Cụ thể, ông Trần Văn Cảnh – Phó Tổng Giám đốc GP.INVEST cho hay, trên website có tên miền http://tranganresidence.com/ đang giới thiệu các thông tin và hình ảnh quảng cáo về dự án Tràng An Residence (149 Trường Chinh) do Công ty CP Tư vấn Xây dựng Petrolimex làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, toàn bộ hình ảnh được sử dụng trên thực chất là hình ảnh tại dự án Tràng An Complex của GP.INVEST. Việc sử dụng trái phép hình ảnh để quảng cáo là việc làm vi phạm quy định pháp luật và thể hiện sự lừa dối, coi thường khách hàng. Đặc biệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu GP.INVEST và dự án Tràng An Complex.
|
Hình ảnh của Tràng An Complex đang bị dự án Tràng An Residence sử dụng trái phép |
“Tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Bất động sản được xem như ngành nghề trụ cột của nền kinh tế, có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người dân. Lợi dụng hình ảnh dự án này quảng bá cho dự án khác của một số cá nhân, DN là không chấp nhận được. Một khi giá trị trung thực bị xem nhẹ, thị trường địa ốc nói chung còn khó trong chặng đường lấy lại niềm tin khách hàng. GP.INVEST rất mong các cơ quan báo chí đồng hành làm sáng tỏ việc làm sai trái này. Thứ nhất, đảm bảo uy tín cho các DN địa ốc làm ăn chân chính. Thứ hai, trả lại sự trong sạch cho môi trường kinh doanh” - Phó Tổng Giám đốc GP.INVEST nhấn mạnh.
Để đảm bảo thông tin hai chiều, phóng viên báo Kinh tế&Đô thị đã liên hệ với ông Nguyễn Thành Nam - Tổng Giám đốc công ty CP tư vấn xây dựng Petrolimex - đơn vị được xem là chủ đầu tư dự án có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, vị này khẳng định phía trang tin đăng tải việc giới thiệu dự án trên là giả mạo. Phía công ty không liên quan và hoàn toàn bất ngờ trước thông tin này.
Ở góc độ pháp lý, luật sư cho hay việc dùng bản quyền của một đơn vị khác là vi phạm Điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản về các hành vi bị cấm như gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản; vi phạm Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về các hành vi bị cấm như lừa dối và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo, cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về sản phẩm; vi phạm Điều 8, Luật Quảng cáo về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn; vi phạm Điều 39, Luật Cạnh tranh về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn.
Vị luật sư này cũng nêu thực tế, tình trạng vi phạm bản quyền luôn là đề tài nóng ở Việt Nam. Không phải vì vấn đề được giải quyết hay giảm thiểu, mà ngược lại, ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Điều đáng nói là dù vi phạm bản quyền dưới nhiều hình thức khác nhau có dấu hiệu tăng cao nhưng việc giải quyết, xử lý vẫn còn bị xem nhẹ.