Bộ Công Thương vừa tổ chức Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016 tại Pháp, Italia và Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, giai đoạn đến năm 2020. Đã có khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam thuộc đoàn xúc tiến thương mại quốc gia đi Pháp và Italy.
Tại Italy, đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm và làm việc trực tiếp với nhà phân phối Coop và Conad. Đây là hai mạng lưới bán lẻ thực phẩm lớn nhất Italy với các siêu thị và trung tâm thương mại hàng đầu của Italia, thị phần lần lượt là 20% và 12%. Doanh số bán lẻ của 2 Tập đoàn này chiếm khoảng 25 tỷ Euro, chiếm 1/3 thị phần bán lẻ tại thị trường Italia.
Tại Pháp, đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã làm việc trực tiếp với tập đoàn bán lẻ Casino và Auchan. Đây là hai mạng lưới bán lẻ đã và đang phân phối nhiều mặt hàng Việt Nam, gồm cả nhóm hàng thực phẩm và phi thực phẩm.
Cách làm này, theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Công Thương là cách ngắn nhất để hàng hóa Việt tiếp cận người tiêu dùng châu Âu, mà tốn ít chi phí trung gian nhất.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (áo dài hồng) giới thiệu hoa quả Việt Nam tới thực khách châu Âu. |
Theo tiết lộ của ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), các chuỗi siêu thị được chọn để đưa hàng Việt vào lần này đều là những nhà phân phối có tên tuổi, uy tín và mạng lưới mạnh, như Casino (Pháp), Coop (Italy) hay Metro Cash & Carry (Đức)…
Các mặt hàng gồm đặc sản, nông sản nổi tiếng như vải thiều Bắc Giang, dứa, xoài, bia Hà Nội, bia Trúc Bạch, trà, cà phê... cho tới các mặt hàng may mặc, hay bóng đèn, thiết bị điện Điện Quang...
“Hàng hóa Việt Nam đã “đi tắt” được mà không cần phải mày mò và tự làm trong việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, và đặc biệt học được cách quản lý chất lượng sản phẩm theo quy định của châu Âu”, ông Hải nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo ông Valentin Trần - Giám đốc xuất khẩu của Casino, hiện hàng Việt xuất khẩu sang châu Âu vẫn có giá bán cao hơn các mặt hàng cùng chủng loại của nước khác nên tính cạnh tranh chưa cao. Vị này kỳ vọng, tới đây khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU có hiệu lực, thuế suất hàng Việt sang châu Âu sẽ giảm về 0%, qua đó tăng sức cạnh tranh.
Là người trực tiếp kết nối để hàng Việt có trên kệ siêu thị nổi tiếng của châu Âu, bà Nguyễn Quỳnh Anh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp cho biết, tiếp theo các tuần hàng, dần dần, thương vụ đang thúc đẩy và thương lượng để các mặt hàng mang thương hiệu Việt có thể vào được nhiều hơn tại các siêu thị ở Pháp và châu Âu.
Dù vậy, ông Valentin Trần lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu thị trường và cần làm cho thị trường bản địa biết đến mình thông qua tham gia trưng bày hàng hóa, tham gia các hội chợ, đưa hàng vào siêu thị ở châu Âu. "Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cần nâng cao và khẳng định chất lượng hàng hóa với việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế", Giám đốc xuất khẩu chuỗi siêu thị Casino nói.