Đó là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) tại Hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018” do Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức sáng nay (8/12) tại TP.HCM.
Ông Khởi cho biết điểm sáng đầu tiên có thể nhìn thấy trên thị trường đó là tồn kho bất động sản đang trên đà giảm. Tính đến ngày 20/11 /2017, tồn kho BĐS giảm còn hơn 25.700 tỷ, so con số 102.800 tỷ trong quý 1/2013, tồn kho đã giảm gần 80%. So với tháng 12/2016 thì đã giảm 5.300 tỷ, tức hơn 17%. Cũng trong tháng 11 vừa qua, TP.HCM có 1.600 giao dịch, tăng 3,2%. Hà nội có 1.400 giao dịch, bằng so với tháng 10.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản đã giảm tồn kho 80% và đang trên đà phát triển tốt nhờ chính sách mới. |
Theo ông Khởi, thị trường bất động sản tăng trưởng như vậy thì ngoài yếu tố kinh tế là nhờ các cơ chế chính sách. Luật Đất đai đang được nghiên cứu để sửa đổi với những cơ chế rất mới. Ví dụ như cho phép các doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hình thành các khu công nghiệp cao. Luật đầu tư cũng đang được nghiên cứu sửa để giảm bớt điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở.
“Nếu như 6 năm từ 2009 đến 2015 chỉ có 126 trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, thì từ sau khi có Luật nhà ở 2014 đến nay đã có 1.000 trường hợp được cấp sổ đỏ và số lượng người nước ngoài đang tìm mua bất động sản đang tăng lên. Chính những thay đổi này đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Khởi nói.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang quan tâm đến và họ cần cơ chế cởi mở, thông thoáng để đầu tư. Tại TP.HCM có một số dự án đang hợp tác đầu tư thành công. “Từ những điểm sáng về kinh tế, chính sách và nguồn vốn đầu tư có thể khẳng định rằng tiềm năng thị trường bất động sản còn rất lớn và xu hướng thị trường trong thời gian tới vẫn sẽ phát triển ổn định nhưng có sự kiểm soát của nhà nước. Bên cạnh đó sẽ có xu hướng phát triển căn hộ diện tích vừa với giá vừa phải. Đồng thời phát triển căn hộ khách sạn (condotel) hay xu hướng phát triển đất nền ở một số khu vực”, ông Khởi nói.
Đồng tình, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất hiện một làn sóng mạnh mẽ đầu tư vào condotel ở các khu vực có thế mạnh như Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Cạnh đó, năm 2017 cũng chứng kiến dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp vào bất động sản thông qua kênh M&A. Đồng thời, nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản đạt 2,5 tỉ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đăng ký. “Dòng vốn FDI của nhà đầu tư nước ngoài và dòng kiều hối đổ vào bất động sản đã, đang và sẽ tăng lên cùng với sự thông thoáng của môi trường đầu tư. Dự báo trong vòng 5 năm tới, kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục thu hút trên dưới 3 tỉ USD vốn FDI mỗi năm”, tiến sĩ Vũ Đình Ánh dự báo.
Bên cạnh những điểm tích cực, năm qua thị trường bất động sản cũng bộc lộ một số dấu hiệu đáng lo ngại. Đó là giá nhà đất một số khu vực tăng quá nóng, bất động sản một số khu vực đang bị thổi giá quá mức, nhiều dự án bị siết nợ, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không được cải thiện và giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều so với mệnh giá...