Trước đó, ngày 22/9/2017, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm vụ kiện với phán quyết như sau: Thứ nhất, hủy Quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Thứ hai, khôi phục tư cách Phó Tổng Giám đốc của bà trong Tập đoàn Trung Nguyên và yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo điều hành và quản lý tại Tập đoàn này.
Tuy nhiên, ngày 10/10/2017, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo bản án này và tiếp tục ra Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Diệp Thảo.
Quyết định bãi nhiệm của TGĐ Tập đoàn Cafe Trung Nguyên với bà Thảo |
Thương hiệu cà phê Trung Nguyên ra đời năm 1996 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà cùng sáng lập và sở hữu.
Sau hai mươi năm phát triển, Trung Nguyên vươn lên từ một sản phẩm địa phương để trở thành Thương hiệu Quốc gia trong nhiều năm liên tiếp và góp phần đưa cà phê Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Tháng 4/2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Sự kiện này gây xáo trộn thị trường cà phê Việt Nam, khiến nội bộ Trung Nguyên trở nên rối ren, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh.
Cũng trong khoảng thời gian tuyên bố bãi nhiệm và tước hết quyền điều hành của vợ - người đồng sáng lập và cùng điều hành Trung Nguyên với mình từ những ngày đầu khởi nghiệp, ông Vũ cũng hầu như vắng bóng tại các sự kiện của Tập đoàn này.
Tất cả các chương trình gặp gỡ đối tác, tri ân khách hàng, bổ nhiệm nhân sự cao cấp cho tới trả lời báo chí truyền thông… ông Vũ đều không xuất hiện, trái ngược với phong cách trước đây của ông.
Thời gian gần đây, Tập đoàn Trung Nguyên còn thay đổi danh xưng là “Tập đoàn Legend”, có tầm nhìn là “tổ chức vĩ đại bằng phụng sự cộng đồng nhân loại” với giá trị về đức tin tuyệt đối.
Những sự việc trên đã làm nảy sinh nhiều đồn đoán về về tình trạng sức khỏe của ông Vũ và xu hướng phát triển của tập đoàn Trung Nguyên.
Phán quyết của Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tháng 9/2017 từng được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn, khôi phục lại vị thế kinh doanh của Tập đoàn này tại thị trường trong nước và quốc tế, sau gần 3 năm kể từ ngày bà Thảo không còn được điều hành.
Tuy nhiên thực tế là từ khi có bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh, bà Thảo vẫn chưa được trở về điều hành công ty mà mình đã sáng lập và đang là đồng sở hữu.
Ông Vũ cho đổi danh xưng của tập đoàn Trung Nguyên với tầm nhìn, tổ chức vĩ đại - Ảnh: TN |
Cũng trong thời gian này, tòa án đang thụ lý xem xét vụ ly hôn của hai vợ chồng bà Thảo, ông Vũ. Cả hai vợ chồng đều đang sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, bà Thảo gần như không được bước chân về Trung Nguyên và không được tham gia vào bất kỳ hoạt động điều hành nào của Tập đoàn này. Trong bối cảnh Việt Nam có rất nhiều công ty gia đình thành công, mà Trung Nguyên là một ví dụ điển hình, dựa trên Khoản 1, Điều 29 Luật Hôn nhân gia đình quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”, việc người vợ bị chồng đơn phương tước quyền điều hành doanh nghiệp đã gây nên nhiều bức xúc trong dư luận trong thời gian vừa qua. Vì thế, phiên tòa ngày 7/2 tới đây sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình và tập đoàn Trung Nguyên. Bởi vì giữa bà Thảo và ông Vũ vừa có quan hệ mật thiết trong điều hành doanh nghiệp từ trước đến nay, vừa đồng sáng lập và đồng sở hữu toàn bộ 93% khối tài sản của Tập đoàn này.
Được biết vừa qua bà Thảo đã có đơn gửi đến Chánh án TP Hồ Chí Minh yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong tập đoàn Trung Nguyên trong vụ án ly hôn. Theo đó, toàn bộ tài sản của gia đình và công ty được hình thành trong thời kỳ hôn nhân mà người vợ vừa là đồng sáng lập và đồng sở hữu thì phải được đồng quyền, tránh trường hợp một bên đơn phương ra các quyết định làm thay đổi khối tài sản trong quá trình chờ tòa án ra quyết định cuối cùng.
Về phía bà Thảo, năm 2015, sau khi mất quyền kiểm soát tại Trung Nguyên, bà Thảo đã phải khởi nghiệp lại từ đầu để tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu cà phê Việt Nam ra thế giới và đảm bảo công ăn việc làm cho những người nông dân trồng cà phê và các sđối tác của bà trong suốt 20 năm qua. Trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes vào tháng 7/2017 , bà Thảo chia sẻ: “Tôi hết lòng để làm điều gì đó tốt đẹp cho ngành cà phê Việt Nam.” |