Như một thứ gì đó nén lại quá lâu, bí mật gia đình vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ “xì” ra từ một bài phỏng vấn và nhanh chóng nổ “bùm” thành một sự kiện truyền thông lớn nhất quý 1- 2018 (cũng có thể là sự kiện truyền thông lớn nhất năm nay).
Dư luận mấy ngày qua bị hút xoáy vào câu chuyện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ cũ ông Vũ). Ở đó, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên được hình dung như là một người bị mất năng lực hành vi vì tác động xấu từ “khóa thiền 49 ngày”.
Tuy nhiên, qua các dòng trạng thái trên mạng xã hội, những người tự nhận là hiểu rõ và thân cận với Đặng Lê Nguyên Vũ đã phản bác lập tức. Họ khẳng định ông Vũ khỏe mạnh và điều hành công ty bình thường.
Bà Lê Hoàng Diện Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. |
Cũng từ những thông tin đó, chúng ta ngầm hiểu phần nào nguyên nhân sâu xa dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc của vợ chồng tỷ phú có chung 4 mặt con. Có lẽ sự ẩn mình của người nổi tiếng Đặng Lê Nguyên Vũ xuất phát từ một cú sốc tình cảm. Việc đi tu thiền dài ngày cũng có thể là cách để “chữa lành” nỗi đau nào đó về tâm hồn.
Theo như lời của bà Diệp Thảo thì tình yêu của hai người dành cho nhau là rất lớn. Vậy lý do nào khiến cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải đối xử gần như đoạn tuyệt với người vợ của mình và đóng cửa trong im lặng, nếu không phải là một cú sốc quá lớn về tinh thần?! Với đàn ông, sự nghiệp là quan trọng nhất. Nhưng nếu bị phản bội hay mất đi tình yêu, họ gần như đau đến câm nín, không thốt nên lời.
Trở lại với những quan ngại cho thương hiệu Trung Nguyên, nhiều người đã cho rằng nó xuất phát từ âm mưu “phá hoại” từ thế lực nào đó (?!). Thực ra, nếu Trung Nguyên có một nền tảng vững chắc về mặt văn hóa doanh nghiệp và đóng góp trọng đại cho xã hội, thì những biến cố đời tư của người đứng đầu cũng sẽ không mấy tác động đến sự tồn - vong của thương hiệu này.
Cho đến nay, Trung Nguyên có thể đạt điểm đỉnh về giá trị thương hiệu, doanh thu và và lợi nhuận. Tuy nhiên, ngoại trừ sự nổi tiếng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, và nay thêm bà Diệp Thảo, thì không có những cá nhân nào ở tập đoàn này thể hiện được sự xuất sắc trên thương trường cũng như dư luận xã hội.
Hơn nữa, những nỗ lực mang tính “đao to búa lớn” của ông Vũ cũng hướng đến các giá trị khá cao siêu mà bỏ quên lợi ích của thân phận của tập thể nhân viên dưới trướng trong tập đoàn cũng như bà con trồng cà phê vùng Tây Nguyên.
Tôi có tìm hiểu qua những người bạn ở thủ phủ cà phê Buôn Mê Thuột, thì ít có ai ở đây thiện cảm với Trung Nguyên. Họ nói nông dân vùng nguyên liệu cà phê hạt lớn nhất cả nước này không có lợi ích từ sự giàu có của phía thu mua. Nói chung là bà con vẫn rất bấp bênh, và thu nhập chính của họ lắm lúc lại nhờ vào các loại cây xen canh bột phát như tiêu hoặc sầu riêng.
Như vậy, đóng góp trọng đại cho xã hội của Trung Nguyên, ngoài một số tuyên bố “tầm cao” cùng “những cuốn sách đổi đời”, thì chưa thể hiện được quyền lợi cho số đông, nhìn hẹp hơn là nông dân ở vùng trồng nguyên liệu.
Nếu như Trung Nguyên tạo được lòng tin và niềm tự hào vững chắc trong cộng đồng nhân lực nội bộ, nông dân Tây Nguyên và người tiêu dùng cả nước, ắt là thương hiệu sẽ không bị chao đảo trước sóng gió “tình trường” của một, hai người.
Nhân đây, chúng ta cũng cần thấy rằng, hầu hết các doanh nhân hàng top của thế giới hiện nay đều có một nền tảng gia đình rất hạnh phúc. Nói gì thì nói, “tề gia” vẫn đứng trước “trị quốc” và “bình thiên hạ”.