Sở ký hợp đồng trước, thông qua UBND TP sau
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh (Sở TN&MT) và Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Công ty VWS) ký kết hợp đồng giao, nhận và xử lý chất thải rắn (hợp đồng xử lý rác) vào ngày 28/2/2006.
Cụ thể, Sở TN&MT là đơn vị nhận được uỷ quyền để ký kết hợp đồng xử lý rác từ UBND TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 28/2/2006.
Hàng nghìn tấn rác được chôn mỗi ngày tại bãi rác Đa Phước...khiến mùi hôi thối phát tán, lan rộng ra cả Khu Nam của TP Hồ Chí Minh. |
Theo đúng nội dung của Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 28/2/2006 về việc uỷ quyền cho Giám đốc Sở TN&MT ký kết hợp đồng xử lý rác với Công ty VWS, thì trước khi ký kết hợp đồng phía Sở TN&MT phải có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan nhằm hoàn chỉnh nội dung và trình UBND TP Hồ Chí Minh thông qua về tiến hành ký kết hợp đồng này trước ngày 15/3/2006. Tuy nhiên, hợp đồng xử lý rác lại được Sở TN&MT ký kết cùng ngày (tức ngày 28/2/2006) với Quyết định số 822 này.
Mâu thuẫn ở chỗ, đến tận ngày 7/6/2006, UBND TP Hồ Chí Minh mới ban hành Công văn số 3703/UBND-ĐT về phê duyệt nội dung hợp đồng và Phụ lục của hợp đồng xử lý rác xét trên Công văn số 4578/TNMT-CTR ngày 26/5/2006 của Sở TN&MT và Văn bản số 01506/CV-VWS ngày 5/6/2006 về dự thảo Phụ lục hợp đồng của công ty VWS.
Căn cứ vào các mốc thời gian nói trên, dễ dàng nhận thấy rằng, hợp đồng xử lý rác được ký kết trước 3 tháng 10 ngày so với thời điểm nội dung của hợp đồng và Phụ lục hợp đồng được UBND TP Hồ Chí Minh thông qua (ngày 7/6/2006). Rõ ràng, điều này chưa phù hợp với nội dung của Quyết định Ủy quyền số 822/QĐ-UBND được UBND TP Hồ Chí Minh ban hành trước đó.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Sở TN&MT lại bất chấp, vội vàng trong việc ký kết hợp đồng xử lý rác với Công ty VWS đến như vậy? Đã hơn 13 năm qua đi, hiện khúc mắc này vẫn chìm trong im lặng chưa có lời đáp…
Cam kết 3.000 tấn/ngày là tự ôm lấy bất lợi
Theo hợp đồng xử lý rác, kể từ ngày vận hành và liên tục trong suốt thời hạn hợp đồng (28/2/2006 đến hết ngày 27/12/2055), Sở TN&MT phải đảm bảo lượng chất thải chuyển đến nhà máy rác Đa Phước là 3.000 tấn mỗi ngày bất kể các trường hợp bất khả kháng và/hoặc khu xử lý rác phải đóng cửa (không hoạt động).
Khu xử lý rác Đa Phước sẽ tiếp tục phình to và cao thêm...bởi công nghệ chôn lấp rác rất thô sơ! |
Điều này đồng nghĩa với việc nếu số lượng rác mỗi ngày ít hơn con số 3.000 tấn, Sở TN&MT vẫn phải trả đủ số tiền tương đương số tiền phải trả cho việc xử lý 3.000 tấn rác, trong khi nếu số lượng rác vượt con số 3000 tấn, TP sẽ phải trả số tiền xử lý rác tăng thêm.
Đồng thời điều khoản này cũng sẽ nguy cơ dẫn đến quyền yêu cầu thanh toán của Công ty VWS ngay cả trong giai đoạn khu xử lý rác tiến hành đóng bãi và chuyển giao và/hoặc khu xử lý rác không còn khả năng tiếp nhận và xử lý rác.
Giá xử lý rác luôn cao hơn đơn vị khác
Một điểm bất hợp lý rất lớn trong hợp đồng xử lý rác Đa Phước là sử dụng công nghệ chôn lấp bình thường nhưng đơn giá xử lý rác lại không hề rẻ.
|
Thực tế, Công ty VWS đã không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tasic chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3.000 tấn/ngày theo quy định của Giấy phép đầu tư số 2535/GP ngày 28/12/2005. Thay vào đó, VWS vận hành bãi chôn lấp rác.
Và mặc dù không xây nhà máy xử lý mà chỉ chôn lấp rác, nhưng VWS vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác cao hơn giá thanh toán cho các doanh nghiệp khác cũng thực hiện chôn lấp, thậm chí giá của VWS còn tăng theo từng năm.
Cụ thể, bản kết luận của Thanh tra nêu rõ, đơn giá xử lý của Công ty VWS từ 1/1/2013-31/10/2013 là 19,009 USD/tấn, từ 1/11/2013-31/10/2014 tăng lên thành 19,579 USD/tấn, từ 31/10/2014- 31/12/2014 tiếp tục điều chỉnh lên 20,166 USD/tấn.
Hơn nữa, sau khi hợp đồng xử lý rác được ký kết, dù nhiều hạng mục ở dự án khu xử lý rác Đa Phước chưa hoàn thành nhưng giá xử lý rác vẫn được ngân sách TP thanh toán đầy đủ cho VWS.
