Ngộp thở tới… bao giờ?
Từ giữa năm 2016, mùi hôi thối phát sinh tại khu vực chôn lấp đang tiếp nhận rác và hồ chứa nước thải nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của Công ty xử lý chất thải Việt Nam (Công ty VWS) xuất hiện và lan rộng làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở Phú Mỹ Hưng và khu vực Nam Sài Gòn.
Khu xử lý rác thác Đa Phước là nổi ám ảnh của người dân Sài Gòn. |
Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng trả lời nhiều vấn đề liên quan đến sự việc.
Theo đó, ông Thắng cho biết, bãi chôn lấp rác Đa Phước được thiết kế chôn lấp 24 triệu tấn rác, công suất đã chôn lấp là 13 triệu tấn với độ cao là 27m. Chính vì vậy nếu gió thổi mạnh và theo hướng gió thì mùi hôi của bãi rác sẽ lan tỏa quanh vùng. Trước tình trạng ô nhiễm này, ngành đã xử lý bằng nhiều biện pháp để hạn chế mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước như tăng cường xịt các hóa chất, bố trí thời gian xử lý và thời gian tiếp nhận một cách hợp lý, không tập trung vào một thời điểm.
Nhưng ông Thắng nhấn mạnh, công nghệ chôn lấp dù có tiên tiến thế nào đi nữa thì cũng ảnh hưởng mùi. Do đó TP điều chỉnh ngay chỉ tiêu từ 2016 đến 2020 phải giảm chôn lấp xuống dưới 50%. Còn đối với Công ty VWS ở Đa Phước, ông Thắng nêu ra đề nghị chuyển ngay sang xử lý bằng đốt và thu khí là 2.000 tấn/ngày để giảm lượng chôn lấp.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, câu chuyện những cư dân sống ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, bị "bức tử" bởi những mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước một lần nữa tiếp diễn gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng ô nhiễm nặng nề đến mức người dân không thể trồng lúa, nuôi trồng thủy hải sản, sức khoẻ bị giảm sút.
Để trấn an tình hình lúc đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, nói rằng: “TP đang đầu tư 3 dự án xử lý rác theo công nghệ mới. Nếu kịp tiến độ, cuối năm 2019 sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 1, có thể xử lý”.
Tưởng đâu mọi chuyện sẽ sớm kết thúc khi TP vào cuộc và đưa ra hướng giải quyết, tuy nhiên, những tháng đầu năm 2019 khi mùa mưa chỉ mới vừa chớm, tình trạng hôi thối tại khu Phú Mỹ Hưng và khu vực Nam Sài Gòn lại tiếp diễn một cách mạnh mẻ trên diện rộng.
Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị ngày 17/5, các khu dân cư dọc đường Nguyễn Văn Linh huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè kéo dài lên đến tận đường Nguyễn Lương Bằng, khu Phú Mỹ Hưng Quận 7 trong vòng bán kính 10km đều xuất hiện mùi hôi thối như mùi rác thải, xú uế rất khó chịu.
Những căn hộ có mặt tiền hướng nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mùi hôi thối xộc vào từng căn hộ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Việc buôn bán của của họ cũng vì vậy mà ế ẩm.
Chị T, 45 tuổi, sống trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) cho biết, mùi hôi nồng nặc đến mức chị chỉ muốn bán nhà đi nơi khác sinh sống.
Phú Mỹ Hưng được đánh giá là khu đô thị văn minh, người dân sống ở đây phải trả rất nhiều tiền để sử dụng các dịch vụ tiện ích và giá nhà cũng đắt đỏ. Chị T từng nghĩ, cuộc sống ở đây sẽ giúp gia đình chị hạnh phúc, con cái được hưởng những tiện ích văn minh. Thế nhưng, cứ đến tháng 5 hàng năm, gió Tây Nam thổi mùi hôi thối từ hướng bãi rác Đa Phước về khiến gia đình chị và nhiều hộ dân khác không thể chịu nổi, mùi hôi này sẽ kéo dài đến tận tháng 10, tháng 11. Chị chỉ biết đối phó bằng cách đóng kín cửa. Những lúc không thở được, gia đình chị phải đóng cửa nhà và đi “tị nạn” nơi khác để tránh những mùi hôi kinh khủng.
Tương tự ông K (sống ở huyện Nhà Bè) bức xúc: “Những khi có gió, trong nhà lúc nào cũng có mùi hôi khó chịu như mùi chuột chết. Không phải lúc nào trong ngày cũng hôi, mùi hôi nặng nhất là khi có gió lớn và khi trời đổ mưa. Năm nào cũng vậy khi vào mùa mưa mùi hôi thối lại bốc lên nhiều tháng liền ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe một cách nghiêm trọng”.
