Cảng hàng không quốc tế Nội Bài |
Báo cáo tài chính quý 4 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV - UpCOM) cho thấy năm 2017 ACV có tới 18.800 tỷ đồng gửi ngân hàng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 911 tỷ đồng. Còn lại là 17.963 tỷ đồng gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng.
Với khoản tiền gửi ngân hàng này, năm 2017 ACV nhận về 1.065 tỷ đồng tiền lãi gửi.
Hiện, ACV có 2.177 triệu cổ phiếu và Bộ Giao thông Vận tải đang là đại diện Nhà nước tại ACV, nắm giữ 95,4% cổ phần.
Doanh thu trong quý 4 của ACV đạt 3.259 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 1.242 tỷ đồng, giảm tương ứng 40% so với cùng kỳ năm 2016. Sự sụt giảm do doanh thu tài chính của ACV chỉ đạt 326 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm 2017, ACV đạt doanh thu 13.888 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 4.204 tỷ đồng, giảm 20%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2017 đạt 1.921 đồng.
Thực tế, một doanh nghiệp giữ một số dư nhất định trên tài khoản vãng lai là rất bình thường. Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, việc giữ tiền mặt nhiều hay ít cũng phụ thuộc nhiều vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu cảm thấy thời điểm đầu tư không an toàn, sinh lời thấp, doanh nghiệp sẽ chọn gửi ngân hàng, vừa an toàn mà vẫn sinh lời.
Tuy nhiên, nếu găm giữ quá nhiều tiền mặt, trên 20% tổng tài sản thì lại bất thường và cần xem lại vì có thể dòng tiền đang đi sai hướng, doanh nghiệp không bỏ vốn kinh doanh mà gửi để lấy lãi, không tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho doanh nghiệp.
Trong trường hợp này, tiền gửi ngân hàng của ACV chiếm đến 38% tổng tài sản. Tổng tài sản của ACV đến thời điểm 31/12/2017 là 49.161 tỷ đồng. Điều này thể hiện doanh nghiệp đang bí kênh đầu tư, chưa tìm ra phương án kinh doanh tốt nhất.
ACV hiện nắm giữ hoạt động của 22 sân bay trên cả nước. Trong cả giai đoạn 2016-2020, ACV dự tính tổng mức đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không lên tới hơn 31,6 nghìn tỷ đồng. Toàn bộ vốn này ACV muốn xin từ Ngân sách Nhà nước. |