Luật sư Trần đình Dũng |
PV: Sự việc ông chủ Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ có quyết định bãi nhiệm chức danh Phó TGĐ đối với bà Lê Hoàng Diệp Thảo ngay ngày hôm sau khi TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên xử chấp nhận yều cầu của bà Thảo trở lại Trung Nguyên với vị trí Phó TGĐ, luật sư có nhận định như thế nào?
Luật sư Trần Đình Dũng: Quan hệ tranh chấp trong vụ án mà tòa án vừa tuyên xử là tranh chấp kinh doanh thương mại giữa thành viên công ty với nhau và với công ty. Nó không phải như vụ án hành chính mà bị tuyên hủy quyết định, rồi lại ra quyết định. Án tuyên mang ý nghĩa chấp nhận tư cách nguyên đơn Lê Hoàng Diệp Thảo với cương vị Phó tổng Giám đốc công ty.
Sau khi nhận được bản án, bên được thi hành án (THA) có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định THA. Trong thời hạn 05 ngày làm việc Chi cục Trưởng THADS ra quyết định THA theo qui định tại Điều 36 Luật THADS. Khi đó quyền và nghĩa vụ của các bên mới được đảm bảo thực hiện.
Sau khi tòa án tuyên xử một ngày, với tư cách Tổng GĐ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm chức danh Phó TGĐ thì có đúng luật không?
Việc án đã tuyên có hiệu lực thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có liên quan cũng phải tôn trọng và tuân thủ. “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án” – Điều 4 Luật THADS.
Theo luật sư Trần đình Dũng: Với hành vi ra quyết định ngược lại ngay sau khi án tuyên như trường hợp này mà nói ông Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ vi phạm pháp luật hình sự về việc không chấp hành án, là hoàn toàn không có căn cứ. |
Quyền của người được thi hành bản án để trở lại công ty với vị trí Phó TGĐ chưa được thực thi thông qua thi hành án hoặc tự nguyện mà các cá nhân liên quan có hành vi trái với nội dung tuyên xử là không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng bất kỳ quyết định bãi nhiệm, bổ nhiệm nào nếu trái nội dung án tuyên là không có giá trị pháp lý.
Tôi lưu ý thêm ở chỗ, rất nhiều người nhầm lẫn về quyết định bị khởi kiện trong vụ án kinh doanh thương mại do nguyên đơn Lê Hoàng Diệp Thảo nêu trong yêu cầu khởi kiện. Nó không phải là quyết định hành chính trong vụ kiện hành chính mà hủy đi, hoặc ban hành lại với cùng nội dung để lại tiếp tục kiện tụng. Tuyên xử trong vụ án hành chính thì tòa án chỉ xem xét việc ban hành quyết định hành chính đúng hình thức, nội dung không. Nếu sai thì tòa tuyên hủy. Trong trường hợp hủy do hình thức, thì ngay sau đó cơ quan bị tòa hủy QĐ có thể ban hành QĐ khác cùng nội dung. Nhưng trong vụ án kinh doanh thương mại, QĐ của Tổng GĐ, của Chủ tịch HĐQT… chỉ là hành vi thương mại nằm trong chuỗi các hành vi gây xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của phía nguyên đơn. Cho nên khi tòa án tuyên xử công nhận quyền của nguyên đơn thì tất cả các hành vi như ra quyết định mới với cùng mối quan hệ là không có giá trị pháp lý.
Vậy với tỷ lệ cổ phần áp đảo trong công ty, các thành viên khác có thể bãi miễn chức danh Phó TGĐ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo được không thưa luật sư?
Sau khi người được thi hành án, bà Lê Hoàng Diệp Thảo trở lại vị trí Phó TGĐ như án tuyên bằng hình thức tự nguyện THA hoặc Cưỡng chế THA, nếu trong quá trình làm việc mà bà Thảo vi phạm kỷ luật lao động, không hoàn thành công việc… thì căn cứ vào điều lệ công ty, các qui định của pháp luật để quyết định bãi nhiệm chức vụ.
Việc cho thôi chức Phó TGĐ có thể Tổng GĐ ra thông báo, quyết định… tùy vào điều lệ công ty chứ không nhất thiết phải ban hành quyết định như cơ quan quản lý nhà nước.
Một số ý kiến trên các diễn đàn cho rằng với việc ra quyết định bãi miễm chức vụ của bà Thảo ngược với bản án mới tuyên xử, ông Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã có hành vi vi phạm pháp luật hình sự về việc không chấp hành án, luật sư nghĩ như thế nào?
Với hành vi ra quyết định ngược lại ngay sau khi án tuyên như trường hợp này mà nói ông Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ vi phạm pháp luật hình sự về việc không chấp hành án, là hoàn toàn không có căn cứ. Điều 380 BLHS qui định “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật…”.
Như trên đã nói, quyết định của Tổng GĐ Trung Nguyên sẽ không có giá trị pháp lý nếu trái nội dung án tuyên.
Xin cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thực hiện)