếp tục cáo báo cáo bổ sung về Dự án Đa Phước. Trong báo cáo này, Bộ cũng trình bày tóm tắt giải trình của CWS (California Waste Solutions, công ty đầu tư 100% vốn vào VWS) về sự chênh lệch quá lớn giữa đơn giá xử lý rác của CWS với Tập đoàn Lemna.
Theo đó, CWS cho rằng, “Lemna đầu tư nhỏ hơn và chỉ đầu tư vào một hạng mục là xử lý phân bón. Hơn nữa, Lemna được giao đất nơi không cần xây dựng đê bao và không chốn lấp tại chỗ nên không cần chi phí đầu tư cho việc gia cố nền móng công trình”.
UBND TP HCM cũng có văn bản giải thích: khi đưa ra mức phí, Lemna không phân tích cụ thể các chi phí khác để dẫn đến đơn giá 5 USD/tấn. Trên cơ sở xem xét các hạng mục cần đầu tư, thời gian hoạt động... thì sự chênh lệch về phí xử lý rác của Dự án Đa Phước và Dự án rác Lemna là có cơ sở và phù hợp.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch đầu tư, giải trình của nhà đầu tư CWS là “không xác đáng”. Bộ Kế hoạch đầu tư cũng nhận định năng lực tài chính đối với dự án của nhà đầu tư còn yếu, trong khi chi phí xử lý rác quá cao so với dự án tương tự đã cấp phép.
Từ đó Bộ cho rằng, dù đã xét các điều kiện TP HCM giải trình và cam kết về giá xử lý rác, vốn ứng trước, thì hiệu quả của dự án vẫn hạn chế so với các dự án đã có và các phương án có thể lựa chọn.
Vị trí bãi rác Đa Phước và khu vực lân cận. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
'Thỏa thuận giá xử lý rác tại Đa Phước vi phạm pháp luật'
Tại văn bản gửi Thường trực Thành uỷ ngày 4/2/2015, ông Lê Mạnh Hà, khi đó là Phó chủ tịch UBND TP HCM, khẳng định: Việc “TP thoả thuận giá với công ty là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, TP ấn định giá với tất cả các dịch vụ, sản phẩm công ích, trong đó có xử lý rác, trừ xử lý rác của Đa Phước. Việc khu Đa Phước được thoả thuận giá là sai quy định và bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp khác”.
Văn bản của Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng nêu rõ: giá khởi điểm 16,4 USD/tấn là quá cao so với công ty trong nước và giá tái chế compost.
“Do thực hiện không đúng quy định nên giá xử lý rác của Đa Phước là rất cao, gây thiệt hại cho nhà nước. Với cách tính lấy tổng chi phí chia cho số lượng rác xử lý làm đơn giá xử lý đã làm cho giá rác rất cao, không chính xác và phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin do chủ đầu tư cung cấp. Trường hợp chủ đầu tư khai quá cao cũng không thể xác định được. Đây cũng chính là trường hợp của Đa Phước”, ông Hà viết
Trước đó, Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà ký văn bản của UBND TP HCM trả lời về điều chỉnh giấy phép đầu tư cho VWS. Văn bản này cho rằng: Mặc dù Công ty VWS không thực hiện xây nhà máy xử lý mà chỉ chôn lấp rác nhưng vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác cao hơn giá thanh toán cho các doanh nghiệp khác cũng thực hiện chôn lấp.
Văn bản này khẳng định: “Thời điểm hiện nay (tháng 1/2015 – PV), Thành phố thanh toán cho Công ty VWS cao hơn khoảng 3 USD/tấn so với doanh nghiệp khác cũng thực hiện việc chôn lấp. Từ dó, TP phải trả nhiều hơn cho Công ty VWS khoảng 3 triệu USD/năm.
Ngày 3/9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đồng thời có phương án giải quyết tình trạng này.
Trước đó, liên tục từ ngày 23/8, Zing.vn đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng người dân phía nam TP HCM phải chịu đựng mùi hôi thối. Người dân "tố" mùi hôi này phát xuất từ Khu Xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM. Trên Zing.vn, các chuyên gia môi trường cũng đặt vấn đề quy hoạch bãi rác ở đầu hướng gió làm mùi hôi lan rộng.
|