Cụ thể, Bộ yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương chỉ đạo rà soát các quy trình nghiệp vụ về công tác đăng kiểm; kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm duy trì hoạt động bình thường, không làm ảnh hưởng đến việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhằm phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Quán triệt và chỉ đạo toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; Cục trưởng, lãnh đạo Cục và thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý công chức, viên chức của đơn vị mình.
Cương quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm nội quy, quy chế; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thực thi nhiệm vụ, công vụ theo quy định, nhất đến công tác là những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm liên quan kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Bộ yêu cầu Đảng ủy và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có vi phạm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đặc biệt là sai phạm trong công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố theo quy định; kịp thời báo cáo tình hình vi phạm và đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm (nếu có) đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Cục thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải để xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật.
Yêu cầu này của Bộ được đưa ra khi nhiều ngày qua, báo chí đưa tin về một số sai phạm liên đến công tác đăng kiểm tại một số trung tâm đăng kiểm và phòng nghiệp vụ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. 9 trung tâm đăng kiểm tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị cơ quan công an điều tra vì bỏ qua các vi phạm của xe cơ giới. Trong đó có một đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 8 đơn vị thành lập theo hình thức xã hội hóa.
Hiện nay, cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó 64 thuộc các Sở Giao thông vận tải và 216 được đầu tư xã hội hóa, tập trung nhiều nhất ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, số lượng trung tâm đăng kiểm hiện nay là quá lớn so với số phương tiện. Trong đó có nhiều đơn vị đầu tư xã hội hóa dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, kiểm định dễ dãi để thu hút khách hàng. Do đó, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, đơn vị nào vi phạm, tiêu cực sẽ bị rút giấy phép hoạt động.