Ngoài lòng tham và sự liều lĩnh bất chấp của cả hệ thống từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các trung tâm đăng kiểm, các đăng kiểm viên thì sau đó có còn vấn đề gì nữa không? Nhóm phóng viên Kinh tế và Đô thị chúng tôi đã có mặt tại các tỉnh, thành để điều tra sâu hơn những vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Đứng trong “tâm bão” nhắc lại kiến nghị của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới
Nhìn vào “tâm bão”
Đến giờ, hàng loạt trung tâm đăng kiểm đã bị khởi tố về tội danh: Môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Giả mạo trong công tác. Ngoài 4 tội danh trên, cảnh sát điều tra còn đang làm rõ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Đến nay, cơ quan điều tra xác định nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật (lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải; xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước;...), nhưng vẫn được các trung tâm đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Vấn đề đang nóng lên trên các mặt báo và mạng xã hội từng ngày vì nó liên quan đến cuộc sống của người dân, nhất là các chủ phương tiện. Việc mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có văn bản chỉ đạo Đảng ủy, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phải quán triệt, chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp được coi là kịp thời và cần thiết.
Nhưng về lâu dài Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm phải khẩn trương chỉ đạo rà soát các quy trình nghiệp vụ về công tác đăng kiểm, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc để các đơn vị này duy trì hoạt động bình thường.
“Quả bóng” đang nằm chân Bộ GTVT
Theo điều tra của chúng tôi, hoạt động liên quan tới đăng kiểm hiện đã được luật hóa ở mức độ cao nhất thông qua hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật như: bộ Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giao thông Đường thủy nội địa, Luật Giao thông Đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Dầu khí…kèm theo là hệ thống các nghị định và thông tư hướng dẫn.
Theo quy định tại Luật Giá, Luật Phí và Lệ phí, thẩm quyền ban hành giá dịch vụ kiểm định thuộc Bộ Tài chính nhưng nó phải dựa trên đề nghị của Bộ GTVT, cơ quản quản lý nhà nước chuyên ngành. Trước kiến nghị xin tăng lệ phí khiểm định phương tiện vận tải của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, ngày 22/8/2022 Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 8340/BTC-QLG (vv giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải) đề nghị Bộ GTVT rà soát, đánh giá tổng thể cả 6 Thông tư quy định về giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải (bao gồm cả phương tiện đường thủy, chất lượng tàu biển, thiết bị giao thông đường sắt…). Tuy nhiên đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa có trả lời chính thức.
Điều này cho thấy, với thẩm quyền được quy định trong Luật Giá, Bộ Tài chính đã thấy cần phải đánh giá, rà soát lại các thông tư quy định dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải khác chứ không đơn thuần chỉ xem xét lại Thông tư 238/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.
Việc cơ quan cảnh sát điều tra đang tiến hành bóc hàng loạt sai phạm của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới càng làm cho người ta nghĩ đến việc Bộ GTVT phải nhanh chóng vào cuộc. Liệu việc đăng kiểm đường sắt, đường thủy, đường biển có gặp những bất cập như đăng kiểm phương tiện đường bộ?
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đang làm rõ dấu hiệu sai phạm tại Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: Công an cung cấp
Hệ quả của “xã hội hóa” đăng kiểm
Hiện đã có 33/280 trung tâm đăng kiểm trên cả nước (13 tỉnh thành, tính đến đầu tháng 1/2023) đang tạm dừng hoạt động. Trong đó có 30 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an. Những cá nhân phạm tội đã bị khởi tố và bắt giam, chắc chắn đây đã và sẽ là bài học lớn cho ngành đăng kiểm có bề dày lịch sử 59 năm. Không còn cách nào khác, những người làm công tác đăng kiểm phải “ngã ở đâu, đứng dậy ở đấy” và các cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt hơn nữa các đơn vị đăng kiểm, đồng thời phải đưa ra biểu giá dịch vụ đảm để những trung tâm làm ăn chân chính đủ sống.
Từ năm 2019, khi chúng ta xóa bỏ quy hoạch đăng kiểm, các trung tâm đăng kiểm đường bộ được xã hội hóa đã "mọc lên như nấm", cạnh tranh khốc liệt giúp chủ xe, khách hàng thuận lợi hơn, song cũng khiến không ít người tâm huyết với nghề đăng kiểm trăn trở…Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc hiện có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, trong đó 48 đơn vị bắt đầu hoạt động từ năm 2020 – 2021 cho thấy sự “bất thường” trong lĩnh vực này. Đến nay đã có tới 196 doanh nghiệp tham gia kinh doanh lĩnh vực được coi là “hái ra tiền” này và cái kết như thế nào là điều mà ai cũng biết.
