Phải có biện pháp khắc phục hậu quả
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thiều Dương - Giám đốc Công ty luật TNHH Đại Việt cho biết, nếu cơ quan chức năng điều tra, phát hiện bất kể doanh nghiệp, đơn vị nào xả thải xuống biển có chất gây hại môi trường, và hiện tượng cá chết hàng loạt do nguyên nhân xả thải, căn cứ theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các nghị định hướng dẫn, các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả.
Cá chết hàng loạt ở ven miền miền Trung, khu vực biển Vũng Áng. |
Cụ thể, Điều 148 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định, tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.
Điều 14 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định rất cụ thể về việc doanh nghiệp vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường. Ngoài phạt tiền, doanh nghiệp có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng. Đồng thời, phải có biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo đó, doanh nghiệp buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành (sửa đổi, bổ sung năm 2009), những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, nếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác thì có thể bị xử lý hình sự theo một trong các điều thuộc Chương XVII (Điều 182, 182a, 183, 188).
Cảnh sát môi trường đã vào cuộc
Liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung trong những ngày qua, theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an), sau khi nhận được phản ánh, đơn vị đã cử người vào để kiểm tra, điều tra làm rõ.
Ông Nguyễn Hữu Thành (60 tuổi, trú xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cùng số cá biển chết dạt vào bờ ông lượm được (Ảnh: Nhật Linh, Báo Tuổi trẻ) |
“Do vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chúng tôi chưa thể thông tin cụ thể. Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân, lực lượng cảnh sát môi trường sẽ làm hết sức, làm hết trách nhiệm với người dân. C49 đã tiếp tục tăng cường thêm lực lượng vào các tỉnh xuất hiện cá chết để điều tra” - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cho biết.
Trước đó, như Kinh tế & Đô thị thông tin, mặc dù hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung nhiều ngày qua, nhưng đến nay, cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cụ thể nào về nguyên nhân để có giải pháp ngăn chặn, hạn chế lượng cá chết.
Hiện tượng cá biển chết dạt vào bờ xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 6/4 tại vùng biển Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), và sau đó tiếp tục lan sang vùng biển tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và gần đây là vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trong khi cơ quan chuyên môn đang lấy mẫu, truy tìm nguồn gây ô nhiễm, thì người dân dọc bờ biển miền Trung vẫn phải sống trước mối lo cá nhiễm độc, trong khi có trường hợp ăn cá biển chết dẫn đến bị ngộ độc.
Ngoài hiện tượng cá biển tự nhiên chết dạt vào bờ, những ngày gần đây, các loại cá hồng, mú, vẩu… được người dân nuôi trong lồng, bè ở gần cửa sông, cửa biển cũng chết bất thường. Ngay cả các ao hồ nuôi xa bờ, cá cũng bị chết khi người dân lấy nước từ biển vào nuôi.
Đoàn công tác của Bộ TN&MT hiện đã lấy nhiều mẫu nước và cá ở khu vực cá chết, gửi cho các đơn vị phân tích, dự kiến vài ngày tới sẽ có kết quả.