Họp nhiều lần, giải quyết không xong
Dự án KDC Bến Lức, được thực hiện theo quyết định thu hồi và giao đất số 924/QĐ-UB ngày 13/3/2003 của UBND TP Hồ Chí Minh. Phía Bắc giáp chợ đầu mối Bình Điền, phía Đông và Tây giáp khu D và E (Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng), phía Nam giáp đường Nguyễn Văn Linh.
Sau khi được TP giao đất, UBND quận 8 và Ban Quản lý khu Nam (BQL khu Nam) thống nhất đề xuất UBND TP tách ra làm 4 dự án thành phần, giao đất riêng cho 4 công ty.
Đường trong KDC Bến Lức chỉ đổ đá dăm, nhiều khu đất trống được người dân trồng chuối để đỡ lãng phí, tạo nên khung cảnh vô cùng nhếch nhác, mất vệ sinh. Ảnh: Tân Tiến
Theo đó, Công ty CP Sản xuất kinh doanh dịch vụ và xuất nhập khẩu quận 1 (Fimexco) nay là Công ty CP thương mại Phú Mỹ Lợi (Công ty Phú Mỹ Lợi), được giao tổng diện tích 84.426m2. Trong đó, khu 1 diện tích 39.905m2, đất ở 22.400m2 và đất giao thông, cây xanh 17.505m2; khu 2 diện tích 44.521m2, đất ở 11.000m2 và đất giao thông, cây xanh, nhà trẻ, trường học là 33.521m2.
Công ty TNHH sản xuất giấy Bảo Hưng (Công ty giấy Bảo Hưng) được giao 32.100m2, gồm đất ở 18.500m2 (quy hoạch xây dựng 189 nền nhà liên kế vườn); đất giao thông, cây xanh 13.600m2.
Công ty TNHH sản xuất thương mại Ứng Thành (Công ty Ứng Thành) được giao 61.880m2. Trong đó, khu 1 có diện tích 24.282m2, đất ở 13.200m2 và đất giao thông, cây xanh 11.082m2; khu 2 diện tích 37.598m2, đất ở 23.700m2 và đất giao thông, cây xanh 13.898m2.
Doanh nghiệp sản xuất thương mại Nguyễn Minh (DNTN Nguyễn Minh) được giao 66.550m2. Trong đó, khu 1 diện tích 33.535m2, đất ở 14.385m2 (điều chỉnh tăng 1.485m2 so với quyết định 2817/QĐ-UB ngày 24/7/2003); đất giao thông, cây xanh 19.150m2 (giảm 1.485m2 so với quyết định 2817/QĐ-UB). Khu 2 diện tích 33.115m2, đất ở 7.746,4m2 (điều chỉnh giảm 2.153,6m2 so với quyết định 2817/QĐ-UB); đất thương mại dịch vụ là 9.437m2 (giảm 563m2 so với quyết định 2817/QĐ-UB); đất giao thông, cây xanh 15.931,6m2 (tăng 2.716,6m2 so với quyết định 2817/QĐ-UB).
Với gần 24,5ha đất giao cho 4 công ty thực hiện KDC Bến Lức, theo quy hoạch khu nhà ở hơn 11ha, gồm 652 nền nhà liên kế vườn, 31 nền biệt thự, 392 căn hộ chung cư. Mặc dù được giao đất từ lâu, đến nay 4 công ty vẫn không hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến KDC này nhếch nhác, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù mịt, vô cùng mất vệ sinh.
Ông Trương Thế Kiệt - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị UBND quận 8 cho biết, trước tình trạng trên chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc họp với 4 công ty nhưng chưa thể giải quyết triệt để.
Chỉ làm đường “cấp phối”, nhiều hạng mục chưa xây dựng
Cụ thể, đến nay 4 công ty vẫn chưa xây dựng cống hộp rạch Lồng Đèn (đường A và A1 trong KDC Bến Lức). Trạm xử lý nước thải sinh hoạt KDC Bến Lức, chỉ có Công ty CP TV-TM-DV. Phần trạm xử lý nước thải 750m3/ngày đêm, thuộc 4 dự án thành phần trong KDC Bến Lức của 4 công ty cũng như nhiều hạng mục riêng của 4 đơn vị này vẫn chưa thực hiện.
Về bờ kè dọc rạch Lồng Đèn, 3 công ty: Ứng Thành đang tranh chấp với Công ty Hoàng Quân; Phú Mỹ Lợi đã thỏa thuận mép bờ cao; DNTN Nguyễn Minh chờ hướng dẫn của Khu Quản lý đường thủy nội địa nên chưa thực hiện. Riêng dự án thành phần thuộc Công ty giấy Bảo Hưng không giáp rạch nên không phải xây bờ kè.
