“Hủy kèo” vì giá đất tăng cao
Mới đây, cầu nối đại lộ Mai Chí Thọ đến khu Thạnh Mỹ Lợi đã chính thức khởi công sau một thời gian dài đồn đoán về tính khả thi. Sự kiện này ngay lập tức tác động cục bộ đến bất động sản phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Đây là khu vực hưởng lợi trực tiếp, bởi người dân có đường mới tránh được xe container trên đường Đồng Văn Cống.
Thông tin này đã khiến giá bất động sản xung quanh dự án này tăng mạnh và nhiều nhà đầu tư được hưởng lợi. Tuy nhiên, không ít người lại đang “dở khóc dở cười” khi giao dịch bỗng nhiên bị “lật kèo”, hủy cọc.
Cư dân ở khu Thạnh Mỹ Lợi vẫn còn khá thưa thớt |
Anh T.X.Sơn (quận 10), một khách hàng đã đặt cọc mua đất khu này cho biết, khi anh thỏa thuận mua một mảnh đất nền 100m2 ở đường Tạ Hiện có giá trị 4,5 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Trong quá trình giao dịch, anh Sơn đã đặt cọc 30% giá trị hợp đồng. Thế nhưng, gần một năm qua, chủ đất cứ nhùng nhằng và tìm đủ mọi lý do để trì hoãn việc công chứng sang tên và giao đất. Đùng cái ngày 15/9 vừa qua, chủ đất “đánh bài ngửa” là đề nghị hủy cọc và không đồng ý bán, do giá đất tăng liên tục.
Theo anh Sơn, mảnh đất mà anh mua là chỗ quen biết nên anh tin tưởng đặt tiền cọc và nhận được lời hứa sau 2 tuần sẽ ra công chứng để chuyển quyền sở hữu. Do vậy, mới có tình trạng là trong hợp đồng đặt cọc không có điều khoản phải bồi thường hợp đồng khi chủ đất “hủy kèo”.
“Tôi đã nhắm trước được việc xây cầu sẽ khiến giá đất Thạnh Mỹ Lợi tăng mạnh nên đầu tư trước để sau này bán lấy lời. Ai ngờ chủ đất cứ nhùng nhằng mãi, thành ra đất không mua được mà tiền lại bị ngâm cả năm trời. Giờ lấy được tiền cọc thì giá đất lên cao, lại không mua nổi mảnh khác. Đúng là người tính không bằng trời tính”, anh Sơn chia sẻ.
Tương tự, anh H.Q.Minh (quận 3), một nhà đầu tư bất động sản cá nhân cũng vấp phải trường hợp “bể kèo” tương tự vì giá đất khu Thạnh Mỹ Lợi tăng nhanh chóng. Hồi đầu năm nay, anh Minh đã thỏa thuận với chủ đất mua sỉ hơn chục nền đã có sổ riêng, không bắt buộc xây nhà ở đường Lê Hiến Mai với mức giá trung bình 4 - 5 tỷ đồng/nền.
Thế nhưng, giao dịch đang trong quá trình thỏa thuận thì chủ đất kê giá bán tăng lên 30% sốt đất. Bị ép giá chỉ sau vài tuần, anh Sơn đã quyết định rút lui khỏi khu vực này để chờ đất nền hạ nhiệt.
Đất Thạnh Mỹ Lợi “nóng bỏng tay”
Chị Ngọc Mỹ, chủ một sàn bất động sản trên đường Tạ Hiện, cho biết, thông tin cầu 500 tỷ này đã xuất hiện từ nhiều tháng trước. Khi đó, giá đất trong khu vực có tăng nhẹ vì người mua còn “bán tín bán nghi”. Nhưng sau khi động thổ, mức giá đã tăng mạnh. Đây là nguyên nhân chính khiến bên bán bằng mọi cách phá vỡ hợp đồng.
Khảo sát thực tế cho thấy, đất mặt tiền nhiều tuyến đường lớn khu Thạnh Mỹ Lợi dao động từ 110 - 120 triệu/m2. Mức giá bình quân khu vực này từ 40 - 150 triệu/m2, tùy vị trí và diện tích. Hiện tại, mức giá đã khá bình ổn sau thời gian tăng nóng.
Theo ông Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, trong giao dịch nhà đất, những rủi ro như việc hủy bỏ giao dịch giữa chừng do bên bán quá tham lam là điều khó tránh khỏi. Đây không phải là chuyện hiếm xảy ra trên thị trường bất động sản. Hành động hủy hợp đồng đặt cọc sẽ gây nhiều thiệt hại đối với người mua như thời gian, tiền bạc và đôi khi là cả cơ hội cho các nhà đầu tư.
Do đó, việc đầu tiên người mua cần phải làm để hạn chế việc “hủy kèo” là phải thỏa thuận bồi thường thật nặng trong trường hợp một bên phá vỡ hợp đồng mua bán. Thỏa thuận phải yêu cầu đền gấp đôi, gấp ba, thậm chí cao hơn nhằm triệt tiêu động cơ phá vỡ hợp đồng. Mặt khác, để làm tăng sức nặng cho hợp đồng đặt cọc, bên mua cần yêu cầu bên bán chia ra 2 mục bồi thường và khoản phạt tách rời nhau, theo hướng bồi thường thì gấp đôi tiền cọc, còn phạt áp dụng theo thoả thuận.
Đồng thời, người mua nên sử dụng thêm công cụ vi bằng (công chứng thừa phát lại), cũng như nhờ cậy người cố vấn giàu kinh nghiệm hoặc một luật sư chuyên về bất động sản để củng cố tính pháp lý của giao dịch, nhất là trong bối cảnh thị trường đang biến động mạnh về giá như hiện nay.