Tiến sĩ Huỳnh Thế Du. |
Theo công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Du, quy hoạch năm 1993 hướng phát triển chính của TP Hồ Chí Minh là Đông – Bắc, hướng Nam không phải là hướng ưu tiên phát triển, chỉ là một hướng phát triển phụ. Đến năm 1998 đã có một sự thay đổi rõ rệt hướng phát triển chính vẫn là Đông – Bắc và có thêm 2 hướng nữa là hướng Nam và Đông – Nam. Chỉ 2 năm sau, đến quy hoạch năm 2010 đã có một sự thay đổi rõ rệt, 2 hướng phát triển chính của TP Hồ Chí Minh đã chuyển thành là hướng Nam và hướng Đông.
Quy hoạch quá nhiều cao ốc trên một trục đường... |
Trên thực tế, hiện tại hướng Nam và hướng Đông là 2 hướng phát triển mạnh nhất ở TP Hồ Chí Minh. Ở hướng Nam có hàng loạt các khu đô thị mới mọc lên dọc trục đại lộ Nguyễn Hữu Thọ, kéo dài từ quận 7 ra đến huyện Nhà Bè. Một số dự án có thể kể đến như khu đô thị cảng Hiệp Phước hoặc như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, hạt nhân là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng… Ở hướng Đông, là các quận 2, quận 9 và Thủ Đức nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong thời gian qua. Hạt nhân của khu Đông đó là khu đô thị mới Thủ Thiêm và vài chục dự án nhà ở quy mô lớn dọc theo đại lộ Mai Chí Thọ…
...Sẽ là gia tăng về dân số, hạ tầng quá tải. |
Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho biết: “Sự trục trặc của quy hoạch đô thị ở Việt Nam là do sự không ăn khớp giữa kỹ thuật và chính trị trong quy hoạch đô thị và thực thi các bản quy hoạch. Cụ thể là dự báo dân số và phân bổ dân số thường khác xa thực tế làm cho các quy hoạch trở nên sớm lạc hậu; Thiếu những đánh giá phương án sử dụng đất hay hạ tầng giao thông khác nhau; ảnh hưởng của các nhà đầu tư tư nhân làm các kế hoạch thường xuyên bị thay đổi và thực hiện một cách manh mún; thiếu vắng sự tham gia thực sự của người dân…”.
...ùn tắc giao thông khu vực hầm Thủ Thiêm liên tục xảy ra! |
Diễn dải các nguyên nhân này bằng thực tế có thể thấy qua việc ùn tắc giao thông trên các tuyến đường cửa ngõ dẫn từ khu Đông vào trung tâm thành phố. “Hàng ngày, vào giờ cao điểm cả 2 tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh và Mai Chí Thọ theo hướng từ quận 2, quận 9 và Thủ Đức đổ vào trung tâm đều ở trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Có thể nguyên nhân khi hoạch các tuyến đường này, các nhà quy hoạch đã không dự báo chính xác dân số của cả khu phía Đông. Thêm vào đó, sự thay đổi trong hướng hướng ưu tiên phát triển sang hướng Đông cũng làm gia tăng dân số khu vực này. Hoặc có thể thấy tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến giao thông kết nối từ khu đô thị mới Nam Sài Gòn vào khu trung tâm diễn ra hàng ngày. Nguyên nhân là khu quy hoạch xây dựng các tuyến đường kết nối đã không thể dự báo chính xác quy mô dân số của khu Nam, dẫn đến các công trình giao thông dù đưa vào sử dụng chưa lâu đã trở nên quá tải và lạc hậu…”, Tiến sĩ Du nhận định.