Quá trình thanh tra sẽ tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước của các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chuyên môn có liên quan và của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường.
Cá chết trắng trên kênh khi nhà máy Soda Chu Lai xả thải hôm 23/7. |
Dự kiến, thanh tra bắt đầu triển khai vào đầu tháng 8 và các đoàn thanh tra phải báo cáo kết quả thanh tra về Thanh tra Bộ chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng và tổ chức họp báo báo cáo kết luận thanh tra vào tháng 10/2016.
Thời gian gần đây, đã có quá nhiều các dự án lớn xả thải gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường như: dự án Formosa, dự án núi Pháo, nhà máy sô đa Chu Lai… Bởi vậy, quyết định thanh tra đồng loạt lần này được kỳ vọng mang đến những hiệu quả tích cực và toàn diện cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
Với đối tượng thanh tra cụ thể là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường. Trong đó, tập trung chính vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ TN&MT -Trần Hồng Hà cho biết, sẽ ban hành Quyết định thành lập 03 đoàn thanh tra đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500 m3/ngày đêm trở lên tại 23 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh và Vĩnh Long.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trong quá trình thanh tra có thể bổ sung các đối tượng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Quá trình thanh tra được tiến hành trên địa bàn toàn quốc. Thời kỳ thanh tra sẽ tính từ ngày có quyết định thành lập doanh nghiệp đến thời điểm thanh tra và thời hạn thực hiện cuộc thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ, Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước căn cứ nội dung Kế hoạch này, chủ động lồng ghép nội dung thanh tra đối với đối tượng là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500m3/ngày đêm trở lên.
Sở TN&MT các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương được yêu cầu rà soát, tổng hợp các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được đoàn thanh tra Bộ TN&MT thanh tra trong năm 2016) để đề xuất đưa vào kế hoạch thanh tra của Sở trong năm 2017.
Quá trình thanh tra sẽ phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước để hoạt động thanh tra trở thành công cụ sắc bén, hữu hiệu, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường. Đây cũng là dịp tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường.
Gần đây, vụ xả thải gây ra hậu quả nghiêm trọng của Formosa Hà Tĩnh đã thu hút sự chú ý của dư luận. Hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện hồi đầu tháng 4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt. Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tối 30/6, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, với chứng cứ khoa học khách quan, chính xác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các bộ, ngành, và 4 địa phương khẳng định cá chết là do chất thải độc từ nhà máy Formasa Hà Tĩnh. Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường biển với số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng Formosa cũng cam kết khắc phục các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường; không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua. Đây là sự cố môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam. Số tiền 500 triệu USD cũng là khoản bồi thường chưa từng có. |