Những vấn đề bất hợp lý nêu trên được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phản ánh rất rõ tại buổi hội thảo “Tăng cường kết nối hàng Việt Nam với các kênh phân phối”, do Bộ Công thương cùng Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tổ chức tại TP.HCM vừa qua.
Chiết khấu lên đến 20%...
Hiện nhiều đại gia ngành bán lẻ như Aeon, Lotte, Emart… đang thể hiện rõ tham vọng thâu tóm thị trường Việt Nam thông qua việc chạy đua mở rộng hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, điều này không tỉ lệ thuận với cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
Hàng Việt đang bị làm khó trong các siêu thị ngoại |
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Saigon Food cho biết, mặt hàng thủy sản đông lạnh vào siêu thị ngoại chịu mức chiết khấu rất cao (từ 10 đến 20%) và cứ sau mỗi năm tái ký lại đề nghị tăng thêm 0,5-2%. Trong khi đó, con số này đối với hệ thống siêu thị nội địa đều dưới 10%.
Ngoài ra, việc các hệ thống siêu thị ít chia sẻ thông tin thị trường và thời gian phản hồi chào hàng mới chậm trễ cũng khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp. Bà Lâm ví dụ, nếu như các hệ thống siêu thị nội địa xét duyệt cho đăng ký mã hàng mới gọn lẹ thì các hệ thống nước ngoài có thể ngâm đến 6 tháng. Siêu thị nội cũng thay đổi giá cho các nhà cung cấp nhanh hơn, vào khoảng 30 ngày. Trong khi đó, quy tắc của siêu thị ngoại là phải từ 45 đến 90 ngày. Thực tế thì có khi đến tận 120 ngày.
Không riêng Saigon Food, các DN khác hoạt động trong ngành thực phẩm cũng than phiền gặp không ít rào cản và chèn ép khi đưa hàng vào các hệ thống siêu thị ngoại.
Đồng quan điểm trên, ông Ngô Minh Hải, Phó giám đốc Tập đoàn TH, cũng cho rằng mức chiết khấu từ 12 - 20% của các siêu thị là quá cao. Chưa kể, hằng năm, các siêu thị đều nâng mức chiết khấu lên thêm 0,5 - 2%. Bên cạnh đó, chi phí kê khai sản phẩm mới và chi phí thuê mướn quầy kệ cũng quá cao khiến nhiều DN phải bỏ cuộc khi muốn đưa hàng vào siêu thị.
Còn theo bà Huỳnh Bảo Châu, Giám đốc marketing Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex, các DN phải trả hàng loạt chi phí gồm trưng bày, phí mở mã hàng mới, thuê quầy kệ, quảng cáo hay thưởng doanh số... và các mức phí cũng được tăng tùy tiện theo từng năm. Chẳng hạn, để thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở các điểm bán mới của siêu thị, DN phải hỗ trợ chi phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán từ 15 - 30%. Ngoài ra, DN phải chi thêm những khoản phí không chính thức cho nhân viên siêu thị để hàng được đưa lên quầy kệ, nếu không hàng hóa sẽ bị nhét trong kho. Hoặc DN phải có nhân viên đứng tại siêu thị để phụ những việc khác nếu không thì hàng hóa không được ưu tiên xuất kho đưa lên quầy kệ…
Bà Huỳnh Bảo Châu nhấn mạnh: “Thị trường ngày càng dày đặc hệ thống phân phối ngoại khiến không chỉ riêng Cholimex mà nhiều DN khác cũng có nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại vì nhiều loại phí và mức chiết khấu đòi hỏi quá cao. Việc loại bỏ sản phẩm Việt Nam được thực hiện xem ra rất hợp lý, nhưng thật sự đó là cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, cần phải có sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về việc có hay không ưu đãi cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước và hàng hóa của chính quốc ở các hệ thống phân phối ngoại”.
...Cần thay đổi chính sách
Từ những bức xúc nêu trên, các DN trong nước đều cho rằng các hệ thống siêu thị cần xem lại chính sách của mình.
Theo ông Ngô Minh Hải, siêu thị nên đưa ra mức chiết khấu hợp lý để đảm bảo chính sách giá bán hợp lý, rút ngắn khoảng cách về giá bán cho người dùng giữa kênh siêu thị và kênh truyền thống; đồng thời cần giảm chi phí kê khai sản phẩm mới cũng như cân nhắc để tìm giải pháp cho khoản chi phí thuê mướn theo định hướng hợp tác hai bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét xây dựng cơ chế có kênh phân phối riêng dành cho hàng Việt Nam và tạo ưu thế cạnh tranh cho hàng nội bằng các chương trình cụ thể.
Bà Lê Thị Thanh Lâm nhấn mạnh rằng các siêu thị cần xem xét lại những khoản chi phí bất hợp lý, tăng cường việc giao lưu, chia sẻ thông tin thị trường giữa siêu thị với các nhà cung cấp. Ngoài ra, bản thân các DN cần xây dựng kênh phân phối cho riêng mình, mở rộng kênh phân phối khác để không quá lệ thuộc vào các siêu thị.
"Cơ quan nhà nước cần ra chính sách/quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hàng năm cho các nhà phân phối. Họ không được tăng mức chiết khấu thương mại quá mức quy đinh, thậm chí còn phải giảm mức chiết khấu cho nhà cung cấp để có hàng phục vụ thị trường trong những dịp lễ lớn. Cần phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội, ngành nghề trong việc kết nối giải quyết những khó khăn của DN trước những chính sách phi lý mà nhà phân phối đang thực hiện. Nhà nước cần ban hành chính sách để hỗ trợ DN Việt trên thị trường bán lẻ, có thể quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ, ưu tiên các điểm bán lẻ cho DN trong nước…", bà Huỳnh Bảo Châu kiến nghị.
Tăng cường kết nối hàng Việt vào các kênh phân phối
(Tieudung24h.vn) - 6 nhà phân phối lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ với hơn 40 DN sản xuất hàng Việt. |