Nhiều người cho rằng xã hội hóa lĩnh vực đăng kiểm là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm quy mô lớn như hiện nay. Nhưng nhìn vào danh sách 31 trung tâm đăng kiểm đang bị cơ quan Công an điều tra có cả những đơn vị do các Sở GTVT, Cục Đăng kiểm quản lý thì câu trả lời đã rõ.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, trong đó có 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp; 64 đơn vị thuộc các Sở GTVT và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Vậy ngoài lòng tham của một nhóm các nhà quản lý, các đăng kiểm viên, còn có những “điều khó nói” nào nữa không?
Lá đơn từ Hải Phòng…và “cái chết” của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới
Sự thật cay đắng!
Hà Nội là địa phương có số lượng trung tâm đăng kiểm lớn nhất nước với 31 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới cùng 60 dây chuyền kiểm định, trong đó hơn 2/3 trung tâm do các doanh nghiệp đầu tư, vận hành. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động (38 dây chuyền) và 12 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới dừng hoạt động (23 dây chuyền). Trong đó, 11 trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động do liên quan đến vi phạm pháp luật, 1 trung tâm dừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay mỗi ngày 19 trung tâm đăng kiểm cấp hơn 1.000 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trung bình mỗi dây chuyền đăng kiểm được 28 xe.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đang có 12 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoạt động (35 dây chuyền) và 7 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới dừng hoạt động (13 dây chuyền). Trong đó, 6 trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động do liên quan đến vi phạm pháp luật, 1 trung tâm dừng hoạt động do không đủ nguồn nhân lực đăng kiểm viên theo quy định. Mỗi ngày các trung tâm đăng kiểm khu vực TP Hồ Chí Minh hoàn thành đăng kiểm 860 phương tiện, trung bình mỗi dây chuyền đăng kiểm được khoảng 25 xe.
Trước đây, khi chưa bị cơ quan điều tra vào cuộc, mỗi ngày trung bình mỗi dây chuyền đăng kiểm cấp từ 70-80 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Như vậy, nếu thực hiện đúng “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về đơn vị đăng kiểm” theo Thông tư 30/2019/TT-BGTVT ban hành thì số xe mà một dây chuyền đăng kiểm chỉ dao động 25-28 xe/ngày.
Đến giờ, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 10 vụ án, khởi tố 146 bị can là là chủ tịch HĐQT công ty, giám đốc, phó giám đốc và đăng kiểm viên để phục vụ điều tra tội Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Sai phạm phổ biến là nhận hối lộ để bỏ qua các vi phạm về đăng kiểm với ôtô không đủ tiêu chuẩn, trung bình 1-1,5 triệu đồng mỗi xe. Hai cựu cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình bị bắt về hành vi Nhận hối lộ.
Sai phạm của các nhà quản lý, đăng kiểm viên là điều đã được cơ quan cảnh sát điều tra đã và đang làm rõ. Nhưng trong quá trình điều tra, chúng tôi khá bất ngờ được biết đến, nếu làm đúng quy trình với đơn giá đăng kiểm như hiện nay thì khó có trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nào tồn tại được. 10 năm nay mức phí dịch vụ đăng kiểm ô tô chỉ tăng đúng 10.000 đồng/ xe (từ 1/8/2022).
Lá đơn từ Hải Phòng
Tháng 6/2022, nghĩa là 6 tháng trước khi các vụ án Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ…bị phát giác thì 5 công ty đăng kiểm tại Hải Phòng đã đồng loạt ký công văn gửi Bộ Tài Chính và Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh đơn giá kiểm định xe cơ giới. Khá bất ngờ là gần 10 năm nay: phí kiểm định xe cơ giới không thay đổi dù mức lương cơ sở Chính phủ đã điều chỉnh từ 1.050.000 đồng (năm 2013) lên 1.490.000 đồng (năm 2019), tăng gần 50%; mức lương tối thiểu vùng đã được Chính phủ điều chỉnh 10 lần, tăng 98,5%; đơn giá tiền điện tăng 27%, thuê mặt bằng, tiền nước sạch, phí đào tạo tăng 50%, chưa kể chi phí lạm phát theo công bố của nhà nước là 29,86%; ác chi phí thuê mặt bằng, điện, nước…đều tăng đáng kể. Các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thì chi phí lương, BHXH, BHYT và BHTT chiếm tỷ trọng khoảng 50% chi phí.
Để dễ hình dung, chúng ta có thể lấy ví dụ tiền rửa xe ôtô 4 chỗ năm 2013 là 30 nghìn, thì nay đã tăng lên 70 – 100.000 nghìn đồng/xe, nhưng phí đăng kiểm theo Thông tư 236/2016/TT-BTC vẫn chỉ 250 ngàn đồng/xe, cố định như thế đã 10 năm. Đứng trước thực trạng này, một số trung tâm chỉ trả “lương cứng” và “bật đèn xanh” cho các đăng kiểm viên “làm luật” với lái xe, lâu ngày những sai phạm này đã trở thành “chuyện thường ngày của đăng kiểm”; một số trung tâm phải “tăng năng suất” chạy đua số lượng, dùng nhiều chiêu để “giữ khách” cạnh tranh không lành mạnh; một số phải sử dụng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo vẫn khoác áo đăng kiểm viên để giảm chi phí tiền lương.
Hơn ai hết, Cục Đăng kiểm Việt Nam với chức năng là cơ quan nhà nước đã có những thiếu sót rất lớn trong việc tính đúng, tính đủ các chi phí, sớm phát hiện ra những bất cập đã kể trên. Kể từ năm 2019, khi Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về đơn vị đăng kiểm buộc các trung tâm phải nâng cấp cả về con người, cơ sở vật chất, phải trang bị, mua sắm thiết bị theo hướng chuẩn hóa. Nhất là chi phí lập hồ sơ phương tiện, đòi hỏi các trung tâm đăng kiểm phải đầu tư khá lớn nhưng lại chưa được tính vào chi phí.
Trong bối cảnh đó, từ ngày 1/8/2022, theo Thông tư 36/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 199/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thì nguồn thu lệ phí cấp giấy chứng nhận giảm khoảng 50 triệu đồng/dây chuyền.
Vai trò của Bộ GTVT?
Không khó cũng có thể nhận biết được nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bị vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi đối diện với vấn đề kinh doanh lĩnh vực này. Thực tế nhiều giám đốc, phó giám đốc và đăng kiểm viên ban đầu chỉ “tặc lưỡi” nhưng lâu ngày “ăn quen, bén mùi” đã phạm tội lúc nào không hay. Một đăng kiểm viên cao cấp nay đã giải nghệ than thở: “Đơn giá dịch vụ kiểm định và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm như hiện nay đơn vị nào muốn làm đúng cũng không hề dễ dàng chút nào”.
Phóng sự điều tra không phải là lời “chạy tội” cho các đăng kiểm viên đã sai phạm, nhúng tay vào làm ăn phi pháp, họ phải trả giá. Nhưng những kiến nghị của các trung tâm đăng kiểm (trước khi các vụ án xẩy ra) không phải không có lý, đã đến lúc Bộ GTVT phải vào cuộc, ngồi lại tính toán để đưa ra một phương án hợp lý để các bên liên quan có thể chấp nhận được.