Áp dụng tiền tệ sai quy định
Điều 63 tại Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có nội dung: “Đơn vị đo lường dùng trong kế toán và thống kê là đơn vị đo lường chính thức của Việt Nam. Các đơn vị đo lường khác phải được quy đổi ra đơn vị đo lường chính thức của Việt Nam. Đơn vị tiền tệ được sử dụng trong ghi chép kế toán và thống kê là đồng Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên hợp doanh nước ngoài có thể đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận việc sử dụng đơn vị tiền tệ nước ngoài”.
Thế nhưng, trong hợp đồng dù không đề cập đến việc xin chấp thuận sử dụng đơn vị tiền tệ nước ngoài nhưng Công ty VWS vẫn tiến hành sử dụng đơn vị tiền tệ trong ghi chép kế toán và thống kê là Đô la Mỹ (USD) thay vì sử dụng VND.
Khó bàn giao được đất sạch về TP sau 50 năm sử dụng
Theo hợp đồng xử lý rác, TP Hồ Chí Minh cấp cho VWS giấy phép hoạt động 50 năm tại TP với diện tích bãi xử lý rác là 128ha và Công ty này cam kết, sau khi hết thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, VWS sẽ bàn giao toàn bộ diện tích đất sạch 128 ha sử dụng của dự án cho thành phố.
Tuy nhiên, VWS chỉ thực hiện chôn lấp rác, với rác thải lẫn lộn mọi thứ chứ không hề tái chế hay sản xuất phân compost như kế hoạch ban đầu, tức là “lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận, Công ty VWS thực hiện chôn lấp toàn bộ”.
Với thời gian phân huỷ các loại rác thải khác nhau, nếu chôn lấp lẫn lộn như hiện tại, việc trả “đất sạch” về cho TP sau 50 năm có vẻ như khó có thể thực hiện được.
Cam kết VWS không bị quy trách nhiệm trước mọi khiếu kiện của người dân
|
Theo hợp đồng xử lý rác, Công ty VWS được hưởng rất nhiều ưu đãi đầu tư cao nhất và được hưởng chế độ thuế ưu đãi nhất (kể cả, nhưng không chỉ giới hạn ở việc được miễn bất cứ và tất cả các khoản thuế thu nhập, thuế doanh thu, thuế VAT, thuế tài sản và bất động sản, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài…) VWS là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng không phải là lĩnh vực trọng điểm cần thu hút đầu tư, song Sở TN&MT vẫn cho VWS được hưởng quá nhiều ưu ái không cần thiết.
Hơn thế, Sở TN&MT còn cam kết sẽ bồi hoàn, bảo vệ và luôn giữ cho VWS và công ty mẹ của VWS là CWS không bị quy trách nhiệm đối với bất cứ mọi khiếu kiện của cư dân và/ hoặc bất kỳ cá nhân nào về các vấn đề liên quan đến tác động môi trường.
Những năm gần đây, cư dân các khu vực xung quanh bãi rác liên tục khiếu nại về việc công ty VWS xử lý không tốt, khiến mùi hôi phát tán mạnh, gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khoẻ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mùi hôi này vẫn còn tồn tại chưa được xử lý triệt để. Liệu cơ quan chức năng vì vướng phải điều khoản này nên chưa có hướng xử lý rõ ràng?
Tồn tại quá nhiều khuất tất trong hợp đồng xử lý rác Đa Phước, vì sao đơn vị gây ô nhiễm năm này qua năm khác đến nay vẫn chưa bị chấm dứt hợp đồng? Tất cả những điểm bất hợp lý nói trên chỉ đơn thuần là do sự yếu kém trong đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng của Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh, hay Lợi ích dân tộc, Lợi ích người dân đang bị xem nhẹ và phải đứng sau một thứ lợi ích khác: Lợi ích nhóm?! Tieudung.vn sẽ tiếp tục đưa đến bạn đọc những thông tin liên quan đến các bất ổn ở bãi rác Đa Phước trong bài tiếp theo.
Đón đọc: Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 7: Ô nhiễm đổ lên đầu dân, lợi ích nhóm thật sự tồn tại?
Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 5: Hàng loạt sai phạm chưa được xử lý tận gốc?
Gây ô nhiễm môi trường, giá xử lý rác cao làm thiệt hại ngân sách... và hàng loạt nội dung khác đã được Thanh tra Chính phủ công bố trong quyết định thanh tra đối với Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước). Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay là những sai phạm của VWS đã được các cấp xử lý tận gốc hay chưa? |
Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 3: Cái giá 'đắng chát' phía sau 9 triệu USD tiền ứng trước cho VWS là gì?
Số tiền 9 triệu USD được UBND TP Hồ Chí Minh ứng trước cho chủ đầu tư Khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước (bãi rác Đa Phước) ngay từ khi triển khai đã đứng trước nhiều câu hỏi về mục đích thật sự của nó và cái giá đáng sợ hơn phía sau số tiền trên còn là gì? |
Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 1: Dai dẳng mùi hôi thối, 'mổ xẻ' công nghệ xử lý rác hiện đại
Mùa mưa chỉ mới bắt đầu, người dân sống ở Khu Nam TP Hồ Chí Minh đã liên tục bị tra tấn khủng khiếp bởi mùi hôi thúi từ bãi rác Đa Phước. Sự việc này diễn ra hàng chục năm nay và chưa biết đến khi nào mới có hồi kết. |