Uber xuất hiện trên bản đồ kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, thông qua ứng dụng công nghệ là phần mềm gọi taxi (taxi công nghệ). Chuyện hoạt động kinh doanh của Uber sẽ không có gì để nói nếu thương hiệu này tuân thủ pháp luật khi kinh doanh ở nhiều quốc gia sở tại.
Nhưng đằng này, Uber đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp, “núp bóng” công ty công nghệ để hoạt động kinh doanh với tư cách là nhà cung cấp ứng dụng kết nối, dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động nhưng thực chất Uber lại cung cấp các dịch vụ vận tải taxi, vận chuyển hành khách.
Hàng trăm nghìn tài xế taxi tại Hàn Quốc biểu tình chống Uber - Ảnh: Internet |
Điều này đã giúp Uber chiếm nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ taxi truyền thống, khi chỉ phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh thương mại và thương mại điện tử, còn các đối thủ taxi truyền thống lại phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe của Luật kinh doanh vận tải.
Thế là một cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi bùng lên dữ dội, làn sóng kiện tụng giữa các hãng taxi truyền thống với “taxi công nghệ” lan rộng ở nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Canada và Mỹ…
Tháng 12/2017, Sau các cuộc “chiến” pháp lý kéo dài nhiều năm, Tòa Công lý châu Âu (ECJ) đưa ra phán quyết Uber là một công ty vận tải, buộc phải theo quy định của Luật kinh doanh vận tải, chịu trách nhiệm về an toàn của hành khách và quyền lợi của tài xế. Đây có thể xem là đòn giáng mạnh vào tham vọng phát triển của Uber nói riêng và các công ty gọi xe trực tuyến khác trên thế giới.
Hãng Uber tuyên bố chỉ là một dịch vụ kỹ thuật số, kết nối những người lái xe nhàn rỗi với khách hàng, nhưng ECJ đã chỉ ra Uber đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức vận tải khi kiểm soát hoàn toàn cước phí và cách trả tiền cho tài xế, cũng như quy định đối tượng được phép tham gia lái xe lẫn sử dụng dịch vụ.
Châu Âu và Mỹ “đóng cửa” với Uber nên hãng “taxi công nghệ” này đã chuyển sang khai thác thị trường châu Á. Uber thâm nhập vào thị trường giàu tiềm năng là Hàn Quốc và vấp phải sự phản ứng của các hãng taxi truyền thống. Không chỉ có vậy, hàng trăm nghìn tài xế đã xuống đường phản đối Uber.
Vì, hoạt động “lách luật” kinh doanh của Uber sẽ gây tác động tiêu cực đến cấu trúc ngành kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đến thu nhập và cuộc sống của hàng trăm nghìn tài xế. Thiệt hại kinh tế đã lan rộng khắp đất nước Hàn Quốc nhưng chính quyền sở tại vẫn còn nhiều phân vân trong cách quản lý, ứng xử với doanh nghiệp nói chung và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Uber nói riêng.
Hiện tại Hàn Quốc, hãng “taxi công nghệ” Kakao hiện đang hoạt động tốt, vì đã tránh được những rắc rối về pháp lý mà Uber từng gặp phải - Ảnh: Hà Nam |
Chỉ đến khi có vài tài xế taxi đã tự thiêu để phản đối Uber thì chính quyền Hàn Quốc mới thật sự vào cuộc giải quyết tranh chấp lợi ích giữa các hãng taxi truyền thống và “taxi công nghệ” Uber. Khi đó, Uber đã bị kiện tụng khắp nơi trên xứ sở Kim Chi, vì sử dụng các tài xế không đăng ký hoạt động.
Vì thế, tòa án Hàn Quốc đã kết tội hoạt động kinh doanh taxi trái phép với người sáng lập Uber tại Mỹ, Tổng Giám đốc điều hành Travis Kalanick và đối tác của ông này tại Hàn Quốc. Thậm chí, để “đóng cửa” hoàn toàn hãng “taxi công nghệ” này, chính quyền Hàn Quốc còn treo thưởng 1 triệu Won (920 USD) cho những ai tố cáo các ô tô có cung cấp dịch vụ taxi qua ứng dụng Uber…
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Part Ke Dong, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô – Taxi Hàn Quốc (Coop-Taxivafcho rằng, hoạt động của “taxi công nghệ” là một mô hình kinh doanh hiện đại, tất yếu và không thể cấm cản. Cho nên, “taxi công nghệ” cần được tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng và phải tuân thủ luật pháp ở nước sở tại. Điển hình như tại Hàn Quốc, hãng “taxi công nghệ” Kakao hiện đang hoạt động tốt, vì đã tránh được những rắc rối về pháp lý mà Uber từng gặp phải.
Đoàn đại biểu của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thăm và làm việc với Hiệp hội Vận tải ô tô – Taxi Hàn Quốc ngày 21/6/2019. Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Khắc Tuyên (thứ 3 từ trái qua), ông Part Ke Dong (thứ 4 từ phải qua) - Ảnh: Hà Nam |
“Kakao taxi đã tạo sự kết nối với các hiệp hội taxi và đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến của Nhà nước. Phần mềm này cũng giúp hành khách tự động có được tên và hình ảnh của tài xế cũng như thông tin về phương tiện sẽ đi. Bên cạnh đó, để đảm bảo bí mật cá nhân, hệ thống tin nhắn trao đổi giữa tài xế và khách trong phần mềm sẽ tự động hủy sau khi kết thúc hành trình.
Ngoài ra, chính quyền đã quy định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, taxi, bất kể truyền thống hay hiện đại đều phải tuân thủ quy định về màu sắc của biển số (màu vàng). Điều này giúp người dân nhận biết và định vị các phương tiện được phép hoạt động taxi một cách dễ dàng hơn…
Hiện nay, Hàn Quốc có khoảng trên 250.000 taxi có đăng ký hoạt động. Để vào được hệ thống của Kakao, người dùng chỉ cần tải App về, thanh toán khoản phí 3.000 Won và sử dụng tùy ý, lâu dài. Hình thức này cũng được áp dụng với xe taxi tư nhân, và các công ty taxi với phí mở cửa khoảng 1.000 Won…”, ông Part Ke Dong cho biết thêm.
Vẫn biết Uber là mô hình kinh doanh hiện đại, mang đến nhiều lợi ích cho người dùng. Nhưng sự phản đối Uber đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam đã cho thấy nhiều bất cập còn tồn tại trong mô hình kinh doanh của Uber, đáng chú ý nhất là hành vi “lách luật” để cạnh tranh thiếu lành mạnh.
(Còn nữa)