Sau khi được UBND TP Hồ Chí Minh ủy quyền theo Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 28/02/2006, cùng ngày này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP (TN&MT) đã lập tức ký Hợp đồng xử lý rác với VWS.
Việc ký một hợp đồng dài 31 trang, trị giá hàng trăm triệu USD cùng rất nhiều những điều khoản “phức tạp” nhưng lại thực hiện chỉ trong 1 ngày khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Vì sao Sở TN&MT lại thực hiện nhanh chóng đến như vậy? Phải chăng việc ký kết chỉ là hình thức, còn thực tế hợp đồng đã được các bên thỏa thuận, thông qua trước đó?
Xử lý rác tại bãi rác Đa Phước "theo công nghệ hiện đại của Mỹ" bằng phương pháp chôn lấp gây ô nhiễm môi trường trầm trọng... thế nhưng TP Hồ Chí Minh lại không thể đóng cửa bãi rác này chì những điều khoản hợp đồng bất lợi đã ký với David Dương! |
Sử dụng đất 128ha đất miễn phí trong vòng 50 năm
Kinh ngạc nhất chính là việc Công ty VWS được Sở TM&MT TP Hồ Chí Minh ưu ái giao khu đất có diện tích 128ha (địa điểm làm khu xử lý bãi rác Đa Phước) với giá cho thuê là 0 đồng. Mọi khoản thuế, phí giải phóng mặt bằng, di dời, tái định cư cho người dân đều do UBND TP Hồ Chí Minh phải chịu.
Cụ thể tại điểm k, khoản 2, điều VI của hợp đồng thể hiện: “Sở TN&MT sẽ giao cho VWS giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê đất với giá thuê đất bằng không và VWS không phải trả bất cứ khoản tiền thuế đất hoặc bất cứ các khoản phí, lệ phí hoặc chi phí nào khác liên quan đến việc VWS sử dụng Địa điểm trong suốt Thời hạn theo như quy định tại Điều XXI.
Tất cả đất đai bàn giao cho VWS theo Hợp Đồng này đều phải hoàn toàn không bị vướng mắc bởi bất cứ sự xâm phạm, cản trở, trái quyền và đã di dời dân cư hết trên đó và Sở TN&MT thỏa thuận hoàn toàn chịu trách nhiệm giải tỏa mặt bằng, đền bù, di dời hết cư dân trên đó và chịu mọi khoản chi phí có liên quan đến việc giải tỏa mặt bằng, đền bù, di dời hết dân cư, giải quyết tái định cư nêu trên”.
Nhận định về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu so với các đơn vị khác, chưa cần nói gì nhiều, chỉ riêng việc được nhận mặt bằng tới 128ha trong vòng 50 năm mà không phải trả bất cứ khoản phí, thuế đất nào cũng đã giúp cho VWS hưởng lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đây là số tiền ước mơ mà hàng ngàn doanh nghiệp làm ăn chân chính ngoài kia có mơ cũng chẳng thể thấy”, vị này nói.
Yếu kém trong đàm phán?
Phân tích sâu hơn vào từng điều khoản được ký kết trong hợp đồng xử lý rác giữa TP Hồ Chí Minh và công ty VWS, cũng là lúc hàng loạt “yêu sách” vô lý của VWS “lòi ra”, song tất cả lại được Sở TN&MT cho là hợp lý. Bên cạnh đó là các chế tài xử lý vi phạm của VWS rất qua loa, nếu có cũng chỉ là phạt lấy lệ.
Qua 2 lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế KH&ĐT đều không đồng ý chủ trương về dự án xử lý rác Đa Phước bởi năng lực tài chính của VWS và đơn giá xử lý rác quá cao... |
Điển hình như tại điểm i, điều VI về Trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng có nêu: “ Ngoại trừ trong trường hợp Sự kiện bất khả kháng hay những trường hợp khác được quy định trong đây và cũng luôn phụ thuộc vào công suất tối đa có thể tiếp nhận của Nhà máy, bãi chôn lấp hoặc bất cứ phần nào của Nhà máy đối với việc chấp nhận Chất thải, VWS sẽ không từ chối chấp nhận các Chất thải được chấp nhận trong Nhà máy trong suốt Thời hạn.
Đôi bên đồng ý trong trường hợp VWS vi phạm điều khoản này, VWS sẽ phải trả cho Sở TN&MT như tiền bồi thường một khoản tiền phạt là 10 triệu đồng cho mỗi ngày vi phạm nhưng tối đa không quá 70 triệu đồng trong một tháng”.
