Theo đó, quyết định của Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương hủy bỏ giá trị Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 ngày 21/4, thông báo mẫu con dấu ngày 25/4, và Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh ngày 5/5 của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên. Tất cả thông tin trên đều thể hiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đại diện pháp luật.
Đồng thời,Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng khôi phục giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 ngày 28/11/2013 của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên với người đại diện pháp luật, là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Căn cứ để ra các quyết định trên là theo Công văn số 426/CV-TANDCC ngày 13/5/2016 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM, thông báo rõ ràng về quyền điều hành hợp pháp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Tranh chấp quyền kiểm soát…
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng vợ - Bà Diệp Thảo trong một sự kiện. (Ảnh: Đất Việt) |
Trước đó, Trong tháng 5/2016, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên ngày 21/4/2016 (thay đổi lần thứ 8), với lý do chờ kết quả giải quyết của tòa án về việc ly hôn giữa bà và ông Vũ.
Vụ việc tranh chấp quyền kiểm soát doanh nghiệp này kéo dài từ cuối năm ngoái khi Trung Nguyên thông báo việc tạm dừng cung cấp cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc. Tuy nhiên, sau đó bà Thảo có văn bản gửi các đối tác, cơ quan quản lý cho biết, nguyên nhân chính là đang có sự tranh chấp giữa 2 vợ chồng bà. Theo bà, trong thời gian chờ tòa án giải quyết việc ly hôn, ông Vũ đã tự ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên đối với bà Thảo.
Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, việc làm của ông Vũ là “không đảm bảo tính pháp lý" bởi HĐQT công ty có 3 thành viên. Tuy nhiên, các lần họp để miễn nhiệm chức danh trên thì chỉ có một mình ông Vũ họp và tự ra quyết định.
Đó là trên lý thuyết và theo lời của bà Thảo. Cũng vào thời điểm đó, có ý kiến khác lại cho rằng, kể cả khi ông Vũ ngồi họp một mình, chưa chắc ông đã làm sai. Vấn đề mấu chốt ở đây lại nằm ở thành viên quan trọng nhất trong HĐQT của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên. Đó là Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.
Tập đoàn Trung Nguyên nắm giữ 85% cổ phần của Công ty CP cà phê hòa tan, vì vậy tiếng nói của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ có ý nghĩa quyết định.
Bà Thảo, trên thực tế, chỉ nắm giữ 5% của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên, sẽ không có nhiều tiếng nói.
Giả sử trong trường hợp, ông Vũ chính là người được Tập đoàn Trung Nguyên (nơi ông Vũ làm Chủ tịch HĐQT) ủy quyền tham dự cuộc họp HĐQT, thì việc ông Vũ tự làm, tự ra quyết định, lại hoàn toàn đúng pháp luật.
Tập đoàn Trung Nguyên hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; nhượng quyền thương hiệu; dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại và du lịch. Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Hiện Tập đoàn này có 4 nhà máy tại Đắk Lắk, TP HCM, Bình Dương và Bắc Giang. Trong đó, Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên là đơn vị vận hành nhà máy tại Bình Dương, có trụ sở tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An. Đây là đơn vị sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu G7 gồm cà phê sữa hòa tan, cà phê đen hòa tan và cà phê đặc chế hòa tan. Ngoài Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên, hiện bà Thảo cũng điều hành Công ty TNHH TNI có trụ sở chính tại Singapore - đơn vị có mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế của thương hiệu Cà phê Trung Nguyên.