Bất cứ nhà đầu tư nào cũng biết rằng, tham gia kinh doanh lĩnh vực này là “đầu tư mạo hiểm” như nhẩm tính cũng sẽ thấy vì sao mỗi tháng thua lỗ hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn “đắt hàng”. Một Giám đốc một trung tâm đăng kiểm tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nhà báo chỉ cần đọc Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, sẽ tính ra ngay các khoản thu, chi của một trung tâm đăng kiểm và vì sao lại có hàng loạt vi phạm như báo chí đã nêu trong suốt thời gian qua”.
Theo quy định, đối với một trung tâm đăng kiểm điển hình (2 dây chuyền) thì “diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 2.500 m2”, ít nhất phải sử dụng 7 đăng kiểm viên (chưa kể 1 giám đốc và 6-7 nhân viên văn phòng, lao công, bảo vệ).
Không khó để Bộ GTVT tính được đơn giá thuê 2.500 m2 diện tích mặt bằng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải trên 200 triệu đồng/tháng, tiền lương, BHYT, BHXH và BHTN cho người lao động khoảng 260-270 triệu đồng, ấn chỉ 30 triệu đồng, điện nước 10 triệu đồng, vị chi hết khoảng từ 500-550 triệu đồng/tháng. Đó chưa kể chi phí khấu hao cho 2 dây chuyền đã đầu tư khoảng trên 20 tỷ đồng và những chi phí “không tên” mà các chủ trung tâm đăng kiểm đều trả lời “các nhà báo biết hết rồi, nói làm gì nữa” (?!!).
Nguồn thu các trung tâm đăng kiểm thì lại còn dễ tính hơn, theo quy định mỗi đăng kiểm viên chỉ được tiến hành kiểm tra, cấp giấy chứng nhận tối đa 20 phương tiện/ngày. Theo lý thuyết, mỗi dây chuyền có thể tiến hành kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho khoảng 50-60 xe (trong đó 60-65% là xe con)/ngày và khi chưa bị cơ quan cảnh sát điều tra “sờ gáy” thì có số còn lên tới 80-90 xe/dây chuyền/ngày, nhưng thực tế điều tra của chúng tôi như hiện nay mỗi dây chuyền chỉ kiểm định được không quá 50 xe/ngày.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu làm đúng quy định mỗi đăng kiểm viên chỉ kiểm tra 20 phương tiện/ngày, không tính chi phí “không tên” thì với các trạm đăng kiểm 2 dây chuyền sẽ lỗ vốn khoảng 120-150 triệu đồng/tháng. Với biểu giá được quy định tại Thông tư 238/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 dao động từ 250 ngàn (xe con) đến 570 ngàn (xe tải), bất cứ ai cũng có thể kiểm tra và đánh giá độ chính xác của các con số nêu trên bằng cách quan sát trực tiếp.
Trước khi bị phanh phui các sai phạm, Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã cho cho rằng, giữa các trung tâm đăng kiểm có sự cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút xe, đảm bảo việc làm và doanh thu cho chủ đầu tư, nên gây áp lực lớn cho người làm nghề đăng kiểm. Những trung tâm đăng kiểm dám mạnh dạn làm đơn kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính điều chỉnh đơn giá kiểm định và lệ phí ấn chỉ như thế không nhiều.
Bộ GTVT phải khẩn trương vào cuộc, trả lời kiến nghị. Ảnh AT
Im lặng đến bao giờ?
Nhiều ông chủ trung tâm đăng kiểm, các đăng kiểm viên chọn phương án thỏa hiệp với lái xe để kiếm tiền nhanh hơn, dễ hơn, nhiều hơn và thực tế Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT chưa có hồi âm đơn kiến nghị tăng phí kiểm định của các đơn vị muốn được “làm thật, ăn thật” đã gửi từ trước đó. 10 năm nay, đơn giá đăng kiểm phương tiện cơ giới không tăng dù tiền lương, chi phí thuê mặt bằng, điện nước…đều tăng từ 30-50% là điều bất cập chưa có câu trả lời. Kể cả không chấp nhận kiến nghị, có lẽ Bộ GTVT vẫn cần có văn bản trả lời các đơn vị đăng kiểm.
Đến nay, hơn nửa năm, đơn kiến nghị của các trung tâm đăng kiểm vẫn chìm vào im lặng, trong bối cảnh hơn 100 đăng kiểm viên đã bị khởi tố và bắt giam vì những sai phạm có tính hệ thống. Nhưng công tác đăng kiểm nói chung và đăng kiểm xe cơ giới nói riêng vẫn phải được tiến hành, bởi đây là quy định bắt buộc cho các phương tiện lưu thông ngoài đường.
Theo nhận định của các nhà quản lý, kể cả khi Bộ Tài chính có điều chỉnh lệ phí đăng kiểm thì nếu Cục Đăng kiểm Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước không làm tốt công tác kiểm tra, giám sát vẫn có thể xẩy ra sai phạm. Nhưng không sớm rà soát, đánh giá và điều chỉnh lệ phí kiểm định xe cơ giới như chúng tôi đã điều tra, phân tích ở trên thì rất khó cho các đơn vị đang muốn làm đúng.