Tại điều VI, mặc dù đại diện cho lợi ích Nhà nước và người dân nhưng Sở TN&MT TP lại rất “vô lý” khi hỗ trợ “nhiệt tình” cho VWS không phải đóng nhiều khoản thuế, gây ảnh hưởng cả đến lợi ích Nhà nước và người dân. Cụ thể tại điểm j có nêu: “Trong suốt Thời hạn của Hợp đồng này hoặc (các) khoảng thời gian gia hạn của Thời hạn, VWS sở hữu và có quyền bán vì lợi ích riêng của mình tất cả các Vật liệu có thể tái chế, compost hoặc các sản phẩm khác sản xuất hoặc thu được từ Chất thải tại Nhà máy của mình…
Đồng thời VWS cũng sở hữu và có quyền bán vì lợi ích của riêng mình bất kỳ và tất cả các sản phẩm phụ thu gom được trên Địa điểm từ Nhà máy của VWS trên thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu tùy theo quyết định riêng của VWS. Sở TN&MT thỏa thuận bảo đảm rằng mọi khoản thu nhập/lợi nhuận thu được từ việc bán hay định đoạt các sản phẩm sản xuất tại Nhà máy trong suốt thời hạn và/hoặc trong bất kỳ khoảng thời gian gia hạn nào của Thời hạn sẽ được miễn trừ thuế theo quy định luật hiện hành”.
Cũng như vậy, tại điểm j, khoản 2, điều VI nêu rõ: “Sở TN&MT sẽ hỗ trợ và giúp đỡ để VWS được miễn các khoản thuế nhập khẩu đối với bất kỳ và tất cả hàng hóa, xe cộ, thiết bị, phụ kiện, vật liệu nhập khẩu cho nhà máy theo văn bản pháp luật hiện hành”….
Ngoài ra, hợp đồng xử lý rác còn được soạn thảo và ký kết theo hệ thống và ngôn ngữ triển khai trên nền tảng pháp luật Anh-Mỹ. Do đó, các vấn đề ngôn ngữ chưa thực sự phù hợp với hệ thống văn bản và phạm vi điều chỉnh của Pháp luật Việt Nam.
Trong khi đó, nội dung hợp đồng còn thể hiện việc các bên thống nhất chọn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (“SIAC”) là nơi giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng này. Điều này dẫn đến việc loại bỏ thẩm quyền giải quyết của Toà án, đồng thời Trung tâm Trọng tài có thể áp dụng luật Quốc tế để giải thích cho các nội dung trong hợp đồng.
Tại sao Sở TN&MT lại đặt bút ký một hợp đồng đầy bất lợi như thế, là do sự yếu kém trong đàm phán, thương thảo, hay do quá xem nhẹ lợi ích của Nhà nước và người dân.
...Thế nhưng TP Hồ Chí Minh đã "đi tắt" gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ để quyết chọn nhà đầu tư này! |
Có hay không lợi ích nhóm?
Ngay từ ban đầu, chính động thái kiên quyết kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho VWS đầu tư thực hiện khu bãi rác Đa Phước của UBND TP Hồ Chí Minh, với quá nhiều những điều khoản “lợi người hại ta” đã khiến dư luận đặt ra nghi vấn về nguyên nhân thật sự phía sau sự “nhiệt tình” của đơn vị này.
Khi đặt ra vấn đề, nếu Chính phủ quyết định xử lý đình chỉ hoạt động của bãi rác Đa Phước để khắc phục những sai phạm về môi trường thì vấn đề rác của TP có giải quyết được hay không?
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xử lý rác nhận định, bài toán tạm dừng bãi rác Đa Phước hoàn toàn có thể giải quyết được. Hiện các bãi rác dự phòng trên TP hoàn toàn có thể đáp ứng được việc xử lý số lượng rác đưa về bãi rác Đa Phước, thậm chí có thể làm tốt hơn rất nhiều.
Thế nhưng, hiện nay bãi rác Đa Phước đã và đang gây bao hệ lụy cho cuộc sống người dân, gây thiệt hạt rất nhiều cho ngân sách Nhà nước… Nhưng TP Hồ Chí Minh lại không thể dừng ngay hoạt động tại bãi Đa Phước, là vì những điều khoản bất lợi trong hợp đồng xử lý rác được ký kết giữa Sở TN&MT với VWS. Chính điều này đã khiến dư luận người dân TP vô cùng bức xúc.
Rõ ràng UBND TP, Sở TN&MT TP đã cố tình “bỏ qua” qui định của Nhà nước để tiến hành ký kết hợp đồng, thỏa thuận có lợi cho VWS. Vậy tại sao đến nay các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc để ra sai phạm này vẫn chưa bị xử lý? Phải chăng có vấn đề lợi ích nhóm phía sau? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của Trung ương cần sớm vào cuộc, điều tra làm rõ các sai phạm của nhóm lợi ích đã giúp sức cho VWS như trong loạt bài báo này đã nêu?
Liên quan đến những khúc mắc nói trên, Báo Kinh tế & Đô thị đã gửi nhiều câu hỏi đến Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên gần 2 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào.
Vậy là, bãi rác Đa Phước với rất nhiều bất ổn không thể chối cãi được đã dần lộ rõ. Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc trong thời gian tới.