Tuy nhiên, đã 8 năm nay, nhà máy lâm cảnh hoạt động cầm chừng, sản phẩm chưa được bán ra thị trường. Để tồn tại, chủ đầu tư đang phải 'cầu viện' khắp nơi.
Rác còn, tiền hết!
Khuôn viên nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát (Hải Phòng) một ngày giữa tháng 8 nhuốm vẻ đìu hiu, chỉ một vài công nhân đang quét dọn, không có bóng dáng của hoạt động sản xuất. Một nhân viên làm việc ở đây cho biết, nhà máy vừa được bảo trì, làm lại cảnh quan nên trông khá sạch đẹp.
Đằng sau vẻ ngoài đó, nhà máy này đang đối mặt một thực trạng buồn sau 8 năm vận hành.
Tổng mức đầu của nhà máy này là hơn 400 tỷ đồng, trong đó 16,2 triệu USD vốn vay ODA Hàn Quốc (khoảng 356 tỷ đồng tính theo giá USD hiện tại) và 55,8 tỷ đồng vốn đối ứng của ngân sách. Nhà máy được xây dựng trên diện tích rộng 20ha với mục tiêu “biến” rác thải thành phân bón hữu cơ với công suất xử lý 200 tấn rác 1 ngày.
Đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho nhà máy “biến rác thành phân” bằng tiền đi vay, nhưng hiện nay, rác thải của thành phố Hải Phòng chủ yếu vẫn được Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hải Phòng xử lý theo công nghệ chôn lấp với chi phí là 38.000 đồng/m3.
Ông Lê Ngọc Biên, Giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hải Phòng – đơn vị vận hành nhà máy thừa nhận nhà máy trong tình trạng “sản xuất rất cầm chừng”.
Ông Biên cho biết: Lý do là kinh phí cho việc xử lý rác thành phố chỉ giải quyết chôn lấp. Trong khi sản xuất phân vi sinh rất đắt, gấp 4-5 lần chôn lấp. Kinh phí không có, rác thải của mình, chất thải vô cơ lớn, hữu cơ hạn chế nên đầu vào cho nhà máy vận hành không đảm bảo.
Còn ông Phạm Ngọc Quảng, Ban quản lý Dự án quản lý và xử lý chất thải rắn cho biết: Công nghệ xử lý rác thải này rất tiên tiến, đảm bảo phát triển môi trường bền vững. Tuy nhiên chi phí xử lý theo công nghệ này cao gấp nhiều lần so với chi phí xử lý bằng công nghệ chôn lấp nên công ty rất hạn chế vận hành do không có kinh phí.
“Hơn nữa việc sản xuất phân mùn vi sinh gặp rất nhiều khó khăn do rác thải chưa được phân loại tại nguồn; sức cạnh tranh của phân mùn vi sinh sản xuất ra rất khó khăn trong vấn đề tiêu thụ vì trên thị trường có nhiều loại phân chất lượng cao, giá thành rẻ”, ông Quảng cho hay.
Chưa có lối thoát?
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ lúc đi vào vận hành đến giờ, nhà máy này chưa bao giờ hoạt động hết công suất. Ngay cả giai đoạn đầu mới hoạt động, nhà máy cũng chỉ vận hành 75% công suất, tức khoảng 150 tấn rác/ngày. Còn giờ chỉ “vận hành cho máy móc đỡ han gỉ”. Trong khi đó, mỗi ngày lượng rác của Hải Phòng là khoảng 1.000 tấn/ngày.
Với công nghệ hiện tại, nhà máy này cũng không thể nào chạy hết công suất, do rác đầu vào đều phải phân loại bằng tay, vừa tốn nhiều nhân công vừa không đảm bảo sản phẩm phân vi sinh đạt chuẩn. Hiện sản phẩm của nhà máy này chưa thể ra được thị trường, sản xuất đến đâu chất kho đến đó.
Theo tìm hiểu, sau 8 năm hoạt động, hiện sản phẩm phân hữu cơ của nhà máy này cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đưa sản phẩm ra ngoài. Điều đó có nghĩa, đầu ra cho nhà máy này đang lâm cảnh “tắc nghẽn” chưa biết đến bao giờ.
“Thực ra rác đầu vào ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình xử lý rác tại nhà máy. Ví dụ xử lý rác của cả một khu chợ mà dính một lọ thuốc đánh chuột của người dân vô ý vất vào thùng rác thì hỏng cả mẻ phân xử lý tại nhà máy”, một cán bộ của nhà máy rác Tràng Cát cho biết.
Nói về tương lai của nhà máy, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng cho biết: Trước mắt nhà máy chỉ vận hành với công suất, tần suất hợp lý để bảo trì trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn để đảm bảo rác thải được phân loại trước khi đưa về xử lý.
Cụ thể đẩy mạnh chương trình hợp tác 3 thành phố (Ajaccio – Pháp, Hải Phòng – Việt Nam, Pakse – Lào) bằng nguồn tài trợ của Cộng đồng Châu Âu trong việc thí điểm phân loại rác tại nguồn phục vụ sản xuất phân vi sinh trên địa bàn một số quận, huyện.
Kinh phí là vấn đề “đau đầu” để nhà máy này hoạt động bởi nguồn tiền hoạt động giờ rất ít ỏi. Đại diện Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng đành buộc lòng phải “cầu viện” các cơ quan ban ngành “quan tâm bố trí đủ kinh phí xử lý rác thải thành phân mùn hữu cơ”.
|