Cảng hàng không quốc tế Đà Năng |
Trong văn bản trình Chính phủ hồi đầu tháng 2 vừa qua, Bộ GTVT cho biết đường cất hạ cánh và đường lăn tại hai sân bay quốc tế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều xuống cấp, quá tải, cần cải tạo đồng thời xây mới để đáp ứng năng lực vận tải từ nay đến năm 2025.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có hai đường cất hạ cánh đều đã được cải tạo và nâng cấp qua nhiều năm. Đến nay, hai đường cất hạ cánh vẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác bay song đã vượt tần suất khai thác tính toán thiết kế ban đầu, cần đầu tư nâng cấp tiếp. Tương tự, cả hai đường lăn tại sân bay Nội Bài dù đã được nâng cấp, cải tạo nhưng chuẩn bị đến hạn cần đại tu, thay thế kết cấu mới để đảm bảo yêu cầu sử dụng vào thời điểm này.
Theo tính toán của ACV được Bộ GTVT trình Chính phủ thì tổng mức đầu tư cải tạo và xây mới khu bay cả hai sân bay dự kiến là 4.210 tỉ đồng. Tại Tân Sơn Nhất, giai đoạn 1 sẽ cải tạo nâng cấp một đường cất hạ cánh và các nút đường lăn nối. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng mới hai đường lăn thoát nhanh giữa hai đường cất hạ cánh và một đường lăn song song giữa đường cất hạ cánh với đường lăn hiện hữu. Tại Nội Bài, giai đoạn 1 sẽ cải tạo đường cất hạ cánh 1B và xây dựng các đường lăn nối. Sau đó, giai đoạn 2 nâng cấp đường lăn còn lại...
Dù dùng vốn nhà nước theo cách nào thì ACV không thể được giao làm chủ đầu tư các dự án dùng vốn ngân sách do nơi này đã trở thành công ty cổ phần, nếu không sẽ vi phạm Luật Đầu tư và Nghị định 59/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. |
Vì coi đây là việc cấp bách, ACV đã chủ động lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án kể trên bằng nguồn vốn của ACV. Doanh nghiệp cũng muốn việc này được nhanh chóng phê duyệt để bắt đầu triển khai vào mùa thấp điểm, ngay từ tháng 8-2018.
Kể từ khi trở thành công ty cổ phần (tháng 4-2016) đến nay, hệ thống khu bay tại các cảng hàng không nêu trên không phải là tài sản của ACV mà vẫn là tài sản nhà nước giao cho ACV quản lý, khai thác. Các nguồn thu từ tài sản này sau khi trừ đi chi phí sẽ nộp về ngân sách.
ACV hiện không phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để được giao thực hiện dự án như đề xuất của Bộ GTVT. Bộ Tài chính trong văn bản trả lời kiến nghị của Bộ GTVT về việc này có nhắc lại quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Trách nhiệm đầu tư những dự án nêu trên thuộc về Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Việc Bộ GTVT đề nghị cho phép ACV được sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức hạch toán, theo dõi ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước là chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên không có cơ sở để thực hiện. Điều này cần được chấm dứt bởi nó tước đi cơ hội tham dự thầu chính đáng của nhiều doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu quan điểm tương tự như Bộ Tài chính là không thể sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác bay hiện có để đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh việc dùng nguồn vốn này phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan phụ trách việc phân bổ vốn trung và dài hạn đồng thời cho biết, nguồn vốn đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT hiện chỉ còn 10% vốn dự phòng (khoảng 3.688 tỉ đồng chưa phân bổ) và không thể dùng vào việc này như đề xuất. Cả hai bộ đều đề nghị Bộ GTVT làm đề xuất cấp vốn dựa trên tiêu chí về dự án ưu tiên, cấp bách.