Bà N một hộ dân kinh doanh tại quận 7 tỏ ra lo lắng: “Trước đó trong nhiều năm liên tiếp vấn đề này đã được bà con chúng tôi và báo chí lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn phải gồng mình chống đỡ với mùi hôi, nhưng năm nay có vẻ tình hình căng thẳng hơn vì mới mưa có vài trận mà đã hôi thế này rồi, không biết khi mua mưa vào lúc cao điểm chúng tôi sẽ phải ứng phó thể nào đây, thiệt tình là khổ tận cam lai mà”, bà N nói.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, trong tương lai khi bãi rác Đa Phước phình to hơn nữa, mùi hôi thối có thể sẽ bao trùm phần lớn địa phận TP Hồ Chí Minh.
Công nghệ xử lý chôn lấp gây mùi hôi tại bãi rác Đa Phước. |
Công nghệ tiên tiến nhưng ô nhiễm triền miên!
Bãi rác Đa Phước được quảng cáo là hoạt động theo công nghệ của Mỹ rất hiện đại, đặc biệt là trong khâu xử lý nền móng, chống thấm bãi chôn lấp và hạn chế đến mức thấp nhất mùi hôi. Nhưng kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ (năm 2018) cho thấy dự án xử lý rác Đa Phước chỉ là “chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống”, quá trình triển khai công nghệ này gây phát tán mùi hôi, ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó ở các quốc gia tiên tiến, công nghệ xử lý rác thải được thực hiện theo chiến lược 3RVE bao gồm: Reduce (giảm thiểu), Reuse (sử dụng lại), Recycle (tái sinh); Validate (nâng cao giá trị) và Eliminate (thải bỏ). Thứ tự ưu tiên lựa chọn thuộc về 3 chữ R đầu và hạng cuối là chữ E (thải bỏ).
Mỹ không phải là quốc gia ưu việt trong việc xửu lý chất thải rắn đô thị bởi phương pháp chôn lấp chiếm tỷ lệ đến 67%, phương pháp thu hồi năng lượng chiếm chỉ 16% và chế biến phân bón compost chiếm 2%.
Do điều kiện tự nhiên và trình độ kỹ thuật Singapore là nước đứng đầu bảng theo thứ tự ưu tiên chiến lược với phương pháp xử lý đốt chất thải rắn thu hồi năng lượng và không thu hồi năng lượng lên đến 97% và chỉ có 3% chôn lấp.
Quốc gia kế tiếp theo là Nhật Bản với 72,8% sử dụng phương pháp đột thu hồi năng lượng và không thu hồi năng lượng. Tại Nhật Bản phương pháp chôn lấp vẫn chiếm 23%.
Tại Việt Nam, phương pháp chôn lấp rác là chủ yếu còn lại các phương pháp khác đều không đáng kể. Như chung ta đã thấy, Công ty VWS của Việt kiều David Dương mang vào bãi rác Đa Phước theo công nghệ tiên tiến nhất Hoa Kỳ gồm có cả 3 phương pháp là chôn lấp, chế biến compost và sắp tới là thu hồi năng lượng.
Hiện phương pháp gì cũng có tại bãi rác Đa Phước nhưng chôn lấp vẫn là chủ yếu. Kết quả là mỗi ngày bãi rác Đa Phước “ăn” trên 3.000 tấn rác bằng công nghệ “hiện đại” nhất Hoa Kỳ tại nhà máy này … là chôn lấp!
Phương pháp chôn lấp là phương pháp lãng phí và tốn kém nhất hiện nay. Một doanh nghiệp chuyên ngành hóa dầu cho biết, nếu phân loại được, riêng khối lượng rác cao su cũng sẽ đem lại một nguồn thu rất lớn cho ngân sách. Ví dụ như một lô rác lốp ô tô tại bãi rác Đông Thạnh có thể có giá trị trên 5 triệu USD.
Nếu tính theo đơn giá ngất ngưởng của bãi rác Đa Phước đưa ra, trung bình mỗi ngày chỉ ở khâu cuối cùng là xử lý, cũng đã nuốt trọn của TP một số tiền không nhỏ. Chưa kể các khâu còn lại là thu gom, vận chuyển “tiêu tiền” cũng không kém.
Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao với quá nhiều bất cập TP vẫn kiên quyết chọn Công ty VWS mà không phải là một đơn vị nào khác? Chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn về sự bất ổn của bãi rác Đa Phước với những bài viết tiếp theo.