Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2018 có trên 131.200 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.
|
Đã có hơn 90.600 DN giải thể năm 2018. Ảnh minh họa. |
Trong đó, vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2,4 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3,88 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm 2018 còn có 34.000 DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, từ đó nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm nay lên 165.000 DN. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 16.314 DN, tăng 34,7% so với năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh tương đối sáng sủa đó thì vẫn có những mảng tối, bởi số DN tạm ngừng hoạt động và DN phá sản trong năm 2018 vẫn tăng cao.
Cụ thể, số lượng DN phải tạm ngừng hoạt động tăng gần 50% so với năm ngoái, ở mức 90.651 DN. Trong số đó, bao gồm 27.126 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 63.525 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.
Việc gia tăng số lượng DN ngừng hoạt động do những hạn chế cố hữu của DN nhỏ và vừa chưa được giải quyết, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp như hạn chế về năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động làm giảm tính cạnh tranh của DN nhỏ và vừa.
Đồng thời, còn tồn tại một bộ phận người dân thành lập DN và thực hiện các hoạt động kinh doanh bất chính. Những DN này sau đó ngừng hoạt động mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước...
Song, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng cao này không đáng lo ngại, bởi do tháng 4/2018 các phòng đăng ký kinh doanh trên cả nước đang rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, loại bỏ các DN không còn hoạt động trong thời gian dài nữa.
Để tạo điều kiện cho khu vực DN phát triển, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra kiến nghị năm 2019, Chính phủ và các địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thành lập và phát triển.
Đồng thời, cũng rà soát các thủ tục liên quan đến giải thể, phá sản DN bảo đảm nhanh và hiệu quả. Có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển thành DN; tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các cơ sở cá thể kinh doanh ổn định, lâu dài và tuân thủ pháp luật.