Rác và phế liệu đổ đống ngoài đường trong KCD Bến Lức. Ảnh: Tân Tiến
Đối với hệ thống cấp điện, đã hoàn thành thi công, nhưng DNTN Nguyễn Minh chưa bàn giao hệ thống cho Công ty Điện lực Chợ Lớn quản lý; đồng thời hệ thống chiếu sáng công cộng trong dự án chưa hoàn chỉnh. Về hệ thống giao thông, cả 4 công ty cơ bản hoàn thành phần nền các tuyến đường, nhưng chưa hoàn thiện trải nhựa.
Về hệ thống thoát nước mưa, nước thải của các dự án KDC Bến Lức, đã tương đối hoàn chỉnh, nhưng không được nạo vét thường xuyên, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước của toàn dự án. Ngoài ra, trạm xử lý nước thải chung của 4 dự án thành phần chưa được xây dựng nên hệ thống thoát nước thải của từng dự án vẫn chưa đấu nối được. Đối với khu CC1 giáp đường Nguyễn Văn Linh (diện tích 23.147m2) thuộc dự án của Công ty Ứng Thành chưa đầu tư xây dựng bất kỳ hạng mục nào do khu đất này đang tranh chấp.
Cũng theo ông Trương Thế Kiệt - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị UBND quận 8, để giải quyết tồn đọng liên quan việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCD Bến Lức, ngày 4/4/2019, UBND quận có công văn 959/UBND-ĐT, kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương giao cho quận làm chủ đầu tư thực hiện hạ tầng chung KDC Bến Lức trên cơ sở đóng góp của 4 công ty, do các công ty này chưa thống nhất chọn ra một đại diện triển khai thực hiện.
Không hoàn thiện hạ tầng, kiến nghị không cho đầu tư dự án mới
Ngày 10/5/2019, Sở Tài chính có công văn phúc đáp, trong đó kiến nghị UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Sở Giao thông vận tải (GTVT) giải quyết kiến nghị của UBND quận 8. Nhưng Sở Xây dựng có công văn cho rằng giao UBND quận 8 làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng chung KDC Bến Lức là chưa có cơ sở pháp lý.
Nếu 4 công ty không hoàn thiện hạ tầng dự án KDC Bến Lức, UBND quận 8 kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh không cho họ đầu tư dự án mới trên địa bàn TP.. Ảnh: Tân Tiến
Đến ngày 12/5/2021, UBND quận 8 họp với BQL khu Nam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Satra) và 4 công ty, nội dung yêu cầu hoàn tất việc đầu tư hạ tầng dự án KDC Bến Lức. Sau đó vào ngày 19/10/2022, 4 công ty thống nhất đóng góp kinh phí để thực hiện hạ tầng chung KDC Bến Lức (phần nằm ở phường 7, quận 8) rồi giao cho Nhà nước quản lý. Đối với phần hạ tầng riêng, 4 công ty kiến nghị Tổng Công ty Satra chuyển kinh phí cho 4 công ty để thực hiện hoàn chỉnh hạ tầng dự án, nhưng đến nay Tổng Công ty Satra chưa hoàn tất việc chi trả kinh phí nên 4 công ty không có tiền để xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh.
Mới đây, UBND quận 8 có công văn yêu cầu 4 công ty khẩn trương hoàn chỉnh toàn bộ hạ tầng dự án trong năm 2024. Nếu không thực hiện, UBND quận sẽ kiến nghị UBND TP cho kiểm tra, xử lý hành vi chậm bàn giao hạ tầng.
“Sau khi 4 công ty thực hiện xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng, thì phải hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hoàn chỉnh hồ sơ quản lý chất lượng, thi công xây dựng, bảo trì công trình và giao cho Nhà nước quản lý theo quy định. Trường hợp 4 công ty cố tình không thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, không thực hiện các yêu cầu của các cấp chính quyền, UBND quận 8 sẽ đề nghị các Sở, ngành liên quan áp dụng các quy định hiện hành để xử lý, chế tài các chủ đầu tư cố tình chậm thi công hoàn thiện dự án, chậm bàn giao hạ tầng. Đồng thời, UBND quận cũng sẽ kiến nghị các sở, ngành xem xét trình UBND TP không chấp thuận chủ trương dự án mới trên địa bàn TP đối với 4 công ty nêu trên (kể cả trong trường hợp có khả năng tài chính nhưng không hoàn thiện hạ tầng để bàn giao, mà tiếp tục đầu tư dự án mới tại nơi khác) nếu họ cố tình không thực hiện”, ông Trương Thế Kiệt nói.