Phải đóng tiền mới được vào danh sách chờ
Mới đây, trong đơn phản ánh gửi đến VP Đại diện Báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh, bà L.T.Th. (trú ngụ tại tòa nhà B, Lô C-D chung cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), cho biết bị Ban Quản trị cũ, Ban Quản lý vận hành và Ban Quản lý bãi xe chung cư chèn ép, không cho bà lên đậu xe tại bãi xe tầng 1 của tòa nhà.
Tòa nhà B, Lô C-D chung cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiểu Thúy
Theo nội dung đơn, gia đình bà L.T.Th. có nguyện vọng đậu xe ô tô ở tầng 1 tòa nhà B. Tuy nhiên khi bà xuống đăng ký thì được bảo vệ trông xe và Ban Quản lý hướng dẫn mang xe về đậu ở lối thoát hiểm của chung cư, đóng tiền hàng tháng thì mới được lên danh sách chờ.
“Tôi thấy việc làm này thật vô lý. Đồng ý chuyện bãi xe không đủ chỗ thì đăng ký xếp hàng chờ lượt, nhưng trong quá trình xếp hàng không thể ép cư dân mang xe về đậu ở sảnh chờ trước lối thoát hiểm để thu tiền hàng tháng. Việc làm này là vi phạm luật PCCC. Nếu xảy ra sự cố cháy nổ ai là người trách nhiệm” - bà L.T.Th. trình bày.
Biên bản cuộc họp ngày 19/2/2025, giữa Ban Quản trị, Ban Quản lý và cư dân tòa nhà B, Lô C-D chung cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Cư dân cung cấp
Liên quan đến những phản ánh của bà L.T.Th., theo ghi nhận, trong Biên bản làm việc ngày 19/2/2025, ông Nguyễn Hùng – Trưởng Ban Quản trị mới của chung cư Bình Khánh đã khẳng định, bãi đậu xe phía trước chung cư là tự phát, không hợp pháp. Việc đề nghị trả lại mặt bằng trống tại đây phải thông qua Hội nghị nhà chung cư để biểu quyết.
“Đề nghị đơn vị trông giữ xe sớm đưa bãi xe vào ổn định, ngày 26/2/2025 thực hiện sắp xếp điều phối lại bãi xe theo đúng tinh thần của cuộc họp” - ông Nguyễn Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời Cuộc họp giữa Ban Quản trị, Ban Quản lý và cư dân cũng đã thống nhất về việc chỉ có duy nhất 01 danh sách sắp xếp xe chờ lên bãi (không có danh sách ưu tiên 1 và ưu tiên 2). Mặc dù đến ngày sắp xếp điều phối bãi xe nhưng ông Phan Văn Thành - Trưởng Ban Quản lý bãi xe đã từ chối làm việc với lý do đang nhận được đơn kiến nghị bãi chờ.
Bãi xe ô tô tự phát đậu phía trước chắn lối thoát hiểm của cư dân. Ảnh: Tiểu Thúy
Đến nay, những tranh chấp, kiến nghị xoay quanh vấn đề đăng ký đậu xe tại nhà B, Lô C-D, chung cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được các bên liên quan xử lý dứt điểm…
"Cách làm của Ban Quản trị cũ nhà B, Lô C-D, chung cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và Ban Quản lý vận hành; Ban Quản lý bãi xe là không hợp lý, tôi đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng, mong cơ quan chức năng vào cuộc, bảo về quyền lợi chính đáng của cư dân" - bà L.T.Th. nói.
Theo tìm hiểu, Chung cư khối nhà B, Lô C-D do Công ty Công ích Quận 2 thực hiện quản lý và vận hành theo Quyết định số 1080/UBND-BBT ngày 13/4/2011 của UBND Quận 2. Đây là chung cư tái định cư do Công ty Công ích Quận 2 làm chủ đầu tư.
Bãi xe tự phát là sai quy định?
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, lối thoát hiểm là đường thoát nạn giúp cư dân rời khỏi tòa nhà khi phát sinh sự cố nguy hiểm xảy ra. Bên cạnh đó, lối thoát hiểm khẩn cấp có thể là sự kết hợp của lối ra vào thông thường cùng với lối ra đặc biệt giúp mọi người sơ tán khỏi tòa nhà nhanh hơn. Ngoài ra, lối thoát hiểm cũng có thể được sử dụng như một tuyến đường thay thế trong trường hợp cửa ra vào thông thường bị chặn lại.
Vì vậy, người có hành vi chặn cửa thoát nạn trong chung cư sẽ bị xử phạt hành chính theo Mục 5, Điều 40 Nghị Định 144/NĐ/CP phạt tiền từ 15.000.000 – 25.000.000 đồng đối với hành vi làm mất tác dụng của lối, đường thoát nạn.
Ông Lương Anh Tú - Trưởng Ban Quản trị cũ toà nhà B, Lô C-D, chung cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh trong 1 cuộc họp với cư dân. Ảnh: Cư dân cung cấp
Cũng theo luật sư Lê Thu Thảo, tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 115 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy mà gây thiệt hại cho người khác như: dẫn đến chết người; gây thương tích cho người khác; thiệt hại tài sản…thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về hình sự.
Cụ thể, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm; phạt tù có thời hạn 5-8 năm; phạt tù có thời hạn từ 7-12 năm;
“Ngoài ra, người phạm tội danh này còn bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng cho đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm về chức vụ, cấm hành nghề hoặc là làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm” - Luật sư Lê Thu Thảo nhấn mạnh.
Cư dân tố Ban quản trị tham ô quỹ bảo trì Thời điểm năm 2020, hàng trăm hộ dân chung cư khối B, Lô C-D, Khu tái định cư 17,3ha, phường Bình Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh (quận 2 cũ), tố Ban quản trị, BQL và Công ty Công ích Quận 2 có nhiều khuất tất trong thu chi tài chính, tố Trưởng Ban quản trị lạm quyền có dấu hiệu tham ô quỹ bảo trì. Cụ thể, việc lạm dụng quyền hạn, tự ý sửa chữa nhiều hạng mục trong tòa nhà, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng viện cớ dịch bệnh Covid-19 để không tổ chức họp dân; không tổ chức đấu giá, đấu thầu hạng mục sửa chữa; không kiểm kê hạng mục hư hỏng; không có đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị nghiệm thu công trình theo đúng quy định của pháp luật… Ngày 21/1/2020, chi sửa chữa hư hỏng lầu 2 và tầng 17 trục B1 gần 94 triệu đồng. Ngày 7/8/2020, chi sửa chữa hư hỏng phần sở hữu chung dộp gạch sảnh lầu 2 và hành lang trục b1 + B2 và gạch ốp tháng máy B1 + B2 gần 293 triệu. Trong đó hợp đồng chính hết gần 65 triệu, phụ lục hợp đồng trên 201 triệu cao hơn 3 lần hợp đồng chính, vi phạm Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về Hợp đồng xây dựng. Ngoài ra, tập thể cư dân cho rằng, Công ty Công ích quận 2 tự ý tăng giá gửi xe ôtô và đưa ra Thông báo số 1164/TB-CI.2 ngày 1/9/2020 mà không thông qua họp hội nghị cư dân, gây bức xúc cho cư dân. |