Vẫn nhiều khó khăn
Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ năm 2022.
Nhìn chung, vốn FDI đầu tư vào các ngành nghề kinh tế đều giảm nhẹ, riêng BĐS ghi nhận giảm sút mạnh nhất, với tổng vốn đăng ký là 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước, mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng thu hút đầu tư.
Thị trường BĐS vẫn đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cung dự án mới. Ảnh minh họa
Trong những năm qua, BĐS luôn là lĩnh vực đứng thứ 2 về thu hút dòng vốn ngoại, việc sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng đã phản ánh thực chất bức tranh của thị trường. Tuy nhiên, có tín hiệu vui là tín dụng BĐS đã tăng tới 9,78%, gấp 3 lần tín dụng chung của nền kinh tế, bởi các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho những dự án có phương án vay vốn khả thi theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, lãi suất vay các ngân hàng có sự điều chỉnh giảm rõ rệt. Cụ thể, trong tháng 7/2023, dao động từ 8,5 - 11,8%, giảm từ 0,4 - 5,5% so với đầu năm 2023. Cùng với động thái giảm lãi suất, điều kiện được vay vốn cũng là đề tài nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các phía. Nhưng các ngân hàng bắt đầu thể hiện sự quyết liệt hơn trong việc xiết nợ và rao bán những BĐS không còn khả năng thanh toán.
“Chỉ trong vòng 4 tháng, thị trường chứng kiến tới 4 đợt giảm lãi suất, sẽ có độ trễ nhất định khi các quyết định này thật sự tác động đến thị trường. Nhưng những động thái này phần nào giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và góp thêm tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.
Cần điều chỉnh kịp thời chính sách
Các chuyên gia đều cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì vậy, để tiếp tục phát huy nguồn vốn FDI trong phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực BĐS nói riêng cần triển khai các giải pháp: Rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới; Tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cùng với đó, Chính phủ cần đẩy nhanh việc đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, củng cố niềm tin và sự an tâm của nhà đầu tư nước ngoài; Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính…
“Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và chi tiết về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các đối tượng trong việc soát xét, thẩm định, phê duyệt hồ sơ, nhằm sớm chấm dứt tình trạng hồ sơ, văn bản của doanh nghiệp bị “om” và “đùn đẩy”, gây mất thời gian, tốn nhiều chi phí cho DN. Tập trung sửa đổi, ban hành các Nghị định, Thông tư liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội... Đây đang là những rào cản rất lớn gây ách tách và nghẽn mạch thị trường, nếu không sớm được giải quyết sẽ khiến tình trạng khó khăn tiếp tục kéo dài” – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh kiến nghị.