Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây.
Chồng chéo trong quy định
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, phân khúc căn hộ condotel không làm ảnh hưởng gì đến sửa Luật Đất đai lần này, vì condotel là loại BĐS sử dụng đa mục đích theo góc độ của Luật Đất đai thì các loại hình này không vướng mắc gì. Trong quy hoạch phải có sử dụng đất hỗn hợp. Ví dụ cho toà nhà có 30% đất ở, 70% thương mại dịch vụ…
Ảnh minh họa
Nếu quy hoạch là đất ở thì nó là đất ở vì đã có tiêu chí quy hoạch rõ ràng, đương nhiên thực hiện theo các thủ tục về đất ở. Nếu là đất thương mại dịch vụ thì cũng có tiêu chí riêng. Mỗi loại đất đều có cơ chế quản lý riêng, luật pháp đã quy định và giao dịch mua các sản phẩm bất động sản kể trên dưới dạng hứa mua hứa bán, là hợp đồng dân sự về kinh tế kèm theo rủi ro và hệ lụy.
Trước đó, dù không có trong Luật Đất đai nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn cấp “đất ở không hình thành đơn vị ở” cho hàng chục dự án trong 3 năm liên tục từ 2016 - 2018. Vì không có quy định, nên hệ lụy là hàng loạt khách hàng mua căn hộ condotel tại dự án có loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở” không được cấp sổ đỏ, không đảm bảo quyền lợi như cam kết dẫn đến khiếu kiện, tố cáo kéo dài.
“Theo tôi, những khu vực đất có lợi thế về thương mại dịch vụ, sinh lợi từ đầu tư phát triển kinh tế thì nên là đất để cho thuê. Còn nếu là đất ở thì nên chọn nơi có cảnh quan, môi trường. Quy hoạch này có sự phân biệt. Đất ở thì có thể là lâu dài. Đất thương mại dịch vụ thì có thể thu tiền nhiều lần theo giá trị đầu tư về kinh tế” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Liên quan đến vấn đề sử dụng sản phẩm BĐS hỗn hợp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, hiện nay có nhiều dự án là những toà nhà hỗn hợp mà chủ đầu tư được phép bán tại các đô thị. Đất xây dựng do nhà nước giao có thời hạn. Theo quy định của Luật đất đai, hộ gia đình, cá nhân sở hữu nhà ở của toà nhà hỗn hợp được sử dụng đất ổn định lâu dài. Thế nhưng, cá nhân sở hữu phần kinh doanh trong toà nhà lại không được sử dụng đất ổn định lâu dài.
"Đây là nội dung còn nhiều bất cập cần được khắc phục tại Dự thảo này. Tôi cho rằng cần công nhận cho cá nhân sở hữu phần diện tích thương mại tại toà nhà hỗn hợp được sử dụng đất ổn định lâu dài nếu chủ đầu tư được phép bán" - ông Hiệp kiến nghị.
Cần thống nhất các luật
Đại diện Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, phản ánh của doanh nghiệp đến VCCI cho thấy thủ tục về đất đai và liên quan đến đất đai hiện nay rất phức tạp, tạo ra chi phí lớn. “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong các cản trở doanh nghiệp tiếp cận đất đai, bên cạnh giá đất tăng nhanh. Mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định về đất đai đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp, làm đình trệ nhiều dự án” – Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho hay.
Số liệu báo cáo tổng hợp từ Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), trong 8 năm trở lại đây bên cạnh một số địa phương tuỳ tiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel và tự đặt ra khái niệm đất ở không hình thành đơn vị ở. Trong khi việc này đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, kết luận là trái với các quy định của Luật Đất đai 2013, thì hầu như các chủ sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (là các công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch. Trong đó, có khoảng 100.000 căn hộ du lịch (condotel) chưa được cấp giấy chứng nhận theo các quy định pháp luật về đất đai.
“Đề nghị, khi xem xét sửa đổi Luật kinh doanh BĐS 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Đất đai 2013, Luật Du lịch 2017 thì xem xét bổ sung các quy định pháp luật để điều chỉnh đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành đối với loại hình công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.