Theo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận doanh thu thuần 403.283 tỷ đồng; lợi nhuận thuần 15.077 tỷ đồng, tăng 23%; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 14.480 tỷ đồng, tăng 4.760 tỷ đồng so với năm 2019 (tương đương 49%). Riêng công ty mẹ - EVN ghi nhận khoản lãi sau thuế 1.598 tỷ đồng năm ngoái.
Tỷ suất sinh lời tăng so với 2019, như ROA (tỷ suất sinh lời của tổng tài sản) 2%, tăng 0,63%, ROE (tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu) 6,21%, tăng 1,83%.
Tổng giá trị tài sản hợp nhất EVN đến cuối năm 2020 là 729.452 tỷ đồng, tăng 1,1% so với 2019, trong đó vốn chủ sở hữu 240.195 tỷ đồng (tăng 6%). Công ty mẹ EVN nộp ngân sách 10.513 tỉ đồng và toàn tập đoàn nộp ngân sách 23.177 tỉ đồng.
Kể từ năm 2012, lợi nhuận của EVN liên tục tăng trưởng. Biên lợi nhuận ròng năm ngoái tăng vọt lên 3,6%, so với năm 2019 chỉ 2,5%.
EVN lãi gần 14.500 tỷ đồng năm 2020. Ảnh minh họa
Các số liệu trong báo cáo kết quả kinh doanh của EVN cho thấy tập đoàn này trải qua năm 2020 với doanh thu, lợi nhuận hợp nhất tăng mạnh so với các năm liền kề. Một phần nhờ các công ty con, công ty trực thuộc đều tăng trưởng dương trong 2020.
Đến cuối năm 2020, công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300 MW, tăng gần 14.000 MW so với năm 2019. Tăng trưởng này phần lớn đến từ việc lắp đặt điện tái tạo, cụ thể là các dự án điện mặt trời. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 247,08 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh, lần lượt tăng 2,9% và 3,42% so với năm 2019.
EVN đã bán điện trực tiếp cho 28,94 triệu khách hàng, tăng 0,9 triệu khách hàng so với năm 2019. Công tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt được đẩy mạnh và đạt tỉ lệ 70,3% về số khách hàng và đạt 91,72% trong tổng doanh thu.
EVN tập trung thi công dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Ảnh: EVN
Bên cạnh những kết quả đạt được, EVN đánh giá năm 2020 là một năm vận hành đầy biến động, tập đoàn phải đối mặt nhiều khó khăn trong sản xuất, cung ứng điện.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phụ tải điện tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, thủy văn diễn biến bất thường, khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng "thừa nguồn" trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ, cuối tuần.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, EVN cho biết đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).
Tại thời điểm kết thúc năm 2020, nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của EVN hơn 2 lần, tỷ lệ này đang giảm dần nhờ doanh thu tăng trưởng mạnh và dòng tiền dương thu về trong những năm qua.
Năm 2020, EVN không có khoản đầu tư tài chính nào và dành nguồn tiền đầu tư vào các dự án nguồn và lưới điện. Nhiều dự án được tập trung đầu tư xây dựng như dự án nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng; thủy điện tích năng Bắc Ái; nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng; thủy điện Ialy mở rộng; nhiệt điện Quảng Trạch 1, nhiệt điện Ô Môn IV; đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2; đường dây 500kV Mỹ Tho - Đức Hòa - Chơn Thành…